Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Minh Chánh, một chuyên gia tài chính kỳ cựu – Giám đốc Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, tác giả cuốn sách bán chạy "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam".
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán (TTCK) và bất động sản (BĐS), các phương thức lừa đảo hoặc thu hút đầu tư vào các dự án tiền mã hóa hay tiền ảo với lợi nhuận cao bất thường cũng nở rộ và nhận được sự quan tâm, xuống tiền của hàng chục nghìn người. Từ góc độ một người làm tư vấn đầu tư tài chính, ông thấy gì từ hiện tượng đó?
Đây là 1 hiện tượng hết sức nguy hiểm cho những nhà đầu tư, bởi vì những dự án này chúng ta có thể biết trước hầu hết, đến 99,99%, là những dự án hoặc có độ rủi ro cực kỳ cao, hoặc mang tính chất lừa đảo.
Sự tăng trưởng mạnh của TTCK, BĐS đã nâng cao "ý chí" đầu tư tài chính của nhiều người. Trong đó có rất nhiều người không có kiến thức vững vàng về đầu tư, chỉ cần nghe trình bày ngon ăn là xuống tiền. Đã thế mùa Covid này, họ lại rảnh rỗi muốn dùng tiền nhàn rỗi của họ để sinh lợi.
Nắm rõ được tâm lý muốn đánh nhanh thắng nhanh của nhà đầu tư và tận dụng cơ hội lãi suất ngân hàng đang xuống thấp, những người lừa đảo đã tăng cường sự hoạt động của mình, và vẽ vời ra nhiều kiểu kiếm tiền thông minh, bí hiểm nhằm đưa nhà đầu tư vào bẫy.
Trong số những người bị sập bẫy với dự án tiền mã hóa có tính chất đa cấp, lừa đảo, không ít người cũng hiểu biết về tài chính và có kiến thức thực sự. Tại sao họ vẫn lao vào các dự án với những khoản lợi nhuận rất khó tin như vậy?
Tôi đã chứng kiến nhiều người hiểu biết tài chính, hiểu biết về kinh doanh nhưng bị sập hầm lừa đảo. Tôi có những người bạn học ngành tài chính, ngân hàng làm trong ngành tài chính, nhưng cũng bị sập hầm.
Tôi không thể hiểu nổi tại sao họ có thể đầu tư mấy trăm triệu vào 1 dự án mỏ vàng bên Mỹ, cam kết cho họ lấy lại vốn sau 2 năm, và sau đó cứ mỗi năm là 40%-60%/ lợi nhuận. Chỉ cần có kiến thức cơ bản thì biết ngay là lừa đảo. Làm gì có chuyện cam kết lợi nhuận lên đến 40% - 60%/năm. Nếu có dự án tốt vậy thì họ nói chuyện với các quỹ hay vay ngân hàng thì có tiền ngay. Dự án tốt, các nhà đầu tư không chê. Cớ sao họ lại lặn lội qua Việt Nam kêu gọi từng nhà đầu tư cá nhân, lại phải trả chi phí hoa hồng kiểu đa cấp…
Yếu tố lừa đảo rõ ràng như thế mà họ, học tài chính, làm tài chính, vẫn hăm hở đầu tư, lại còn rủ rê thêm bạn bè. Có thể là chữ thầy họ trả hết cho thầy. Có thể là sau khi được trình bày dự án quá "ngon ăn", lòng tham nổi lên mạnh quá, lấn át mọi kiến thức, mọi sự hiểu biết của họ về tài chính, cũng như các nguyên tắc trong đầu tư.
Có phải tất cả những dự án forex hay tiền mã hóa đều là lừa đảo?
