Nhiều tàu chiến tiên tiến nhất thế giới, gồm tàu sân bay, tàu ngầm, và có thể cả tên lửa diệt tàu sân bay của Trung Quốc đang hiện diện trên khắp tây Thái Bình Dương, theo tờ South China Morning Post.
Động thái nói trên diễn ra sau khi các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Anh đồng loạt tham gia các cuộc tập trận hải quân trong khu vực.
Chuyên gia nói về nguy cơ xung đột
Trong khi Mỹ muốn tăng cường hỗ trợ đồng minh và cải thiện khả năng phối hợp hoạt động trong khu vực, Trung Quốc lại muốn khẳng định sự hiện diện của mình ở Biển Đông và eo biển Đài Loan đang tranh chấp.
Tàu khu trục Mỹ USS Benfold. Ảnh: US NAVY
Ông Brad Glosserman, GS thỉnh giảng tại Trung tâm Chiến lược Lập pháp tại Đại học Tama (Nhật) cho biết "số lượng lớn tàu thuyền trên không và dưới nước làm tăng rất nhiều khả năng xảy ra tai nạn".
Ngoài ra, ông cũng nhận định các cuộc tập trận của Mỹ gửi đi thông điệp rằng nước này đại diện cho một "liên minh các lực lượng và không đơn độc trong việc bảo vệ nguyên trạng khu vực".
Trong khi đó, ông Collin Koh, một thành viên nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho rằng sự bùng nổ của các hoạt động quân sự trong khu vực không gây rủi ro cao.
Theo ông, sự gia tăng các hoạt động như vậy có thể diễn ra mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn. Các bên tiến hành các cuộc tập trận cảnh báo lẫn nhau, nhưng họ sẽ không vượt quá ngưỡng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Ông cho rằng các lực lượng quân sự đối thủ có thể theo dõi chặt chẽ các hoạt động của nhau, nhưng các hoạt động này thường được "tiến hành ở một khoảng cách an toàn và chuyên nghiệp".
Theo ông Shahriman Lockman, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, cả Mỹ và Trung Quốc đều cho thấy quyết tâm duy trì hiện diện ở khu vực. Tuy nhiên, miễn là cả hai bên vẫn chuyên nghiệp, nguy cơ xung đột có thể được kiểm soát.
Tháng của các cuộc tập trận
Mở đầu cho các hoạt động tập trận tháng này là cuộc tập trận hải quân Talisman Sabre ở ngoài khơi bờ biển Úc. Với sự tham gia của 17.000 quân nhân từ bảy quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, Nhật và Hàn Quốc, các bên đã tiến hành diễn tập đổ bộ lên bờ biển, bắn đạn thật và liên lạc qua vệ tinh.
Ngày 2-8, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ bắt đầu một loạt cuộc tập trận quy mô lớn với quân đội Úc, Anh và Nhật để cải thiện khả năng tương tác, nâng cao sự tin cậy và hiểu biết chung để giải quyết các thách thức an ninh. Các hoạt động nói trên dự kiến kéo dài đến ngày 27-8.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc đang có cuộc tập trận trái phép ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cuộc diễn tập bắt đầu từ ngày 6-8 và kết thúc ngày 10-8.
Dù thông tin chi tiết về cuộc tập trận chưa được tiết lộ, các nhà phân tích quân sự cho biết khu vực được chọn đủ lớn để Lực lượng Tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc có thể thử nghiệm tên lửa chống hạm của mình.
Ngày 4-8, Ấn Độ thông báo sẽ triển khai bốn tàu chiến đến Biển Đông để khẳng định "năng lực hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các nước thân thiện".
Theo kế hoạch, các tàu sẽ có các cuộc tập trận song phương với Việt Nam, Philippines, Singapore và Indonesia. Sau đó, nhóm tàu sẽ tham gia cuộc diễn tập thường niên Malabar với nhóm Bộ tứ (liên minh quân sự không chính thức của Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật) ở tây Thái Bình Dương.