Cuộc chiến này rất cần sự chung sức, đồng lòng của từng người, từng nhà để chiến dịch biến “đỏ” thành “xanh” được hoàn thành nhanh nhất có thể.
“Chạy” hết tốc lực!
Nhờ sự quan tâm của Trung ương, hàng triệu liều vắc – xin ngừa Covid -19 đã được ưu tiên cho TPHCM, giúp thành phố triển khai một chiến dịch quy mô. Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi, vắc - xin là một trong những điều kiện quyết định, quan trọng để thành phố đạt được trạng thái bình thường mới. Do vậy, chiến dịch này chắc chắn không được chậm trễ!
Từ ngày 3-8, TPHCM bước vào đợt tiêm ngừa thứ 6, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8. Thành phố có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên và đến nay đã tiêm được 2 triệu liều. Ghi nhận của phóng viên Báo Công an TPHCM tại một số quận – huyện trên địa bàn thành phố trong các ngày qua cho thấy, không khí phấn khởi của cả người dân và cán bộ trước niềm vui vắc – xin được về với địa phương, phục vụ việc tiêm ngừa cho bà con.
Cụ thể, tại P.Phạm Ngũ Lão (Q1), trong 3 ngày (từ ngày 3 đến ngày 5-8), phường này đã hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho nhóm đối tượng từ 65 tuổi trở lên và có bệnh nền.
“3 ngày đầu triển khai với nhóm đối tượng này, chúng tôi đã thực hiện rất chủ động, bố trí các phương án hợp lý và an toàn để hoàn thành việc tiêm ngừa vắc – xin cho bà con nhưng cũng phải đảm bảo phòng, chống sự lây lan của bệnh dịch” – ông Lê Tấn Đạt, Bí thư P.Phạm Ngũ Lão, chia sẻ.
Theo thống kê từ UBND TPHCM, cho đến nay, sau 16 đợt cấp, nhận và triển khai tiêm vắc - xin, thành phố nhận 4 loại vắc xin các loại. Các loại vắc -xin này đã được WHO cho phép lưu hành và được Bộ Y tế phê duyệt cho phép sử dụng ở Việt Nam. Về chất lượng, có thể đánh giá đảm bảo an toàn, tiến độ ngày càng nhanh hơn do cải tiến, rút kinh nghiệm, cải thiện năng lực tiêm.
“TPHCM quyết tâm hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, chúng tôi đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu 300.000 liều/ngày. Trong tháng 8, nếu đảm bảo nguồn cung liên tục, thành phố sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ 70-80% dân số trên 18 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi” – ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TPHCM nói.
Biến “đỏ” thành “xanh”
Chiều 5-8, chính quyền quận 3 tất bật tổ chức các đội tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lưu động, sẵn sàng có mặt tại những con hẻm "đỏ" (khu vực có dịch bệnh) để hỗ trợ người dân. Mô hình tiêm vắc – xin lưu động của Q3 được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ, phạm vi tiêm, giúp đạt được miễn dịch cộng đồng, tạo tiền đề biến những khu vực "đỏ" trên bản đồ dịch Covid-19 của quận sớm được chuyển "xanh".
"Việc tổ chức tiêm lưu động của Q3 được thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM. Chúng tôi đang làm hết sức để cố gắng đáp ứng mong mỏi được tiêm vắc - xin ngừa Covid-19 của bà con" - bà Vũ Thị Mỹ Ngọc, Phó chủ tịch UBND Q3 nói với phóng viên Báo Công an TPHCM.
Hẻm 194 đường Võ Văn Tần (P5Q3) vốn có diễn biến dịch bệnh rất phức tạp nên được tổ tiêm vắc – xin lưu động đến trước. Ông Dương Minh Hải, Chủ tịch UBND P5Q3 cho biết, hẻm 194 có số ca nhiễm cao, hiện tại còn 3 ca F0 cách ly tại nhà, trong đó có 1 ca lớn tuổi có bệnh nền và 2 ca không có triệu chứng.
"Việc tiêm chủng cho người dân trong hẻm nhằm mục đích tiến tới xây dựng từ vùng đỏ (vùng có dịch) trở thành vùng xanh (vùng không có dịch). Đây cũng là thông điệp nhằm phát động người dân tự giác chung tay phòng chống dịch, quản lý vùng xanh trên địa bàn" - Chủ tịch UBND phường 5 thông tin.
Một điểm tiêm vắc - xin lưu động phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, từ các khâu khám sàng lọc, tiêm chủng, đặc biệt là theo dõi sau tiêm… đều được chú trọng kỹ lưỡng. Trên xe lưu động, đội tiêm ngừa phải có đầy đủ các trang thiết bị tối thiểu về cấp cứu cơ bản để xử lý tốt mọi tình huống không mong muốn,nếu có.
“Trước ngày xuất quân, lãnh đạo quận đã quán triệt rất kỹ anh em làm nhiệm vụ, làm sao phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân và cho người dân, lường trước các rủi ro có thể xảy ra. Trên xe có trang bị các trang thiết bị cơ bản như bình oxy, máy đo huyết áp, SpO2 để khi có sự cố xảy ra, người dân sẽ được cấp cứu kịp thời và đưa đến bệnh viện gần nhất” - Th.Bs Nguyễn Thái, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Y tế Q3, nói.
Dù dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, nhưng hình ảnh đội tiêm vắc – xin lưu động ghé đến từng hang cùng, ngõ hẻm để chuyển hoá vùng dịch, đã tạo nên khởi sắc mới. Những liều vắc – xin ngăn ngừa bệnh dịch, không những mang theo “lá chắn” bảo vệ sức khoẻ người dân, mà còn là liều thuốc tinh thần giúp bà con mình phấn chấn, lạc quan, tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua thử thách.
Một cách làm hay!
Khi nguồn vắc – xin được ưu tiên cho TPHCM thì ai cũng trông chờ đến lượt tiêm ngừa. Tuy nhiên, suốt thời gian qua các đơn vị có chức trách đã dồn toàn bộ nhân, vật lực để phòng, chống sự lây lan của đại dịch, nay lại tiếp tục thực hiện thêm một chiến dịch tiêm vắc - xin với quy mô rất lớn thì không tránh khỏi quá tải. Câu chuyện tại chung cư (CC) New Saigon (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) là một ví dụ!
Trên thực tế, lực lượng y tế của huyện Nhà Bè nếu dồn hết lực, chỉ có thể bố trí tối đa 2 đội tiêm vắc – xin lưu động (chưa tính tiêm vắc – xin tại chỗ). Công suất hoạt động tối đa của 2 đội tiêm này, nếu cố gắng hết sức thì mỗi ngày tiêm được 600 liều vắc – xin. Trong khi đó, CC New Saigon có tổng cộng 5.000 cư dân sinh sống.
Chỉ cách đó vài ngày, CC này phát sinh hàng loạt ca F0, đồng nghĩa với hàng trăm F1, F2 cần phải truy vết. Rất may, nhờ sự phản ứng nhanh nhạy, quyết liệt của lãnh đạo Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, của Chủ tịch UBND huyện Đỗ Triệu Hồng Phước mà tình hình được kiểm soát kịp thời.
Trước tình hình cấp bách của ổ dịch mới tại CC này, ông Đỗ Triệu Hồng Phước đã chỉ đạo các đơn vị phải lập tức phối hợp cùng Ban quản trị (BQT) CC, triển khai ngay kế hoạch tiêm vắc – xin ngừa Covid-19 để tạo được miễn dịch cộng đồng trong khu vực này.
Biết áp lực của chính quyền là rất lớn, BQT CC này nảy ra một sáng kiến, vừa giúp việc tiêm vắc – xin ngừa Covid-19 cho cư dân được triển khai nhanh hơn, lại đỡ đần được rất nhiều cho chính quyền trong bối cảnh có khả năng họ sẽ bị quá tải công việc vàonhững ngày sắp tới.
Phương án mà BQT CC này đưa ra, đó là để việc tiêm ngừa tại CC được rút ngắn thời gian, nhằm sớm triển khai cho các khu vực khác trên địa bàn huyện, CC này sẽ lấy ý kiến cư dân nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thuê thêm các đơn vị y tế tư nhân (đáp ứng đủ điều kiện theo quy định), “phụ một tay” cho chính quyền.
Nói là làm, những lá phiếu lấy ý kiến cư dân của CC New Saigon được thực hiện khẩn trương. Kết quả, chỉ sau một ngày phần lớn cư dân đồng tình, thuận ý. Với ông Đỗ Triệu Hồng Phước, dù đã dự liệu hết mọi phương án, quyết tâm dốc toàn lực để tổ chức tiêm ngừa vắc – xin lo cho người dân trong CC này nhưng khi nghe Khi nghe Trưởng BQT CC New Saigon báo lại tình hình, ông rất vui!
Ông Phước biết rằng những vất vả, áp lực của cơ quan chức năng suốt thời gian qua luôn được bà con ghi nhận. Mà, chẳng ghi nhận nào quý hơn sự ủng hộ thực tiễn ấy. “Đây là một sáng ý rất tốt, không những tiếp sức được cho chính quyền mà còn để lại một thông điệp rất nghĩa tình, thể hiện trách nhiệm của công dân với cuộc chiến cam go này” – ông Phước bày tỏ sự cảm kích.
Cuộc chiến với bệnh dịch được dự báo sẽ còn rất gian truân. Đến lúc này, chúng ta xác định rõ, nhiệm vụ phòng, chống dịch không của riêng ai. Vậy nên sự chung sức, đồng lòng của từng người, từng nhà sẽ tạo ra liều “doping” giúp cho chiến dịch biến “đỏ” thành “xanh” được hoàn thành nhanh nhất.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân
Với tiêm dịch vụ, để triển khai chủ trương này hiệu quả, theo tôi, cần huy động cả hệ thống công và tư. Còn với vắc-xin, hiện vẫn từ nguồn phân phối của Bộ Y tế. Khi các thành phần tư nhân tham gia tiêm chủng, đương nhiên người ta sẽ phải thu phí, nhưng chỉ với mức chi phí tối thiểu. Các nguồn lực tư nhân họ đã có sẵn mạng lưới y tế, có cách làm linh hoạt nên thích ứng ngay với việc triển khai tiêm chủng này.
Thực hiện xã hội hoá, để các nguồn lực tư nhân tham gia vào chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh cấp bách hiện nay là cần thiết. Lúc đó, ai có điều kiện, muốn tiêm dịch vụ thì đăng ký. Điều này cũng xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều người cũng có nhu cầu được tiêm sớm nhưng lại chưa phải thành phần ưu tiên.
Nói chung, y tế công vẫn duy trì hoạt động cùng với loại hình dịch vụ, ai có nguồn lực thì tham gia. Khi đã xã hội hóa, nguồn lực chúng ta đang có hiện nay tại hệ thống y tế cơ sở, bệnh viện công sẽ tập trung cho khâu điều trị.
Còn khâu tiêm chủng nên để cho hệ thống tiêm dịch vụ cùng triển khai, vì họ cũng làm quen rồi, tiêm chủng định kỳ hằng năm rồi, đã có hệ thống tiêm chủng rồi, nên họ tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Theo tôi, chủ trương này rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Xem thêm: lmth.396711_hnax-hnaht-od-neib-hcid-neihc/gnos-iod/nv.moc.nagnoc