Câu chuyện giải cứu một doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty cổ phần hoặc các doanh nghiệp tư nhân sẽ đụng đến vấn đề rất nhạy cảm đó là liệu chúng ta có đang lấy tiền dân nộp thuế để đi giải cứu một cơ chế thị trường hay không?
Theo PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, muốn vượt qua điểm “nhạy cảm” này thì các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp buộc phải đẩy tiền đi một vòng rộng hơn.
Giải thích thêm, ông Bảo cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Nhà nước bơm tiền đến các ngân hàng thương mại thông qua tái cấp vốn 0%, không tài sản bảo đảm để cho Vietnam Airlines vay.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng kiến nghị rằng, muốn tiếp cận được nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách, Vietnam Airlines hay các hãng bay khác cũng phải có những điều kiện ràng buộc nhất định như cắt giảm chi phí tiền lương, chi phí nhân công, tái cấu trúc bộ máy doanh nghiệp… nhằm tự cân đối tài chính.
Ngoài ra, ngành hàng không cũng phải lập kế hoạch cả ngắn hạn và trung dài hạn, phải cho mọi người nhìn thấy rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, mình sẵn sàng hoạt động với năng suất gấp đôi, gấp ba để bù lại những mất mát trong quá khứ và xứng đáng với khoản hỗ trợ nhận được.
Về vấn đề lãi suất, vị chuyên gia này cho rằng, Nhà nước không nên chốt cứng mà có thể thả nổi giống như sản phẩm phái sinh tài chính. Nghĩa là lãi suất phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, nếu hồi phục tốt thì lãi cao, chưa thể phục hồi ngay thì lãi vừa phải. Hiểu đơn giản, phải làm sao cho mọi người cảm thấy công bằng với ngân sách đã vay, công bằng với tiền thuế của dân.
Mặt khác, việc SCIC bơm tiền để mua cổ phiếu Vietnam Airlines nói riêng hay ngành hàng không nói chung là việc rất bình thường. Trên thế giới, mỗi khi doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, Chính phủ đứng ra quốc hữu hóa một phần vốn để giải cứu ngành đó không hiếm gặp. Song, SCIC cần có lộ trình thoái vốn rõ ràng, để tính kỷ cương ngân sách phải được tôn trọng.
Xem thêm: mth.yl-poh-av-eht-gnot-pahp-iaig-ob-tom-nac-teiv-gnohk-gnah-ohc-hnac-uig/nv.ymonocenv