Luật Bảo hiểm tiền gửi là cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách về bảo hiểm tiền gửi, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, trong quá trình thi hành pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.
Đánh giá về Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, ông Tạ Quang Đôn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 bất cập cần chỉnh sửa, bổ sung. Theo ông Tạ Quang Đôn, một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi còn chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc; cần đánh giá lại một số quy định cho phù hợp với tình hình và hệ thống pháp luật thời điểm hiện tại; một số quy định cần phải được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời tạo cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện được các nhiệm vụ mới được giao.
Để Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu quả thực thi, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, là cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy được vai trò, vị thế của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng:
Bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém nhằm sử dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi như một công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền.
Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần được xây dựng theo hướng khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi tính đến thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có vai trò lớn hơn trong việc thực hiện các chính sách xã hội; đảm bảo tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thực hiện các mục tiêu được giao. Ngoài ra, việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng cũng là một nội dung quan trọng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi đạt hiệu quả, Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng cần sửa đổi theo hướng đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan.
“Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được sửa đổi trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước, hướng dẫn phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế về bảo hiểm tiền gửi” – ông Phạm Bảo Lâm – Chủ tịch HĐQT bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết.