Cựu thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu - được tiêm liều vắc xin COVID-19 bổ sung tại một điểm tiêm chủng ở thành phố Ramat Gan, Israel ngày 30-7 - Ảnh: Reuters
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 4-8 kêu gọi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vắc xin COVID-19 thay đổi kế hoạch tiêm liều bổ sung ngay lập tức và ưu tiên những nước nghèo hơn.
"Chúng ta cần đảo ngược khẩn cấp xu hướng phần lớn vắc xin được chuyển tới nước có thu nhập cao thành phần lớn chuyển tới các nước thu nhập thấp" - ông Tedros nhấn mạnh.
Chấm dứt bất bình đẳng vắc xin
"Chúng ta không thể chấp nhận việc các nước đã sử dụng hầu hết nguồn cung vắc xin toàn cầu lại tiếp tục dùng nhiều hơn nữa trong khi những người dễ tổn thương nhất vẫn chưa được bảo vệ" - lãnh đạo WHO nói.
WHO kỳ vọng mục tiêu tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho dân số thế giới đạt 10% vào tháng 9, 40% vào tháng 12 và 70% vào giữa năm 2022. Theo Hãng tin AFP, tới nay ít nhất 4,27 tỉ liều vắc xin đã tiêm trên toàn cầu.
Ở các nước thu nhập cao theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ tiêm chủng bình quân là 101 liều/100 người, trong khi ở 29 nước thu nhập thấp nhất, tỉ lệ này này là 1,7 liều/100 người.
Các chuyên gia y tế cho biết tiêm chủng cho toàn bộ dân số thế giới là điều rất quan trọng để chấm dứt đại dịch COVID-19. Theo Đài CNBC, chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu đã lây lan, nhân rộng và rồi biến đổi.
Kết quả là thế giới đang có một biến thể dễ lây lan (biến thể Delta - phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) có khả năng "lẩn tránh" vắc xin cao hơn chủng ban đầu, và hiện là biến thể thống trị tại nhiều nước. Nếu virus tiếp tục lây lan sẽ xuất hiện nhiều biến thể nữa, tăng thêm rủi ro cho tất cả các nước bất kể đã tiêm chủng hay chưa.
"Chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của hết biến thể này đến biến thể khác, chúng ta không thể thoát khỏi nó trừ khi cả thế giới cùng thoát khỏi. Với tình trạng chênh lệch lớn về tiêm chủng, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu đó" - tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của tổng giám đốc WHO, cảnh báo.
Các nước nói gì?
Ngày 4-8 Mỹ bác bỏ lời kêu gọi hoãn tiêm liều tăng cường của WHO với lý do nước này có thể vừa tiêm bổ sung cho người dân (nếu được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ phê chuẩn), vừa giúp đỡ các nước nghèo hơn. "Chúng tôi tin có thể làm cả hai việc này và chúng tôi không cần lựa chọn" - bà Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng, nói.
Cùng quan điểm, theo AFP, một phát ngôn viên của Bộ Y tế Đức cho biết Berlin sẽ đóng góp ít nhất 30 triệu liều vắc xin cho chương trình COVAX vào cuối năm 2021. "Chúng tôi muốn tiêm liều thứ ba để phòng ngừa cho những người dễ tổn thương tại Đức và cùng lúc hỗ trợ tiêm chủng nếu có thể cho tất cả dân số thế giới" - người này nói thêm.
Theo Hãng tin AP, các chuyên gia trên thế giới vẫn đang theo dõi sát để biết liệu có cần liều tăng cường và nếu cần thì khi nào tiêm. Nhiều ý kiến cho rằng các biến thể đáng lo sẽ không thể xuất hiện nhanh nếu có thêm nhiều người được tiêm vắc xin trong đợt đầu.
"Nếu quý vị không còn muốn nghe tin về biến thể, chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo tất cả các quốc gia được tiếp cận với vắc xin nhiều hơn" - bà Jennifer Nuzzo, chuyên gia y tế công cộng ĐH Johns Hopkins, nói.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Jay Butler của CDC Mỹ, những người đầu tiên được tiêm hồi tháng 12-2020 và tháng 1-2021 ở Mỹ dường như không có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người tiêm gần đây. Một phân tích tháng trước của AP cũng cho thấy phần lớn các ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ xảy ra với những người chưa tiêm.
Giới chức WHO cho biết khoa học vẫn chưa chứng minh được việc tiêm liều tăng cường có ngăn chặn lây lan COVID-19 hiệu quả không, nếu có thì ai là người cần tiêm liều bổ sung này và khi nào nên tiêm. Nghiên cứu lớn đầu tiên về vấn đề này vừa được thực hiện với hàng ngàn bệnh nhân ở Na Uy.
Một số nước đã tiêm liều thứ ba
Tháng trước Israel bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi. Cộng hòa Dominica cũng đang tiêm bổ sung cho người dân. Đức sẽ tiêm liều thứ ba cho những người đã tiêm đủ liều Pfizer/BioNTech hoặc Moderna từ tháng 9.
Sở Y tế công cộng San Francisco và Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco (cùng ở Mỹ) ngày 3-8 cho phép bệnh nhân đã tiêm vắc xin Johnson & Johnson (chỉ có một liều) được tiêm liều bổ sung bằng vắc xin theo công nghệ mRNA.
Trong khi Hãng Pfizer khẳng định mọi người sẽ cần thêm liều tăng cường, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ vẫn đang xem xét vấn đề này.
TTO - Nhiều yếu tố tác động như khả năng bảo vệ của các loại vắc xin khác nhau, nhiều biến thể mới xuất hiện, độ bao phủ tiêm chủng vắc xin… khiến khó xác định tỉ lệ tiêm cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Xem thêm: mth.16165357060801202-ehgn-oc-coun-cac-3-uht-ueil-nix-cav-meit-naoh-noum-ohw/nv.ertiout