Tối qua (5/8), lô thuốc đầu tiên gồm 10.000 lọ trong đơn hàng 500.000 lọ Remdesivir do Tập đoàn Vingroup đàm phán thành công và gửi tặng Bộ Y tế đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Do tình hình vận chuyển khó khăn, các lô hàng phải chia thành từng đợt nhỏ và về liên tục nhiều đợt.
Dự kiến, tuần sau sẽ có khoảng 100.000 lọ tiếp theo về tới Việt Nam để kịp chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp việc điều trị cho bệnh nhân nặng. Số lượng còn lại sẽ lần lượt được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 8/2021.
Lô thuốc đầu tiên gồm 10.000 lọ Remdesivir đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào tối 5/8.
Remdesivir là sản phẩm do Công ty Dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Hoa Kỳ. Đây là loại thuốc đầu tiên cho kết quả cải thiện tình trạng bệnh ở bệnh nhân COVID-19 thể nặng trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức.
Loại thuốc kháng virus này đã được Cơ quan FDA (Mỹ) cấp phép điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ tháng 10/2020. Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị.
Trước đó, hãng dược phẩm Cipla của Ấn Độ đã giao bán thuốc Remdesivir chữa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, phiên bản Ấn Độ là Cipremi, với giá chỉ 4.000 rupee (53,4 USD) cho lọ 100mg, trong khi ở Mỹ, Hãng Gilead chốt giá 390 USD/lọ.
Thuốc này trở thành một trong những phiên bản thuốc chữa COVID-19 có giá thấp nhất trên thế giới hiện nay. Trước đó, Hãng Cipla từng hé lộ giá thuốc Remdesivir sẽ không vượt quá 5.000 rupee.
Khu vực lễ tân của Cipla tại trụ sở chính ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Tại Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc, thuốc này đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị những ca bệnh nặng. Tại một nước châu Âu, thuốc cũng được sử dụng theo các chương trình đặc biệt.
Theo thông tin trên Linkedin, Cipla được giới thiệu là công ty dược phẩm toàn cầu sử dụng công nghệ tiên tiến và đổi mới để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của tất cả bệnh nhân.
Cipla được thành lập vào năm 1935 và là một trong những hãng dược phẩm hàng đầu Ấn Độ. Trải qua 80 năm hoạt động, Cipla có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, cung cấp hơn 1.000 sản phẩm thuộc nhiều loại trị liệu với tiêu chuẩn chất lượng trên toàn cầu.
Cipla được công nhận trên toàn cầu với vai trò tiên phong trong điều trị HIV /AIDS khi là công ty dược phẩm đầu tiên cung cấp thuốc có khả năng chống lại virus HIV, tên là ARV (viết tắt của Anti-retrovaral) với mức phí chưa đến một đô la một ngày và đã điều trị cho hàng triệu bệnh nhân từ năm 2001.
Nhà khoa học, nhà hóa học Yusuf Hamied (84 tuổi), Chủ tịch hãng dược Cipla, được nhiều người phong là Robin Hood của ngành công nghiệp dược khi đã thách thức các hãng dược lớn như Big Pharma từ 20 năm trước, tung ra những loại thuốc điều trị HIV giữa đại dịch AIDS.
Chân dung ông Yusuf Hamied (84 tuổi), Chủ tịch hãng dược Cipla.
Kể từ khi thành lập vào năm 1935, Cipla không ngừng lớn mạnh thành một hãng dược lớn, với doanh thu mỗi năm lên tới 1,4 tỷ USD và hơn một nửa là từ doanh số bán ở nước ngoài.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I kết thúc vào tháng 6 vừa công bố của Cipla, lợi nhuận ròng hợp nhất tăng 24% so với cùng kỳ hàng năm lên 715 rupee crore (tương đương 96 triệu USD), cao hơn mức dự đoán nhờ hoạt động bán hàng tăng mạnh.
Tổng doanh thu hợp nhất từ hoạt động kinh doanh cũng tăng 27%, đạt 5.504 rupee crore (tương đương 742,6 triệu USD).
Lý giải mức tăng trưởng 27%, ông Umang Vohra, Giám đốc điều hành Cipla cho rằng, nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm cốt lõi của công ty cùng với việc tiếp tục kiểm soát chi phí đã mang đến kết quả khả quan này.
Hơn thế, đóng góp lớn nhất thuộc về mảng kinh doanh chính tại Ấn Độ khi đợt dịch hoành hành dữ dội vừa qua đã khiến nhu cầu thuốc điều trị COVID-19 tăng vọt. Kết quả là riêng trong quý I, doanh số bán hàng tại thị trường Ấn Độ của Cipla đã tăng 68% so với cùng kỳ.
Remdesivir là sản phẩm do Công ty Dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, năng lực sản xuất thuốc Remdesivir của Ấn Độ đã tăng mạnh từ 3,8 triệu liều/tháng vào thời điểm tháng 4 lên 12,25 triệu liều/tháng trong tháng 6. Số nhà máy được cấp phép sản xuất tăng từ 22 nhà máy trong tháng 4 lên 62 nhà máy vào hiện tại.
Remdesivir ban đầu được điều chế với mục đích để điều trị virus Ebola, song không thành công. Trong các nghiên cứu, thuốc này đã cho thấy hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển virus corona gây bệnh tương tự như COVID-19, bao gồm Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Thuốc này có thể làm giảm tỉ lệ tử vong ở những người mắc bệnh xuống còn khoảng 7%, so với con số 12% đối với những bệnh nhân không dùng thuốc.
Hải Yến
Doanh nghiệp và Tiếp thị