Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Monterrey, Mexico, ngày 5-8 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi rất lo ngại về tình hình vắc xin không được sử dụng, vì các lý do hành chính, thiếu sự bảo quản phù hợp hay sự ngần ngại vắc xin" - hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Stephane Dujarric của Liên Hiệp Quốc phát biểu ngày 5-8.
Liên Hiệp Quốc cho biết cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ các nước phân phối vắc xin, gồm vận chuyển, chuỗi phân phối lạnh và giảm sự ngần ngại của người dân.
"Các chính phủ có trách nhiệm, đạo đức và các mặt khác, để đảm bảo rằng người dân của mình được tiêm ngừa một khi họ có vắc xin. Chúng tôi sẵn sàng giúp theo yêu cầu của các chính phủ" - ông Dujarric nói.
Theo Liên Hiệp Quốc, chương trình chia sẻ vắc xin công bằng COVAX đến nay đã đưa được 186,2 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đến 138 quốc gia. Trong khi đó, mục tiêu của COVAX là phân phối 2 tỉ liều cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.
Mỹ đến nay đã tài trợ 110 triệu liều vắc xin cho hơn 60 quốc gia, trong đó phần lớn thông qua chương trình COVAX.
Vào cuối tháng 8-2021, Washington sẽ bắt đầu phân phối 500 triệu liều vắc xin mà nước này mua thêm để tài trợ cho các nước thu nhập thấp.
Khi được hỏi về các khó khăn trong việc phân phối vắc xin, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, nói với đài MSNBC rằng chương trình COVAX chưa đủ mạnh mẽ.
Trong khi đó, báo New York Times mới đây dẫn thống kê sơ bộ tại 10/50 bang của Mỹ cho thấy hơn 1 triệu liều đã bị lãng phí (không sử dụng, bị hư trong lúc vận chuyển, hết hạn sử dụng). Nguyên nhân là do lượng người đi tiêm giảm đáng kể.
Số lượng vắc xin bị lãng phí thực tế có thể cao hơn nhiều do các bang không tính đến số liều được chính quyền liên bang phân bổ trực tiếp cho các chuỗi cung cấp dược phẩm.
TTO - Thống kê sơ bộ ở 10 bang cho thấy hơn 1 triệu liều vắc xin đã bị lãng phí vì nhiều lý do: vận chuyển và bảo quản sai cách, nhân viên y tế đã chuẩn bị sẵn để tiêm nhưng người dân không đến, hết hạn sử dụng do ít người tiêm,...