“Các chú bộ đội hải quân yêu dấu!
Mấy tháng nay, thời tiết vào mùa giông bão, các chiến sĩ hải quân ngoài đảo xa lại càng vất vả hơn. Những đêm mưa giá lạnh, các chú bộ đội vẫn ôm chặt cây súng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc để cho cháu và người dân Việt Nam có cuộc sống bình yên.
Thật cảm động làm sao hình ảnh đêm giao thừa lạnh thấu xương, thấu thịt, trong khi cháu và gia đình đang sum vầy đầm ấm thì ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, các chú vẫn lặng lẽ đi tuần tra. Chắc chú thấy cô đơn và nhớ nhà nhiều lắm! Nhưng các chú đừng buồn nhé! Mọi người ở đất liền luôn hướng về hải đảo xa xôi, nơi trái tim của Tổ quốc.
Tận đáy lòng mình, cháu luôn khâm phục hình ảnh người chiến sĩ hải quân anh dũng, kiên trung và luôn thầm lặng hi sinh vì nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó”.
Đó là một trong rất nhiều lá thư, tấm thiệp chan chứa tình cảm của học sinh Đà Nẵng gửi tới các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Lá thư của em Lê Hải Anh, học sinh lớp 7/2 Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (quận Thanh Khê) đạt giải khuyến khích trong cuộc thi "Em yêu biển đảo quê hương". Ảnh: T.AN
Em Lê Hải Anh, học sinh lớp 7/2 Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (quận Thanh Khê) cho biết, em chưa được gặp trực tiếp các chiến sĩ hải quân nhưng qua những thước phim tài liệu, em thấy các chú rất kiên cường, dũng cảm khi sẵn sàng gác lại nỗi nhớ gia đình, người thân để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
“Em mong ước được ra đảo thăm các chú, nghe các chú kể chuyện, nghe các chú hát và đặt hoa tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh. Các chú hải quân phải xa nhà rất lâu, nếu được gặp các chú, em muốn chụp tặng các chú một tấm ảnh về gia đình của các chú hoặc một tấm ảnh về khung cảnh yên bình trong đất liền”- Hải Anh chia sẻ.
Em Bảo Trân và bức tranh Chúng em ra thăm đảo quê hương. Ảnh: T.AN
Là tác giả của bức tranh Chúng em ra thăm đảo quê hương, em Nguyễn Thị Bảo Trân (lớp 4/1 Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, quận Liên Chiểu) cho hay, sau các giờ học địa lý, em hay mượn bản đồ của chị gái để xem vị trí của các đảo, quần đảo của Tổ quốc. Vì vậy quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong em rất đỗi thân thuộc.
“Qua thước phim tài liệu, em thấy các chú rất thân thiện, tên bức tranh cũng là mong ước của em. Em có tập một bài hát nhưng em hát không hay lắm. Thế nên nếu được ra thăm đảo, em muốn tặng các chú những chiếc áo tự tay em làm vì em thấy các chú hay mặc hoài một chiếc áo”- Bảo Trân cười hồn nhiên.
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, trao bằng khen cho các cá nhân đạt giải trong cuộc thi. Ảnh: TA
Cuộc thi viết thư, vẽ tranh, làm thiệp với chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương” và cuộc thi trực tuyến "Thanh thiếu nhi với biển, đảo quê hương" do UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức, thu hút hơn 20.000 học sinh, sinh viên tham gia.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 25 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, 25 năm TP Đà Nẵng quản lý huyện đảo Hoàng Sa và 40 năm thành lập huyện Hoàng Sa (1982-2022).
Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, cho biết cuộc thi giúp tuổi trẻ Đà Nẵng hiểu sâu hơn về biển đảo Việt Nam, về lịch sử khai phá xác lập công tác quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức chủ quyền, tinh thần trách nhiệm, chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biền, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng, phức tạp, vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo hoàng Sa sẽ còn gam go hơn. UBND huyện Hoàng Sa sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hơn, sâu hơn vai trò, trách nhiệm quản lý và tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa”- ông Đồng cho hay.