Nông dân 'khó chồng khó' vì giá lúa thấp, giá phân bón tăng mạnh
Trung Chánh
(KTSG Online) – Trong bối cảnh nông dân gặp khó khăn vì giá lúa rớt xuống mức thấp, chỉ còn trên dưới 5.000 đồng/kg đối với giống IR 50404 và OM 5451, thì giá phân bón đã tăng đến 78% trong hơn nửa năm qua.
Nông dân trồng lúa lao đao vì giá lúa giảm trong khi vật tư đầu vào tăng giá mạnh. Ảnh: Trung Chánh |
Tại hội nghị trực tuyến về tình hình tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra vào hôm nay, ngày 7-8, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn cho biết, các địa phương trong vùng đang tiếp tục thu hoạch vụ lúa Hè Thu 2021 và chuẩn bị thu hoạch 250.000 héc ta vụ lúa Thu Đông sớm trong tháng 9 và tháng 10-2021.
Theo ông Nam, về sản lượng lúa, từ nay đến cuối năm có chiều hướng tốt, bởi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, trong khi thời tiết năm nay không có biến động. Tuy nhiên, do vấn đề ách tắc lưu thông đã khiến giá lúa gạo thời gian gần đây có biến động mạnh.
Ông Nam cho biết, giá lúa giảm cộng với tình hình dịch bệnh đã khiến tâm lý người nông dân băn khoăn, không biết có nên tiếp tục xuống giống tiếp hay không? sản xuất rồi bán lúa ở đâu trong mùa dịch này?…, nhất là khi vật tư đầu vào đã có sự tăng giá đột biến như gần đây.
Theo đó, ông Nam cho biết, vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lúc đầu có ách tắc, nhưng sau đó, đã được các Bộ, ngành liên quan và cả Chính phủ tháo gỡ, cho nên, đến giờ này đã thuận tiện. “Nhưng hiện nay, trên bàn của tôi, báo cáo giá phân bón tăng rất cao, một số loại sản xuất trong nước đã tăng 78% so với tháng 1-2021”, ông nhấn mạnh và cho rằng, mức giá tăng quá cao như vậy, thì làm sao nông dân chịu đựng nổi.
Ngoài ra, ông Nam cho biết, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng nhảy vọt thời gian gần đây, gây nhiều khó khăn cho người nông dân. “Phải chăng bắt đầu vào vụ mùa sản xuất, bắt đầu với lý do giao thông cách trở, thì tất cả đều tăng giá?”, ông nêu câu hỏi và cho rằng, đây là vấn đề cả doanh nghiệp cùng các cơ quan quản lý phải suy nghĩ, tìm biện pháp tháo gỡ.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ Hè Thu 2021, địa phương xuống giống trên 76.000 héc ta, trong đó, đã thu hoạch trên 45.000 héc ta, còn lại 31.000 héc ta với sản lượng khoảng 180.000 tấn sẽ thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 9-2021.
Trong khi đó, ở vụ Thu Đông 2021, theo ông Tuyên, địa phương đã xuống giống được 25.000 héc ta, đạt 67% kế hoạch xuống giống là 36.600 héc ta. “Tuy nhiên, hiện nay đầu vào có chiều hướng gia tăng như phân tăng trên 50%, gây khó cho bà con nông dân”, ông Tuyên cho biết và nói rằng, giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng 20-30%.
Trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh, tác động nặng nề đến bà con nông dân, thì các doanh nghiệp sản xuất sản xuất ghi nhận kết quả kinh doanh với lợi nhuận “khủng”.
Theo đó, Công ty cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) có báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt gần 4.340 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 411 tỉ đồng, tăng 29% về doanh thu và 8% về lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả nêu trên, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu năm và vượt đến 95% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Còn với Tổng công ty phân bón và hoá chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ- DPM), báo cáo tài chính hợp nhất quí 2 và 6 tháng đầu năm nay cho thấy, luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của đơn vị này đạt 4.876 tỉ đồng, tăng 26%, lợi nhuận sau thuế là hơn 872 tỉ đồng, tăng gấp đôi cùng năm trước.
Kết quả nêu trên, đã giúp DPM hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu và vượt gần 140% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Xem thêm: lmth.hnam-gnat-nob-nahp-aig-paht-aul-aig-iv-ohk-gnohc-ohk-nad-gnon/712913/nv.semitnogiaseht.www