Lầu Năm Góc đã có những kế hoạch cụ thể để chế tạo một biến thể máy bay ném bom của tiêm kích tàng hình F-22 Raptor (Chim ăn thịt). Trong những năm 1990, giới chức quốc phòng Mỹ đã kêu gọi chế tạo một phiên bản lớn hơn chiếc F-22 Raptor để phục vụ như là một máy bay ném bom tầm trung có khả năng sống sót cao, được gọi là FB-22, theo chuyên san quân sự National Interest.
Ý tưởng thiết kế máy bay ném bom FB-22 của Mỹ. Ảnh: The EurAsian Times
Mục tiêu là để đáp ứng nhu cầu của Không quân Mỹ về một máy bay ném bom tầm trung có thể thu hẹp khoảng cách năng lực giữa các hoạt động không đối đất của máy bay chiến đấu với một máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang tải trọng lớn.
Nếu được thai nghén, FB-22 có thể đã là máy bay ném bom có khả năng tàng hình tốt nhất trên thế giới và là máy bay ném bom tàng hình siêu thanh duy nhất từng được đưa vào hoạt động trong bất kỳ quốc gia nào.
Dự án FB-22
Đã có nhiều thay đổi được đề xuất để hoán cải máy bay chiến đấu thành máy bay ném bom, từ tầm bay đáng kể và tải trọng cho tới kích thước cánh tăng lên.
Nhà sản xuất nhắm đến vận tốc Mach 1,8 (2.205 km/giờ) để trang bị cho FB-22 nhằm tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng.
FB-22 được đề xuất sẽ có thân máy bay được nong ra nhằm bổ sung một trạm cho thành viên phi hành đoàn thứ hai, người đóng vai trò không chỉ là hoa tiêu mà còn đảm nhận trách nhiệm bay theo ca trong các nhiệm vụ dài ngày.
Máy bay ném bom FB-22 chưa bao giờ cất cánh. Ảnh: EurAsian Times
Một thay đổi lớn khác là kích thước cánh được tăng lên. Cánh của FB-22 sẽ có hình tam giác, giúp tăng đáng kể lực nâng và sức chứa nhiên liệu. Mặc dù kích thước cánh gia tăng sẽ hạn chế vận tốc nhưng bán kính chiến đấu của FB-22 sẽ trải dài 2.896 km, một bước tiến đáng kể so với phạm vi hoạt động 965 km của F-22.
Việc sử dụng “lớp vỏ tàng hình” cũng được đề xuất nhằm cắt giảm hơn nữa tiết diện radar hoặc chất lượng tàng hình. Tuy nhiên, tính năng tàng hình đi ngược lại với khả năng mang nhiều loại vũ khí của máy bay.
Tại sao FB-22 bị “đắp chiếu”?
FB-22 đối mặt với một thách thức lớn trong việc tìm cách chở nhiều bom nhất mà đôi cánh mới của nó sẽ cho phép mà lại không ảnh hưởng đến tính năng tàng hình của máy bay.
Theo báo cáo năm 2005 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin thực sự đã bắt đầu chế tạo một chiếc FB-22 hay còn gọi là máy bay ném bom dựa trên F-22 vào năm 2002. Lockheed Martin đã chính thức giới thiệu FB-22 cho Không quân Mỹ, đồng thời tuyên bố rằng việc mua FB-22 sẽ giúp Lầu Năm Góc tiết kiệm hơn 10 tỉ USD trong hai thập niên tới chỉ tính riêng chi phí hậu cần.
Ý tưởng này được cho đã được Bộ trưởng Không quân James Roche khi đó cùng một số người khác ủng hộ. Theo báo cáo, ông Roche thậm chí đã nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng ông đã hình dung Không quân Mỹ mua 150 chiếc FB-22 để bay phối hợp với 381 chiếc F-22 cùng phi đội B-1B Lancer, B-52 và B-2 Spirits.
Thế nhưng sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, việc sử dụng công nghệ tàng hình không còn hữu ích bằng các hoạt động chiến đấu trên bộ và cuối cùng kế hoạch máy bay ném bom FB-22 đã bị gác lại.
Đến năm 2006, Lockeed Martin bắt đầu thử nghiệm tiêm kích F-35 Lightning II, một tiêm kích thế hệ thứ năm, được cung cấp khả năng tàng hình cần thiết cùng với những lợi thế khác mà Không quân Mỹ cần.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù FB-22 chưa từng tồn tại, song các cuộc thảo luận xoay quanh máy bay này cũng như những bài học rút ra được từ quá trình này có thể đã giúp đưa oanh tạc cơ tàng hình tuyệt mật B-21 Raider ra khỏi bảng vẽ và đi vào quá trình phát triển tích cực.
Do tập đoàn Northrop Grumman phát triển, B-21 được đánh giá là máy bay ném bom tàng hình tiên tiến nhất trong lịch sử khi đi vào biên chế sau đó trong thập niên này.
F-22 Raptor
Là máy bay chiến đấu siêu thanh, hai động cơ, F-22 Raptor là một trong bốn tiêm kích thế hệ thứ năm duy nhất hiện hoạt động khắp thế giới.
Tiêm kích F-22 Raptor. Ảnh: TWITTER
Sự phát triển F-22 Raptor bắt đầu từ năm 1981, khi Không quân Mỹ lần đầu xác định cần thiết phải trang bị thêm một máy bay chiến đấu hiện đại để đối phó hiệu quả tiêm kích Su-27 Flanker mới và MiG-29 Fulcrum của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lanh.
Lockheed Martin đã đề xuất nguyên mẫu YF-22 và nguyên mẫu này đã đánh bại YF-23 của công ty Northrop Grumman để giành chiến thắng trong gói thầu cuối cùng nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ.
Lockheed Martin mô tả F-22 là máy bay chiến đấu có sự kết hợp độc đáo giữa khả năng tàng hình, tốc độ, sự nhanh nhẹn và phán đoán tình hình, kết hợp với vũ khí không đối không và không đối đất tầm xa có tính sát thương. Điều này khiến F-22 trở thành máy bay chiến đấu thống trị trên không tốt nhất thế giới.
Được chế tạo dành riêng cho Không quân Mỹ, F-22 Raptor đi vào biên chế tháng 12-2005, nhằm thay phi đội F-15 Eagle đã già cỗi. Máy bay này bị cấm xuất khẩu cho quân đội nước ngoài do lo ngại bị các đối thủ như Trung Quốc đánh cắp hoặc sao chép công nghệ.
Với vận tốc 2.450 km/giờ, F-22 Raptor sở hữu bộ cảm biến tinh vi, cho phép phi công theo dõi, xác định, khai hỏa và tiêu diệt mục tiêu không đối không trước khi bị phát hiện. F-22 có thể mang tới sáu tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và hai tên lửa tầm nhiệt AIM-9 Sidewinders.
Chiếc F-22 được sản xuất cuối cùng được bàn giao năm 2012 và có 183 chiếc F-22 đang biên chế cho Không quân Mỹ. Mỹ gần đây đã triển khai hàng chục chiếc F-22 Raptor tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để tham gia tập trận Pacific Iron 2021.