Trưa 4-8, chị Phương Vy (ngụ chung cư lô B Lê Thành (quận Bình Tân) nhận được tin nhắn từ bạn "Lô A đang bán trái cây combo 50.000 đồng, mua thì xuống gấp" liền vội vàng chạy xuống mua. Chỉ 10 phút sau, chị hồ hởi mang lên 2 túi trái cây gồm: nhãn, thanh long, đu đủ - hàng hiếm trong mùa giãn cách.
Nơi có, nơi không
Được biết, tại cụm chung cư này có nhiều cửa hàng bán thực phẩm nhưng thường trong tình trạng thiếu rau xanh, trái cây, lại còn phụ thuộc vào phiếu mua hàng nên cư dân rất mong chờ xe bán hàng lưu động của Hội Doanh nghiệp (DN) quận Bình Tân và của siêu thị Aeon đến để được mua hàng giá rẻ. "Dân ở đây đông, xe tải thì nhỏ, chở không được nhiều hàng nên chưa thấm vào đâu so với nhu cầu" - một cư dân ở đây nhận xét.
Tuy nhiên, so với một số khu vực khác, cư dân nơi này may mắn hơn bởi luôn được "tiếp tế" thực phẩm tươi sống từ các xe bán hàng lưu động nên việc mua rau xanh, thịt, cá tươi cho bữa ăn hằng ngày không quá khó khăn. Chị Trần Thị Nhung (ngụ phường 3, quận Bình Thạnh) cho biết phường đã 2 lần phát "phiếu đi chợ" nhưng lần nào đến cửa hàng thực phẩm tổng hợp đều gặp cảnh xếp hàng dài, chờ rất lâu mới tới lượt vào mua sắm. "Khu này cũng có nhiều chung cư nhưng chờ mãi không có xe bán hàng lưu động nào đến để có thêm lựa chọn cho người dân" - chị Nhung mong mỏi.
Xe bán hàng lưu động của siêu thị Aeon phục vụ tại một điểm ở quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, một tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày Sở Công Thương TP HCM tổ chức trên dưới 70 chuyến bán hàng lưu động tại trên dưới 30 điểm bán tại các quận, huyện, TP Thủ Đức. Riêng trong ngày 5-8, 69 chuyến xe mang rau xanh, thịt, cá tươi… đến bán cho người dân tại 41 điểm do chính quyền các quận, huyện bố trí.
Trước đó, hệ thống siêu thị Aeon triển khai bán hàng lưu động từ vài tuần trước, số chuyến xe tăng dần từ 4 lên 10 rồi chạm mức 17 (tính đến ngày 4-8), đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm. "Khi nhận địa điểm bán hàng từ Sở Công Thương, siêu thị sẽ liên hệ trước 1 ngày với chính quyền địa phương để thông báo cho người dân và thống nhất phương án tổ chức, bao gồm lực lượng tại chỗ để hướng dẫn người dân xếp hàng, giữ trật tự, bảo đảm 5K" - đại diện Aeon cho biết.
Cũng nhờ có sự phối hợp chuẩn bị nên tại hầu hết các điểm bán, người dân đã trật tự xếp hàng chờ sẵn và gần như 100% hàng hóa trên xe tải 2 tấn đều tiêu thụ hết trong thời gian ngắn. Trung bình mỗi điểm bán, Aeon phục vụ khoảng 200 - 300 lượt mua sắm. "Từ ngày 13-7 đến 4-8, Aeon Tân Phú và Aeon Bình Tân đã triển khai khoảng 190 chuyến xe lưu động qua nhiều địa bàn quận, huyện; cung ứng hơn 400 tấn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố với giá bán bằng với giá đang áp dụng tại siêu thị. Trong đó, các mặt hàng thực phẩm tươi sống chiếm hơn 70%" - đại diện Aeon thông tin.