Không hoàn toàn như thế. Nói về forex hay tiền mã hóa thì sẽ có 2 dạng chính:
Dạng thứ nhất là đầu tư thật. Tuy vậy, đầu tư forex hay mã hóa chỉ dành cho nhà đầu tư, trader chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư F0 thua nhiều hơn thắng vì nhiều lý do. Khả năng dự đoán giá đúng của nhà đầu tư mới không cao. Phân tích kỹ thuật không giỏi, tâm lý lại không vững. Mà khi thắng thì họ thắng rất ít đã chốt lời, tức là họ không có khả năng gồng lãi, mà khi thua thì họ lại không chốt mà gồng lỗ.
Đòn bẩy của các loại đầu tư này lại rất cao, và giá đi rất nhanh. Vì thế tổng kết lại thì nhà đầu tư nghiệp dư sẽ thua nhiều hơn thắng. Ngoài ra, nhà đầu tư còn đối diện với rủi ro tiềm tàng về pháp lý. Đến nay, Nhà nước vẫn chưa hợp pháp hóa các loại đầu tư này.
Dạng thứ 2 là cố tình lừa đảo. Họ núp dưới chiêu bài đầu tư forex, tiền mã hóa, hoặc nhiều biến hóa khác. Chủ yếu là để cám dỗ nhà đầu tư thiếu hiểu biết. Họ lại dùng hệ thống đa cấp kiểu Ponzi, chiêu dụ người này giới thiệu người kia, để phát triển khách hàng, Khi đủ số thì họ bấm nút "hô biến". Hiện tại, dạng lừa đảo kiểu này nở rộ như nấm sau mưa.
Các dự án dạng forex hay coin lừa đảo với các "đại tỷ gọi nến", "chuyên gia đọc lệnh" có những đặc trưng gì dễ nhận biết?
Những đối tượng lừa đảo này đánh vào lòng tham của nhà đầu tư thiếu hiểu biết, hoặc nhà đầu tư có hiểu biết nhưng bị lòng tham lấn át. Họ trình bày rất hay. Họ có những "chim mồi". Thậm chí họ sẽ trả tiền rất đàng hoàng cho những nhà đầu tư đầu tiên. Những người này sẽ là "tín đồ" hỗ trợ đắc lực cho họ.
Để nhận diện sự lừa đảo tài chính, hay độ rủi ro của các dự án đầu tư, chúng ta nên xem xét các yếu tố sau:
- Tính pháp lý: Các dự án, sàn, ứng dụng đó thuộc doanh nghiệp nào và đã đăng ký kinh doanh tại quốc gia nào chưa. Nếu thuộc về công ty nước ngoài nhưng hoạt động ở Việt Nam thì cũng phải đăng ký văn phòng đại diện tại Việt Nam. Có ký hợp đồng không? Hợp đồng đó có tính pháp lý không? Có tài khoản doanh nghiệp không? Tiền của chúng ta có chuyển vào tài khoản doanh nghiệp.
- Độ uy tín: Chủ/ Ban Giám đốc dự án là ai, có uy tín không? Họ cầm tiền của mình, họ quản lý tài sản của mình mà họ không phải là người uy tín, thì mình sẽ đòi ai? Những người chiêu dụ mình chỉ là môi giới, họ đâu có tiền mà trả cho mình?
- Phương thức tạo ra tiền: Trước khi quyết định rót tiền đầu tư, nhà đầu tư phải hiểu hiểu rõ cách thức vận hành và tạo ra tiền của dự án. Làm thế nào mà họ có thể tạo ra lãi suất để trả cho nhà đầu tư đến vài chục phần trăm, chưa kể hoa hồng cho hệ thống trung gian và những chi phí khác.
Nếu gửi tiền vào ngân hàng thì chúng ta biết rằng ngân hàng sẽ huy động tiền gửi của người dân rồi đem cho vay. Vì thế sẽ có tiền trả lãi cho khách hàng. Nếu đầu tư cổ phiếu thì chúng ta biết rằng giá cổ phiếu trong dài hạn sẽ đi lên, nếu như doanh nghiệp tốt, tăng trưởng, kinh doanh hiệu quả.
Các dự án lừa đảo sẽ chỉ nói là làm ra lợi nhuận, mà không thể giải thích tại sao. Và họ cố gắng che đậy sự vô lý đó bằng những từ rất kêu như trí thông minh nhân tạo AI, block chain, mã hóa…và tạo ra những biến hóa làm hoa mắt nhà đầu tư. Và họ chỉ nói về lợi nhuận, chứ không nói tại sao có lợi nhuận khủng như vậy.
- Cam kết lợi suất cao: Những ứng dụng hay mô hình cam kết mang về lợi suất vài chục đến vài trăm phần trăm là hoàn toàn sai.
Trái phiếu cũng chỉ chi trả lãi suất 8-12% là tối đa. Doanh nghiệp làm ăn rất tốt trên thị trường chứng khoán cũng chỉ có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 25%-30%. Tuy vậy họ không bao giờ cam kết tỷ suất lợi nhuận với cổ đông. Là cổ đông thì lời cùng chia, lỗ thì cùng gánh, chứ không ai cam kết tỷ suất lợi nhuận cao, mức 30%-60%/năm đối với cổ đông cả.
Đảo bảo lợi nhuận cao với cổ đông cũng như là mời người khác một bữa trưa thịnh soạn miễn phí vậy. Nhà đầu tư nên nhớ rõ nguyên tắc "Không bao giờ có một bữa trưa miễn phí".
Cách thức lừa đảo theo kiểu tài chính đa cấp hiện nay so với những vụ lừa đảo khoảng 2-3 năm đổ về trước có gì giống và khác nhau?
Có khác nhau đó. Cách đây 5-10 năm, thì các dự án lừa đảo kiểu OneCoin, sẽ có nhóm người nước ngoài hoặc Việt kiều về chiêu dụ người khác phát triển hệ thống. Thế nhưng, những năm gần đây, Việt Nam đã có sẵn nhóm những người chuyên làm loại hình lừa đảo này.
Có những người quen đã gửi cho tôi hơn 20 profile facebook của những bạn trẻ chỉ khoảng 20-30 tuổi, mặc đẹp, đăng ảnh viết bài khoe giàu có, khoe sành điệu, khoe sống theo kiểu mới. Họ chuyên môn chiêu dụ những người khác đầu tư, hết dự án này đến dự án khác.
Tại sao những dự án lừa đảo có thể phát triển mạnh mẽ một cách ngang nhiên như vậy?
Tôi rất bức xúc vì vấn đề này. Để một doanh nghiệp có thể kêu gọi vốn của công chúng, doanh nghiệp phải đạt được những tiêu chuẩn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp đó phải công bố bản cáo bạch, báo cáo thường niên, báo cáo tài chính có kiểm toán, nói rõ mục đích kêu gọi vốn công chúng để làm gì. Và họ phải liên tục báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tình hình kinh doanh cho các cơ quan quản lý.
Vậy mà bây giờ việc phát hành vốn, kêu gọi đầu tư của công chúng lại có thể diễn ra tràn lan, ngang nhiên trên mọi phương tiện. Thậm chí, một số phương tiện truyền thông do thiếu sự quản lý sâu sát, thiếu kiến thức về vấn đề này cũng bị bọn họ lợi dụng đăng quảng cáo kêu gọi vốn. Gần đây, Nhà nước có truy quét những tổ chức lừa đảo tài chính, những sàn làm ăn gian dối, bất hợp pháp; nhưng trên thị trường vẫn còn rất nhiều dự án lừa đảo công khai tương tự.
Ông có nhận xét gì về những người tham gia vào đường dây lừa đảo, dụ dỗ nhà đầu tư ngày càng có xu hướng trẻ hóa với các biệt danh mới "đại tỷ gọi nến", "chuyên gia đọc lệnh". Liệu có phải do họ không biết về mô hình này là phạm pháp hay biết nhưng vẫn làm?
Theo tôi nghĩ cũng có tỷ lệ nhỏ, một số ít thơ ngây thật sự. Họ bị tuyên truyền và nghĩ rằng họ đem lại cơ hội đầu tư, làm giàu cho người khác. Nhưng đa số là những người chuyên nghiệp, hiểu rõ việc mình đang làm.
Rất đơn giản để nhận biết bản chất việc họ đang làm: tiền từ dân qua họ đến ông chủ, đâu có bao giờ quay về lại người dân. Họ biết, nhưng được nhận thu nhập cao thì vẫn làm. Có người còn nói về những người dân sập bẫy: "Ngu thì chết. Tham thì chết"
Là một người dày dạn kinh nghiệm trong đầu tư cũng như một người chia sẻ, truyền đạt những kiến thức đầu tư cho mọi người, ông có lời khuyên nào cho những nhà đầu tư mới, đặc biệt là những người trẻ hiện nay trong việc đầu tư vào các dự án tiền mã hóa hay tham gia các sàn forex?
Nếu đầu tư vào các dự án tiền mã hóa hay tham gia các sàn forex nghiêm túc thì bạn trẻ phải rất chuyên nghiệp, hiểu biết và bản lãnh. Bản thân bạn trẻ phải trả lời được câu hỏi "Mình sẽ thắng bằng cách nào?".
Bạn trẻ nên tránh xa các dự án hứa hẹn cam kết tỷ suất lợi nhuận cao. Dự án cam kết từ 15%-30% /năm là rủi ro rất cao. Còn cam kết lợi nhuận 30%/năm trở lên thì chắc chắn là lừa đảo.
Chỉ khi nào bạn trẻ có số tiền kha khá, và đủ kiến thức và bản lãnh thì có thể đầu tư toàn thời gian để kiếm tiền và làm giàu. Còn lại hầu hết các bạn trẻ, chưa có số tiền lớn, chưa đủ kiến thức và bản lãnh thì hãy làm nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư. Tức là làm việc để kiếm tiền, và để dành 10% - 15% để đầu tư.
Một trong những hình thức cơ bản nhất là đầu tư dài hạn vào các công ty chứng khoán đã niêm yết trên sàn. Đầu tư dài hạn vào 1 công ty trung bình trên sàn, hay chính xác hơn là đầu tư vào chỉ số Vn-Index, hoặc quỹ tỷ suất lợi nhuận 10% - 15%/năm tùy giai đoạn.
Trong một hội thảo online gần đây, ông Lê Anh Tuấn, Phó TGĐ Dragon Capital cho biết: "Trong vòng 21 năm kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập, hiệu suất đầu tư cổ phiếu mỗi năm vào khoảng 16%. Nếu bỏ 100 triệu đồng đầu tư vào năm 2000, thì đến nay số tiền này đã tăng lên hơn 2,2 tỷ đồng. Nếu nhà đầu tư quyết định 'xuống tiền’ tại mức đỉnh VN-Index hồi năm 2007, đều đặn duy trì chỉ 10 triệu đồng/tháng vào chứng khoán, thì tài sản đã lên tới hơn 4 tỷ đồng".
Đó là đầu tư cho 1 công ty trung bình trên sàn, cho chỉ số Vn-Index. Còn nếu bạn trẻ học hành, nghiên cứu nghiêm túc để chọn được công ty tốt, cổ phiếu tốt thì sẽ đạt được lợi nhuận cao hơn. Đây là đầu tư vững bền, vừa giúp góp vốn cho các công ty – những cỗ máy của nền kinh tế, vừa tăng trưởng quỹ tài chính cá nhân/ gia đình, giúp các bạn trẻ độc lập, tự do về tài chính sau 15-20 năm.
Quỳnh Anh Thiết kế: Hương Xuân Theo Trí thức trẻ
Trí thức trẻ