Một thế kỷ trước, vào tháng 8 năm 1921, chính trị gia Franklin D. Roosevelt, người sau này trở thành tổng thống thứ 32 của Mỹ, đã bị mắc chứng bệnh bại liệt mà không có vaccine hay thuốc chữa vào thời điểm đó.
Vào sáng ngày 11/8/1921, Franklin D. Roosevelt đã phải gắng gượng rời khỏi giường ở căn nhà nghỉ mát trên đảo Campobello, ngoài khơi bờ biển Maine.
Ngay hôm trước, ông đã cảm thấy ốm yếu. Sau nhiều giờ bơi lội và chèo thuyền, chân của ông bắt đầu đau nhức. Hôm sau, tình trạng của ông trở nên xấu đi. Ông bị sốt gần 39 độ C và đã quỵ ngã khi cố gắng băng qua đại sảnh.
Nhà sử học Hugh Gregory Gallagher đã viết rằng khoảnh khắc đó là bước ngoặt lịch sử của nước Mỹ, và mở đầu cho biến cố trọng tâm trong cuộc đời của một trong những tổng thống vĩ đại nhất đất nước.
Đại dịch bại liệt hoành hành nước Mỹ
Vào buổi sáng tháng 8 của tròn 100 năm trước, Franklin D. Roosevelt đã trải qua những triệu chứng đầu tiên của bệnh bại liệt.
Khi ấy, ông mới 39 tuổi và căn bệnh ấy đã khiến ông phải gắn liền với chiếc xe lăn trong phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời.
Vào thời điểm đó, bệnh bại liệt còn được gọi là bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh lây nhiễm phần lớn ở các trẻ em. Theo Viện Y tế Quốc gia, một loại virus truyền nhiễm đã gây ra căn bệnh này, khiến bệnh nhân bị bại liệt nghiêm trọng và tử vong.
Virus lây lan qua đường miệng, thậm chí xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Chúng phá hủy các tế bào thần kinh vận động và gây liệt tứ chi. Những người sống sót thì phải đeo nẹp chân bằng kim loại rất đau đớn. Sau hơn 30 năm, người ta mới điều chế được vắc xin chống lại virus này.
Cách thời điểm Roosevelt ngã bệnh không lâu, vào năm 1916, đại dịch bại liệt đã gieo rắc nỗi kinh hoàng ở Mỹ. Ở Bờ Đông, đã có 27.000 người nhiễm bệnh. Tại New York, bệnh dịch còn tồi tệ hơn với 19.000 ca nhiễm, gần 2.500 ca tử vong.
Hàng chục nghìn con trẻ của những gia đình có điều kiện đã được gửi đi khỏi thành phố để tránh bị nhiễm bệnh. Vệ binh được bố trí để ngăn chặn những người dân New York chạy trốn. Năm đó, Franklin D. Roosevelt đang giữ chức vụ trợ tá Bộ trưởng Hải quân và rời khỏi Washington cho chuyến đi công tác.
Nhận thấy tình hình bệnh dịch căng thẳng ở khắp nơi, ông đã mượn chiếc du thuyền để chở vợ và con về quê ở Hyde Park. Năm đó, gia đình Roosevelts thoát khỏi bệnh bại liệt.
Franklin D. Roosevelt cùng phu nhân và 6 người con.
Năm năm sau, tức năm 1921, dịch bệnh đã thuyên giảm nhưng virus thì vẫn ẩn nấp. Vào ngày 27/7, Roosevelt cùng phái đoàn đến thăm trại hướng đạo sinh thành phố New York.
Theo nhà sử học Geoffrey C. Ward, người viết lại tiểu sử của Roosevelt, ông có thể đã bị nhiễm bệnh trong chuyến thăm đó. Hai tuần sau, những triệu chứng bệnh đã xuất hiện.
Các bác sĩ đã được gọi đến. Một người cho rằng ông bị cảm nặng. Một người khác nghĩ rằng ông có một cục máu đông. Cho đến khi bác sĩ hàng đầu về bệnh bại liệt, Robert Williamson Lovett đến kiểm tra, bác sĩ đã xác nhận ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Tương lai tương sáng của chính trị gia trẻ tuổi bỗng chốc trở nên u ám.
Các hướng đạo sinh đứng quanh tổng thống Franklin D. Roosevelt khi ông gửi lời chào đến toàn thể các hướng đạo sinh nước Mỹ từ Nhà Trắng ngày 21/8/1935.
Từ một người tưởng chừng bại liệt vĩnh viễn đến Tổng thống vĩ đại của Mỹ
Tám năm sau, trong một ngày trời đầy gió, một cậu thiếu niên tên Philip Hamburger, đã đến xem buổi phát biểu của tân thống đốc tiểu bang New York. Vị chính trị gia đảng Dân chủ này đã chiến trước hàng loạt đối thủ đảng Cộng hòa.
Vị chính trị gia này đã dành hàng năm trời để vượt qua những trở ngại lớn về thể lý. Ông ấy đã chiến đấu để trở lại chính trường. Ông ấy đã có chiến dịch không ngừng nghỉ, thực hiện 7 buổi phát biểu ở 7 thị trấn khác nhau trong một ngày.
Và người đàn ông đó không ai khác chính là Franklin Roosevelt. Trong những năm sau này, ông được bầu làm tổng thống tới 4 nhiệm kỳ, dẫn dắt đất nước qua biến động kinh tế, thay đổi chính trị và chiến tranh thế giới. Và cuối cùng, ông qua đời vào năm 1945.
Nhưng tất cả những gì in đậm trong ký ức của cậu thanh niên Hamburger năm nào là cách mà Roosevelt tự mình bước qua đám đông sau bài phát biểu. Ông đeo nẹp chân và đi bằng hai nạng một cách khó khăn. Đám đông như thể bị thôi miên, họ đứng lặng nhìn theo vị chính trị gia đầy kiên cường ấy cho đến khi chiếc limousine chở ông và phu nhân rời đi.
Bức ảnh hiếm hoi ghi lại hình ảnh Franklin D. Roosevelt ngồi xe lăn. Ông luôn cố gắng xuất hiện trước công chúng với tư thế đứng thẳng.
Mặc dù bị chẩn đoán bại liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống, Tổng thống Franklin D. Roosevelt không chấp nhận điều đó. Ông đã tập đi lại với thanh sắt nẹp vào hông và chân. Ông luôn cố gắng xuất hiện trước công chúng với tư thế đứng thẳng. Ông đã làm việc chăm chỉ để quên đi những khiếm khuyết vì bệnh tật của mình. Tuy nhiên, người ta vẫn nhớ về ông với những khiếm khuyết ấy để ngưỡng mộ ý chí của ông.
Paul Sparrow, giám đốc Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Franklin D. Roosevelt, ở Hyde Park, New York, cho biết: "Tôi nghĩ rằng bệnh bại liệt đã thay đổi Franklin D. Roosevelt. Tôi nghĩ rằng bệnh bại liệt đã thay đổi nước Mỹ. Và tôi nghĩ cách ông ấy chiến đấu với bệnh bại liệt đã thay đổi thế giới".
Tham khảo: Washington Post