Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN vẫn tăng 38,5%, đạt 40,8 tỉ USD.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, nhưng điểm hạn chế trong thương mại hàng hóa với các nước ASEAN là Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu. Trong 10 năm gần đây, nhập siêu liên tục ở mức 6-7 tỉ USD, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng (ôtô), kim ngạch nhập siêu chủ yếu tập trung vào mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất như linh kiện điện tử, máy tính, sắt thép...
Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 40,8 tỉ USD, xuất khẩu đạt giá trị 16,1 tỉ USD, tăng 25,9%, nhập khẩu đạt 24,7 tỉ USD, tăng 48,2%. Nhập siêu từ thị trường ASEAN khoảng 8,6 tỉ USD.
Trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng từ thị trường ASEAN tăng như: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 66,8%, đạt 1,6 tỉ USD; sắt thép tăng 24,5%, đạt 1,5 tỉ USD.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng, gồm: Điện tử, máy tính và linh kiện: Tăng 21,4%, đạt 2,9 tỉ USD; ôtô nguyên chiếc các loại tăng 102,3%, đạt 1,3 tỉ USD.
Các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam và ASEAN là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Singapore.
Trong 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với Thái Lan đạt 11,3 tỉ USD, chiếm 27,7% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả khu vực; với Malaysia đạt 7,4 tỉ USD, chiếm 18,1%; với Indonesia đạt 6,5 tỉ USD, chiếm 15,9%; với Campuchia đạt 5,9 tỉ USD, chiếm 14,5%; với Singapore đạt 4,9 tỉ USD, chiếm 12%.
ASEAN là một thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ các mặt hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện. Dệt may cũng là nhóm hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang ASEAN.
Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới, đây là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động rất mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam...
Xem thêm: odl.920939-583-gnat-naesa-man-teiv-uahk-pahn-taux-hcagn-mik-gnaht-7/et-hnik/nv.gnodoal