Trong bài phỏng vấn chị Nguyễn Lan Anh – Giám đốc điều hành của Endeavor Việt Nam vào đầu năm 2021 với chúng tôi, nữ tướng cho biết có rất nhiều nguyên do khiến tổ chức này quyết định mở chương trình scale-up cho các startup tại thị trường Việt.
Một trong những mối lo hàng đầu của chị Nguyễn Lan Anh kể từ khi nhận lời dẫn dắt Endeavor tại thị trường Việt Nam cho đến thời điểm này luôn luôn là ‘khó tìm các startup đạt chuẩn để đưa vào mạng lưới toàn cầu của Endeavor".
Mặc dù Endeavor không đề ra bất cứ con số hoặc chỉ tiêu tài chính gì cụ thể cho các startup, nhưng do một trong những sứ mệnh quan trọng của Endeavor là "hỗ trợ các startup nhanh chóng quy mô hóa," nên tất nhiên doanh thu của các ứng cử viên phải thật sự đáng kể kèm tăng trưởng doanh thu mỗi năm trên 25%. Mà nhìn vào thị trường khởi nghiệp Việt, startup đạt tất cả tiêu chuẩn của Endeavor quá ít.
"KPI quan trọng mỗi năm của team Endeavor Việt Nam chính là có nhiều doanh nhân thành công vượt qua vòng tuyển chọn toàn cầu của Endeavor. Trong năm 2019, chúng tôi có 4 gương mặt đã "vượt được vũ môn" là The Coffee House, Giao Hàng Nhanh, Topica và Ecomobi; nên năm 2020, dù Covid-19, song chúng tôi vẫn tiếp tục đặt mục tiêu như thế.
Kết quả: chỉ có 3 trong 5 ứng viên mà chúng tôi giới thiệu thành công: ELSA, NextPay và Trusting Social.
Với năm 2019, 4 cái tên được kể trên được chúng tôi xem là ‘trái cây đã chín’ và chúng tôi chỉ cần đến hái, bởi cả bốn đều là những công ty khởi nghiệp nổi bật vượt trội trên thị trường thời điểm đó. Nhưng càng ngày thì càng khó hơn, nhất là khi tiêu chuẩn lựa chọn mà Endeavor đặt ra ngày càng cao. Việc tuyển chọn trực tuyến cũng khiến các founder Việt không thể hiện được hết những khía cạnh của bản thân cho Ban giám khảo thấy," chị Nguyễn Lan Anh cho hay.
Chị Nguyễn Lan Anh – Giám đốc điều hành của Endeavor Việt Nam
Gần đây, theo chị Nguyễn Lan Anh, sau khi Endeavor thuê Bain làm một cuộc nghiên cứu về các công ty trong mạng lưới Endeavor toàn cầu, kết quả cho thấy: chỉ những startup đã bước vào giai đoạn tăng tốc, có khả năng quy mô hóa và có quy mô lớn thì mới tạo ra tác động xã hội lớn; nên Endeavor đã quyết định tăng độ khó các tiêu chuẩn tuyển chọn doanh nhân từ năm 2020.
Trước thực tế tại thị trường Việt Nam: hầu hết công ty startup vẫn đang ở giai đoạn đầu; nên Endeavor Việt Nam đang tìm những giải pháp linh hoạt cho thách thức này.
Năm nay, họ sẽ lần đầu tiên tổ chức Chương trình Quy Mô Hóa (Scale up) cho các startup Việt Nam mà họ xét thấy đã tiệm cận với giai đoạn quy mô hóa, giúp họ trang bị các kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn để, đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp.
Nói như chị Lan Anh, bây giờ, Endeavor Việt Nam không thể chỉ ngồi đợi ‘trái tự chín’, mà phải tham gia hỗ trợ các doanh nhân từ sớm hơn.
