Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: Đ.THUẦN
Tại buổi làm việc với Công ty Vissan (TP.HCM) ngày 6-8, Phó thủ tướng cho rằng các trường hợp F1, sau cách ly y tế 14 ngày phải tiếp tục theo dõi y tế 14 ngày tại nhà như quy định. Tuy nhiên, với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thực phẩm thiết yếu có thể xem xét ưu tiên.
"Sau 14 ngày cách ly, nếu xét nghiệm âm tính có thể xem xét cho công nhân đến công ty để sản xuất thực phẩm, và tiếp tục theo dõi y tế. Đưa lực lượng y tế trực tại doanh nghiệp để theo dõi, và hỗ trợ khi cần", ông Đam gợi ý.
Theo ông, các đơn vị y tế nên tăng cường tiêm vắc xin cho lực lượng lao động thuộc doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, tăng hoạt động tiêm vắc xin tại doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết TP xem lực lượng cung ứng, sản xuất thực phẩm là lực lượng tuyến đầu, đối tượng cần bảo vệ nên đã có ưu tiên việc tiêm vắc xin. Tuy nhiên, giải pháp phòng chống dịch như "3 tại chỗ" đang được áp dụng chung có nhiều vấn đề phải bàn, cần hỗ trợ thêm.
"Với việc cách ly nhân sự chuỗi cung ứng thực phẩm, TP cần ngành y tế ra đề bài cho những trường hợp này để có hướng xử lý phù hợp", bà Thắng đề nghị.
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa - chủ tịch HĐQT Công ty Vissan, dự kiến ngày 15-8 công ty sản xuất lại. Tuy nhiên, để đảm bảo lao động, đơn vị kiến nghị được hoạt động như bình thường, xét nghiệm 1 lần/tuần và nhờ đơn vị y tế hỗ trợ.
Hiện đơn vị có khoảng 700 ca F1. Do đó, công ty kiến nghị sau khi tuân thủ cách ly 14 ngày theo quy định, xét nghiệm gần nhất âm tính thì cho phép người lao động được sản xuất lại để đảm bảo nguồn cung.
Bên cạnh đó, việc TP quy định hạn chế ra ngoài trong khoảng 18h - 6h gây ảnh hưởng rất nhiều cho khâu cung ứng hàng hóa.
"Nhiều lao động tại đơn vị phải chở thịt heo, sản xuất pha lóc diễn ra buổi tối nên bị hạn chế. Chúng tôi kiến nghị giãn ca, ưu tiên thời gian để đơn vị chủ động đưa hàng ra thị trường", ông Khoa nói.
Với việc tiêm vắc xin, ông Khoa cho biết trong tổng số 3.700 lao động của đơn vị tại TP.HCM hiện có 800 lao động chưa tiêm vắc xin. Để người lao động yên tâm sản xuất, theo ông Khoa, đơn vị cần được hỗ trợ tiêm thêm.
Bà Thắng thừa nhận việc giới hạn thời gian có gây những khó khăn cho hệ thống siêu thị, doanh nghiệp cung ứng nên TP sẽ có thêm phương án tháo gỡ. Ngoài ra, TP sẽ tăng lượng vắc xin cung cấp cho doanh nghiệp và triển khai thêm hoạt động tiêm vắc xin ngay tại doanh nghiệp.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngành sản xuất quan trọng nhất lúc này là sản xuất dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế, và sản xuất thực phẩm nên các kiến nghị của Vissan không trái chủ trương của Chính phủ, vấn đề là chuyện phối hợp, triển khai thực hiện. Do đó, các địa phương cần nhanh chóng phối hợp, triển khai, kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo, ông đề nghị các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu xem xét ký hợp đồng với đơn vị y tế tư nhân để hỗ trợ khâu phòng chống dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ khi cần.
Đơn vị y tế nhà nước có trách nhiệm đưa ra chuẩn chung về phòng chống dịch, hỗ trợ, kiểm tra đơn vị y tế tư nhân thực hiện.
Lo thiếu hụt thực phẩm chế biến
Theo ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan, nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị liên kết nên lượng thịt tươi sống được đơn vị cung ứng ra thị trường hiện đạt 80% so với bình thường, và dự kiến đạt 100% trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nguồn hàng dự trữ cho sản xuất thực phẩm chế biến của đơn vị đang dần cạn.
"Nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ sẽ có thời điểm hụt nguồn cung cho sản xuất", ông An nhận định.
Trước đó, ngày 28-7, Vissan xin tạm ngừng sản xuất giết mổ do phát hiện 43 ca nhiễm COVID-19 và hàng trăm trường hợp là F1.
TTO - Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp cho biết do có các ca nhiễm COVID-19 nên hiện một số khâu sản xuất tại Công ty Vissan bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ tại đây vẫn diễn ra bình thường. TP đã có kịch bản cho nguồn cung thịt.
.