Nhận diện 8 thách thức đang làm kiệt quệ doanh nghiệp trong dịch bệnh
Lan Nhi
(KTSG Online) - Các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp đã nhận diện được 8 khó khăn, thách thức rất lớn đang đe dọa khả năng sinh tồn của doanh nghiệp.
Làn sóng hồi hương vì mất việc làm do dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp lao đao vì thiếu lao động. Ảnh minh họa: ĐSVN |
Ngày mai (8-8), Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương và các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp lớn nhằm nhận diện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang đe dọa “nhấn chìm” khả năng tồn tại và kháng cự của doanh nghiệp.
Trao đổi với báo giới liên tục trong thời gian qua, các Hiệp hội doanh nghiệp và nhiều bộ ngành đã tổng hợp những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt để báo cáo lên Thủ tướng. Theo đó, có 8 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu mà doanh nghiệp đang phải đối diện:
Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%.
Nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng khách sạn nhu cầu giảm đến 70-80%.
Để duy trì sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, đến khi có các đơn hàng/hợp đồng thì doanh nghiệp lại đối diện với tình trạng thiếu lao động hoặc phải thực hiện cách ly theo quy định về phòng chống dịch nên không đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng.
Tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển thời gian qua xét về bản chất nguyên nhân chủ yếu do tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh. Nhu cầu giảm, doanh nghiệp giảm sản lượng, quy mô sản xuất, do đó nguyên liệu nhập về chưa thể đưa vào sản xuất, hàng xuất đi bị ùn ứ do chưa thể xuất khẩu được.
Thứ hai, doanh thu giảm mạnh. Ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn bị tê liệt, đặc biệt từ tháng 4/ 2021 trở lại đây doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ ba, dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn). Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động. Thứ tư, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng
Thứ tư, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như: chi phí xét nghiệm (đối với các doanh nghiệp vận tải, DN có nhiều lao động chi phí này có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng); chi đầu tư để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại doanh nghiệp.
Thứ năm, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn với hàng trăm, hàng nghìn lao động đã phải tạm ngừng sản xuất, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người lao động; một số tập đoàn FDI lớn có các nhà máy vệ tinh trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam (OEM) đang xem xét tìm nhà cung ứng thay thế từ các cơ sở sản xuất khác
Thứ sáu, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng. Các yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR đã làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi giữa các tỉnh thực hiện giãn cách và các tỉnh khác dẫn đến hoạt động giao hàng, cung ứng bị đình trệ. Chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Thứ bảy, khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia: Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử… Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cho biết điều kiện của một số chính sách còn chặt chẽ, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống và chưa được hướng dẫn cụ thể nên số các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách này còn thấp, chưa tạo tác động rõ rệt.
Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền.
Từ những khó khăn rất lớn chưa có hướng giải quyết, Bộ KH-ĐT tiếp tục nhận diện những nguy cơ, thách thức mà các doanh nghiệp có thể tiếp tục phải đối mặt trong thời gian tới như:
Nguy cơ đình trệ sản xuất và suy thoái kinh tế thế giới: Mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước bắt đầu có những dấu hiệu tích cực cùng với việc tiêm chủng vắc-xin. Tuy nhiên, trên thế giới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản… đều rơi vào tình trạng sụt giảm, trong đó có nhiều đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam.
Làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn: Do ảnh hưởng của dịch covid 19 nặng nề và thời gian giãn cách kéo dài (nhất là đợt dịch bùng phát vào tháng 7-2021), nhiều doanh nghiệp khó có thể duy trì, buộc phải dừng sản xuất và đóng cửa, người lao động mất việc và dẫn đến xuất hiện làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn (Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…). Điều này có nguy cơ cao là ngay khi hết thời gian giãn cách, tình hình dịch Covid-19 giảm thì doanh nghiệp khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất do thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng, nguyên liệu đầu vào…
Nguy cơ suy giảm dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến thay đổi dòng thương mại toàn cầu, làm suy giảm các thị trường mới nổi phụ thuộc vào xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn có xu hướng chuyển dịch về chính quốc và xây dựng lại hệ thống doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu để chủ động hơn, giảm thiểu rủi ro.
Các bộ ngành hy vọng, dự kiến có thể kiểm soát dịch bệnh trong cuối năm 2021, khi tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quí 2-2022, các biện pháp hỗ trợ và chính sách của Chính phủ linh hoạt hơn , cộng đồng doanh nghiệp có thể giảm bớt khó khăn để phục hồi dần sản xuất.