Sau vài tháng tìm kiếm – phỏng vấn – điều nghiên, Endeavor vừa chính thức ra mắt chương trình và công bố danh sách 6 startup Việt được chọn trong đợt đầu tiên tham gia chương trình Scale-up, là: Kim An Group, Kim Dental, Rever, ShopBase, Onpoint và 30 Shines.
Chương trình Scale-up này sẽ kéo dài 8 tuần, nhằm giúp các founder và CEO có thể tiếp cận với các nguồn lực, như các mentor chuyên môn lẫn quản trị trong mạng lưới địa phương và toàn cầu của Endeavor.
Trong danh sách này, chúng ta có thể thấy Kim Dental, Rever hay 30 Shines nổi hơn 1 chút, có thể không phải vì quy mô lớn hơn mà cả ba là mô hình B2C; Kim Dental là chuỗi phòng khám nha khoa, Rever là proptech – số hóa hoạt động kinh doanh – môi giới bất động sản, còn 30 Shines là chuỗi cắt tóc chuyên dành cho nam giới.
Sự kiện online chính thức ra mắt chương trình Scale-up của Endeavor Việt Nam.
3 startup còn lại chủ yếu thuộc mô hình B2B, nên họ không cần làm marketing – PR quá nhiều như kinh doanh chuỗi. Cụ thể: Kim An Group là nền tảng fintech giúp thu hẹp khoảng cách giữa nguồn vốn của tổ chức và các doanh nhiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; ShopBase là platform thương mại điện tử xuyên biên giới mở, được tạo ra với mục tiêu nâng tầm trải nghiệm dropshipping và POD cho cả người mua và người bán; Onpoint chuyên hỗ trợ các nhãn hàng bán hàng online bằng cách cung cấp giải pháp dịch vụ trọn gói (one-stop solution).
Trong 6 startup trên, có một đặc điểm chung là đều đã thành công kêu gọi vốn, trừ ShopBase (có thể họ chưa đi kêu gọi vốn hoặc đã thành công gọi vốn nhưng không công bố).
Các founder của Rever xuất thân từ VNG, nên ngay từ lúc mới lập nghiệp họ đã được đầu tư bởi các nhà đầu tư ‘thiên thần’ như ông Lê Hồng Minh – founder VNG và ông Phan Minh Tân – founder Tập đoàn 24h. Năm 2019, Rever nhận được 2,3 triệu USD tiền đầu tư từ quỹ GEC-KIP và 4 triệu USD từ quỹ VinaCapital.
Onpoint được sáng lập bởi 2 cựu Giám đốc của Lazada, đã thành công gọi 8 triệu USD vòng Series A trong năm 2020, từ Kiwoom Investment của Hàn Quốc và Quỹ tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II. Cũng trong năm này, Kim An Group đã nhận được một khoản đầu tư Series A từ 3 quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á là Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures; tuy nhiên họ không tiết lộ chính xác con số.
Năm 2021, Kim Dental nhận 24 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ Aura Private Equity cùng ABC World Asia (Singapore) và các nhà đầu tư khác, tại vòng Series B. 30 Shines được đầu tư và sở hữu chi phối bởi STI Holding của ông Phan Minh Tâm.
Vì đây là chỉ là ‘vườn thúc trái chín nhanh hơn’ của Endeavor Việt Nam, tức là không phải tất cả hoặc có khi không ai thành công lọt vào mạng lưới toàn của Endeavor. Tuy nhiên, được chọn vào đã là điều rất đáng tự hào.
Trong thời gian gần đây, người của Endeavor đã tránh nói đến việc đi tìm kiếm ‘kỳ lân’ vì sợ những thị phi không đáng có, nhưng ai cũng hiểu đó chính là sứ mệnh của tổ chức này, nhưng vì thị trường khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn non, nên họ buộc phải thận trọng. Thế nên, việc được Endeavor chọn vào chương trình này, tức là 6 startup nói trên có nhiều cơ may trở thành ‘kỳ lân’ nếu không thì cũng là một trong những startup tốt nhất trong lĩnh vực của mình.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị