Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Hội đồng chuyên môn đã xem xét trên các khía cạnh chất lượng, hiệu quả của thuốc trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng, và quyết định bổ sung vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.
Liều dùng của thuốc tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bộ Y tế cũng cho biết do đây là thuốc mới, Hội đồng chuyên môn đề nghị các bệnh viện được giao sử dụng lưu ý tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả của thuốc.
Trước hết thuốc sẽ được sử dụng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, nơi đang có số lượng bệnh nhân lớn và số ca bệnh chuyển nặng cao.
Trước đó, Vingroup cho hay đã đàm phán mua 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị COVID-19 được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) Mỹ cấp phép. Lô thuốc sản xuất tại Ấn Độ và chuyến hàng đầu tiên đã đi chuyên cơ do nhà tài trợ thuê chở, về đến Việt Nam hôm 5-8.
Remdesivir là thuốc kháng virus được FDA phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ ngày 22-10-2020.
Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online ngày 6-8, TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho biết tất cả các nghiên cứu đều cho thấy thuốc Remdesivir (nguồn gốc từ Mỹ) có tác dụng kháng virus. Tuy nhiên mức độ tương đối hạn chế, người bệnh mắc COVID-19 phải được sử dụng từ rất sớm, ở giai đoạn đầu khi mới phát triệu chứng (7 ngày đầu).
Còn đối với các ca nặng, các bác sĩ có thể sử dụng phối hợp để làm giảm tải lượng virus xuống, kéo giảm thời gian điều trị nhưng hoàn toàn không làm thay đổi kết cục sau cùng của quá trình điều trị (tức tỉ lệ tử vong).
Theo bác sĩ Hùng, loại thuốc này khá "hiền" và dễ sử dụng, không quá nhiều vấn đề về chống chỉ định. Ở Việt Nam trước đây loại thuốc này có được sử dụng trên một số trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng ở giai đoạn muộn nên hiệu quả mang lại chưa cao.
TTO - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tầng điều trị 3, 4, 5 gần như đã đầy công suất. TP phải tập trung tổ chức lại quy trình điều trị, rút ngắn một số quy trình, sắp xếp lại không gian để có thể tiếp nhận người bệnh.