vĐồng tin tức tài chính 365

“Định hình” doanh nghiệp trong bão Covid

2021-08-06 10:38

“Định hình” doanh nghiệp trong bão Covid

Đặng Đào

(KTSG) - Càng lúc, bão Covid càng thổi bạt sức rướn đang yếu ớt của các doanh nghiệp khiến cộng đồng này dần teo tóp! Một số vẫn cố duy trì hoạt động, một số đi tìm sự củng cố tinh thần...

 

Tối ưu hóa chi phí của tổ chức, từng doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 30% chi phí.

Tối giản chi phí

Động tác cần thiết với nhiều doanh nghiệp lúc này là cắt giảm chi phí xuống mức thấp nhất có thể. Nhưng có không ít nhà quản lý vẫn tỏ ra lúng túng và cho rằng việc này quá khó, rằng nó có thể tác động mạnh đến quán tính vận hành của doanh nghiệp, kéo theo sau đó là sự suy giảm hiệu quả làm việc của bộ máy. Với kinh nghiệm của nhà tư vấn tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toàn, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EQuest, cho rằng chỉ cần người lãnh đạo có quyết tâm tối ưu hóa chi phí của tổ chức, từng doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 30% chi phí.

Tại buổi trao đổi kinh nghiệm trực tuyến giữa một số nhà doanh nghiệp hồi tuần trước, ông Toàn chia sẻ: “Bạn hãy vắt tay lên trán, suy nghĩ thật tường tận và tự vấn về 10 thứ chẳng hạn, bạn sẽ thấy có thể lược dần, lược dần và chỉ còn đôi ba thứ thực sự quan trọng. Đi theo đó là rất nhiều chi phí có thể cắt giảm. Khỏi phải bàn về những thứ chi phí chỉ có ý nghĩa tô vẽ cho điệu đà, cho hoành tráng, chi phí đi lại cũng có thể cắt và thay bằng làm việc, họp hành trực tuyến. Thậm chí ngay cả cái văn phòng, hãy nghĩ liệu có nhất thiết phải giữ lại lúc này, hay có thể trả luôn mặt bằng và toàn thể đội ngũ làm việc tại nhà...”.

Thực tế ở EQuest, ông Toàn cho biết tiền văn phòng, tiền thuê mặt bằng là một khoản chi lớn của hệ thống giáo dục này, hàng năm chiếm tới vài trăm tỉ đồng. Nhưng với nhận thức “cuộc khủng hoảng sẽ không trôi qua nhanh”, rằng “chúng ta đã bước ra khỏi tình trạng cũ và cần thiết lập trạng thái mới” và “quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh và mạnh”, ngay từ những đợt dịch trước, EQuest đã rất dứt khoát về chính sách thuê mặt bằng: tất cả những hợp đồng mặt bằng, nếu không đàm phán được dài hạn với giá tốt như mong muốn, thì sẵn sàng dứt áo ra đi chứ không duy trì chờ hồi phục.

Có người thắc mắc chẳng lẽ EQuest không lo chuyện sau này sẽ khó thuê lại mặt bằng ở những vị trí tốt với mức giá cũ, ông Toàn đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Sức của doanh nghiệp nói chung sẽ không thể thuê mặt bằng với mức giá cao như trước. Chủ cho thuê cũng cần “tỉnh ngộ” rằng khả năng phục hồi kinh tế là không mau chóng, họ cần biết đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp”.

Nhà sáng lập Phi&P (một công ty tư vấn nguồn nhân lực quy mô nhỏ) là bà Nông Vương Phi thì cho biết nhờ Phi&P tổ chức mô hình doanh nghiệp đơn giản, tinh gọn với chi phí cố định rất ít và chi phí hàng tháng rất thấp nên ngay lúc này, doanh nghiệp vẫn đang hoạt động, dù việc không nhiều như trước. “Ở mảng đào tạo, tình hình giãn cách hiện nay khiến doanh thu các khóa đào tạo trực tiếp (offline) đã về mức 0 đồng, và hiện chúng tôi cung cấp 100% là các khóa học online và e-learning, tập trung chủ yếu ở hai nhánh HR (human resources) và khả năng lãnh đạo (leadership), nhưng doanh thu cũng đủ duy trì doanh nghiệp”, bà chia sẻ.

Về một trong những bài toán vốn gây đau đầu cho bất kỳ doanh nghiệp nào, đó là bài toán cắt giảm chi phí lao động, ông Toàn thậm chí cho rằng cần phải “lạnh lùng” khi phải đứng trước những quyết định mang tính sống còn: “Có thể gộp hai thành một: chia tay một người, tăng việc tăng lương cho một người. Giảm lương cả hệ thống: cấp càng cao (mức lương cao) giảm càng nhiều, nhưng nên giữ bằng được mức lương cho những vị trí gần mức lương cơ bản của doanh nghiệp, như mức ở EQuest là không dưới 9 triệu đồng/tháng. Nếu không giữ được thì có thể cho nhân viên tạm nghỉ việc để họ hưởng hỗ trợ thất nghiệp”, ông gợi ý.

Còn như ở Phi&P, bà Phi cho biết với mô hình hoạt động chủ yếu trên cơ sở cộng tác với giảng viên, tư vấn viên (chứ không thuê), các bên dễ có sự chia sẻ với nhau trong những hoàn cảnh khó khăn.

Đa dạng, linh hoạt cách thức làm việc

Có thể thấy, bối cảnh dịch bệnh lên cao điểm như hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cho doanh nghiệp trong việc sắp xếp lao động. Ngoài phải tuân thủ các yêu cầu về giãn cách và biện pháp phòng chống dịch còn là những thực tế xáo trộn, bất ổn trên đời sống, tâm lý, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, cũng như hoàn cảnh gia đình mà mỗi người lao động là một câu chuyện khác biệt.

Tại Hoayeuthuong, một thương hiệu cung cấp hoa (vừa tạm chuyển đổi sang cung cấp rau củ quả trong mùa dịch), ông Phạm Hoàng Thái Dương, nhà sáng lập và điều hành dịch vụ cho biết, trên cơ sở các đề xuất giải pháp của nhân viên, đội ngũ lao động được chia ra tới tám nhóm cùng những chính sách khác nhau. Nhân viên được lựa chọn đứng vào nhóm nào phù hợp nhất với nguyện vọng cá nhân, bao gồm nhóm làm việc ở nhà (ưu tiên nhân viên nữ), nhóm xin ngưng việc hưởng lương tối thiểu, nhóm tạm nghỉ về quê, nhóm đến làm việc tại công ty, nhóm trực chiến thực địa...

Trả lời cho mối băn khoăn về chuyện nhân viên làm việc ở nhà có thể bị giảm năng suất, giảm hiệu quả, ông Dương cho biết Hoayeuthuong có KPI và áp dụng khá nghiêm khắc. “Nhân viên làm việc mà kết quả kém thì có thể bị cắt việc để chuyển cho người khác. Nhưng cũng có những nhân viên có kết quả làm việc thậm chí tốt hơn trước và tăng thu nhập. Tôi từng công bố sẵn sàng ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn tính mạng của người lao động trong dịch bệnh. Nhưng điều tôi nhận ra là hầu hết họ làm việc với tinh thần trách nhiệm, bởi họ biết dịch sẽ còn dài và việc làm lúc này là quý giá”, ông Dương chia sẻ.

Bên cạnh giải pháp nội bộ, Hoayeuthuong bổ sung sự thiếu hụt lực lượng shipper của mình (do sắp xếp lại lao động) bằng cách liên kết với các doanh nghiệp có đội ngũ shipper nhưng họ đang không có việc làm. “Cái khó hiện nay của chúng tôi là phải luôn bám sát những thay đổi từng ngày của các quy định phòng chống dịch bệnh và phải nhanh chóng có giải pháp hoạt động một cách tuân thủ”, ông tâm sự.

Quan sát tình hình cung cấp những mặt hàng thiết yếu trong thời điểm nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nghiệm ngặt, ông Dương chia sẻ một góc nhìn về bài học chuyển đổi số. Khi nhu cầu về thực phẩm lên rất cao, nhiều siêu thị hay thương hiệu phân phối đều muốn bán hàng trực tuyến nhưng không có nhiều đơn vị có thể chủ động hoạt động này. Phần lớn trong số họ phải thông qua các nền tảng trung gian và gần như rất khó quản lý đơn hàng. Để thấy rằng nếu việc chuyển đổi số được doanh nghiệp nhận thức và triển khai từ những năm trước thì nay đã có thể “hái quả”. Song đây cũng là một bài học để các doanh nghiệp nâng cao sự tập trung và có thái độ quyết liệt hơn cho quá trình chuyển đổi số - một sự đầu tư cho tương lai.

Còn người, còn việc

Từ thực tiễn kinh tế suy giảm nghiêm trọng trong đại dịch đang diễn ra và đứng trước một tương lai khó đoán định nhưng dự báo sẽ rất khó khăn, một mối lo hiển hiện nơi nhiều chủ doanh nghiệp về nguy cơ cao doanh nghiệp của họ sẽ trở về con số 0, thậm chí là con số âm.

Về vấn đề này, ông Dương đã chia sẻ quan điểm kinh doanh có thành, có bại. “Rõ ràng, dẫu trắng tay lần này, nhiều người trong chúng ta cũng đâu phải lần đầu. Và từng có những người đi trước chúng ta cũng từng thất bại. Đôi khi “xóa bàn đánh lại” biết đâu có ván cờ hay hơn. Vấn đề là chúng ta có đủ kiến thức và nội lực để trở dậy từ con số 0 hay con số âm đó hay không. Do vậy, chúng ta không nên bi quan, tuyệt vọng mà cần bồi dưỡng nội lực, giữ tinh thần để tiếp tục chiến đấu”.

Cũng vậy, ông Toàn chia sẻ về cuộc đời - sự nghiệp của ông cũng đã trải qua năm, bảy lần khủng hoảng. Nhưng điều ông rút ra được là còn giữ được sức khỏe, giữ được tâm thế thì sẽ vượt qua. Ông nói: “Trong lần khủng hoảng vì dịch bệnh này, điều cần quan tâm nhất chính là sức khỏe. Do vậy, nếu bạn cần một lời khuyên thì lời khuyên chân thành của tôi là bạn nên giữ gìn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tư duy lúc này càng thực tế càng tốt tùy mức độ, tình trạng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thực sự xứng đáng tồn tại thì hãy giữ lại và chỉ giữ những gì quan trọng nhất. Nếu nó cần phải “ngủ đông” bạn cũng đừng ngại cho nó ngủ. Tôi cho rằng đây là lúc của những gì thực tế, chặt chẽ, hợp lý, không phải lúc để mơ những giấc mơ quá lớn. Và bạn cần chuẩn bị tinh thần, vì khủng hoảng sẽ tiếp tục diễn ra, hết cuộc này sẽ đến cuộc khác”. 

Xem thêm: lmth.divoc-oab-gnort-peihgn-hnaod-hnih-hnid/980913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

““Định hình” doanh nghiệp trong bão Covid”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools