Ngày 6-8, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với những người đồng cấp ở hạ nguồn sông Mekong gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan, theo tờ South China Morning Post.
Cụ thể, chương trình nghị sự bao gồm việc hỗ trợ cho năm quốc gia hạ nguồn Mekong trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cũng như thảo luận về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Myanmar.
Trong cuộc họp, ngoại trưởng Nhật kêu gọi chính quyền quân sự ở Myanmar trả tự do cho tất cả những người họ đã bắt giữ kể từ tháng 2. Đồng thời, phía Tokyo cũng yêu cầu lực lượng quân đội khôi phục tình trạng dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi. Ảnh: EPA-EFE
Theo một số nguồn tin, các cuộc gặp giữa Nhật và các nước Đông Nam Á diễn ra hàng năm. Tuy nhiên, do tình hình bất ổn ở Myanmar, cuộc họp đã bị hoãn từ đầu tháng 3 đến nay vì Tokyo lo ngại việc nhóm họp sẽ bị xem là động thái công nhận chính quyền quân đội vốn đã lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Nhật đã quyết định không trì hoãn cuộc họp thêm nữa. Lý do là vì Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp với 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Myanmar vào tháng 6 và Mỹ cũng đã gặp gỡ các ngoại trưởng ASEAN vào ngày 14-7.
Trước thềm cuộc họp, ông Motegi bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc ASEAN bổ nhiệm một đặc phái viên đến Myanmar để làm trung gian hòa giải giữa quân đội và những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Giới phân tích cho rằng trọng tâm của Tokyo cho cuộc họp ngày 6-8 là nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn với các nước Mekong, trong bối cảnh Nhật đang cùng với đồng minh của mình là Mỹ tìm cách đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo ông Jeff Kingston, giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, Nhật rất muốn thúc đẩy khái niệm kết nối xuyên khu vực và đang sử dụng sông Mekong như một phần của kế hoạch đó.
Sông Mekong chảy qua sáu quốc gia - Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia. Các nước Đông Nam Á ở hạ nguồn đã bị ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập lớn ở thượng nguồn và giữ nước ở đó.