Phấn đấu tăng lên 100 chuyến xe/ngày
Trả lời phóng viên ngày 5-8, ông Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội DN quận Bình Tân, cho biết mỗi ngày đơn vị cung cấp ra thị trường 10 - 20 tấn rau xanh, trái cây, tương đương 2.000 - 4.000 combo nhưng cung chưa đủ cầu. "Nhiều người mua hàng không được có lời lẽ nặng nề nhưng do dịch bệnh, nhân sự có hạn nên chúng tôi không thể đáp ứng hết được. Chúng tôi có 3 xe, mỗi xe ghé 2 điểm bán mỗi ngày và ngày nào cũng sạch hàng" - ông Nghĩa thông tin.
Chương trình bán nông sản bình ổn của Hội DN quận Bình Tân vừa có ý nghĩa tiêu thụ hàng cho nông dân vừa giúp người tiêu dùng thành phố có nông sản giá rẻ. "Chúng tôi tận dụng hạ tầng, nhân lực sẵn có để làm việc này trên tinh thần phi lợi nhuận. Tuy vậy, hiện nhu cầu của người dân thành phố rất lớn trong khi năng lực của hội có hạn nên hội chỉ cố gắng phục vụ được nhiều nhất trong khả năng. Vướng lớn nhất hiện nay là khâu giao hàng, nếu các shipper được ra đường đến 21 giờ thì sẽ tăng được lượng hàng bán ra so với hiện nay (bán qua điện thoại)" - ông Nghĩa nêu.
Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến, DN đầu tiên tổ chức bán rau củ quả trên xe buýt, hiện mới thực hiện được 14 chuyến bán hàng lưu động mỗi ngày. "Mỗi ngày có khoảng 15-16 đến trên 30 loại rau củ quả được bán ra theo giá thu mua cộng thêm một phần chi phí để trả thù lao cho nhân viên. Chúng tôi chịu toàn bộ chi phí vận chuyển, hậu cần…" - đại diện DN này cho hay.
Theo Sở Công Thương TP HCM, bán hàng lưu động là một trong những giải pháp tạm thời nhằm gia tăng việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm đến người tiêu dùng thành phố trong thời gian giãn cách xã hội; trong khi gần như toàn bộ hệ thống phân phối truyền thống đã đứt gãy, chỉ còn vài chợ lớn, nhỏ hoạt động, hệ thống cửa hàng, siêu thị lẫn kênh bán hàng online luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, kể từ khi TP HCM bắt đầu áp dụng hạn chế người dân ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau và phát phiếu mua thực phẩm, thời gian đi mua sắm bị rút ngắn, người dân buộc phải đi mua tại những điểm bán được chính quyền địa phương chỉ định trong khi số lượng, quy mô các cửa hàng/siêu thị chưa tương xứng với tỉ lệ dân cư. "Sở đang phấn đấu tăng lên 100 chuyến xe bán hàng lưu động mỗi ngày, song vướng mắc lớn nhất là thiếu lực lượng chuyên nghiệp để bán hàng. Phương án khả thi là sở sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức cho tài xế chở hàng hóa, thực phẩm về các quận, huyện, TP Thủ Đức, địa phương sẽ tiếp nhận và tổ chức cho tiểu thương các chợ truyền thống (đang tạm đóng cửa) tiếp nhận, bán hàng" - đại diện Sở Công Thương nêu giải pháp.
Tìm cách mở lại chợ truyền thống
Sở Công Thương TP HCM đang tích cực làm việc với các địa phương, phòng kinh tế quận - huyện, TP Thủ Đức để mở lại các chợ truyền thống để bán lương thực, thực phẩm; bổ sung hàng hóa, thực phẩm vào các chuỗi cửa hàng tiện ích... nhằm khai thông chuỗi cung ứng hàng hóa. Quan trọng hơn, cần có sự nỗ lực của các quận, huyện, TP Thủ Đức trong việc nắm bắt, thông tin tình hình và phối hợp cùng Sở Công Thương để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho người dân trên địa bàn.
Xem thêm: mth.32863330250801202-uac-ud-auhc-gnuc-gnod-uul-gnah-nab/et-hnik/nv.moc.dln