Thay đổi về chiến lược đầu tư của các quỹ
Lê Hoài Ân (*) - Nguyễn Duy Khánh (**)
(KTSG) - Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong sáu tháng đầu năm đã giúp các quỹ đầu tư có được kết quả đầu tư tốt. Tuy nhiên, đằng sau đó là sự phân hóa lớn giữa mức sinh lời của các quỹ mà sự khác biệt trong chiến lược đầu tư là nguyên nhân chính. Những thay đổi trong chiến lược đầu tư của các quỹ cũng cho thấy những nhận định của họ về xu hướng của thị trường sắp tới.
Tại Việt Nam, đa phần các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đều hoạt động dưới hình thức quỹ mở hoặc các quỹ ETF. Các quỹ đầu tư theo đuổi các chiến lược khác nhau, qua đó tạo ra sự khác biệt trong mức sinh lời của các quỹ. Về cơ bản, chúng ta có thể chia chiến lược của các quỹ ra ba nhóm cơ bản:
Sự phân hóa giữa các quỹ trong sáu tháng đầu năm 2021
Trong sáu tháng đầu năm 2021, mức sinh lời của các quỹ có sự phân hóa rõ rệt. Nhóm các quỹ nội đa phần đều có suất sinh lời cao hơn so với hiệu suất của VN30-Index, trong khi đó nhóm các quỹ ngoại lại có mức sinh lời thấp hơn đáng kể. Thậm chí các quỹ ngoại như VinaCapital VOF hay VNM ETF có mức sinh lời chỉ ở mức 26,3% và 18%, thấp hơn nhiều so với mức sinh lời của chỉ số VN30.
Nguyên nhân xuất phát từ độ vênh rất lớn trong cơ cấu phân bổ cổ phiếu giữa quỹ ngoại và quỹ nội. Trong bối cảnh thị trường tăng rất nóng nhưng danh mục các quỹ ngoại đều không đại diện hết cho thị trường Việt Nam. Ví dụ các quỹ ETF ngoại như VNM ETF tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục chỉ chiếm 70%, trong khi đó các quỹ như VFM hay SSIAM đều sở hữu 100% là cổ phiếu Việt Nam trong danh mục.
Mặt khác, các quỹ nào càng bám sát với chỉ số tham chiếu thì suất sinh lời các quỹ càng cao. Trong đó nhóm quỹ bám sát vào chỉ số đại diện cho ngành tài chính là SSIAM VNFinLead ETF có mức sinh lời cao nhất, điều này khá dễ hiểu khi ngành tài chính là ngành có mức sinh lời tốt nhất thị trường sáu tháng đầu năm 2021. Các quỹ khác bám sát vào chỉ số VN30 đều có mức sinh lời tốt hơn so với chỉ số tham chiếu. Ngược lại, các quỹ nội như VCBF-BCF hay VCBF-TBF có mức sinh lời thấp hơn đáng kể khi danh mục của quỹ này phân bổ tỷ trọng thấp hơn vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn.
Một điểm rất đáng chú ý trong giai đoạn này là sự lệch pha trong việc giải ngân giữa các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ đầu tư thụ động. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro, các quỹ đầu tư ngoại đã rút ròng dòng tiền đồng thời luân chuyển vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nhằm tối thiểu hóa rủi ro cho nhà đầu tư.
Các quỹ đầu tư chủ động cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong dòng vốn, trong khi các quỹ đầu tư thụ động lại cho thấy sự tăng trưởng rất lớn. Việc giảm quy mô của các quỹ chủ động đến từ cả các quỹ đầu tư chủ động trong và ngoài nước. Các quỹ đầu tư ETF vẫn tiếp tục gia tăng dòng vốn giải ngân trong khi đó các quỹ chủ động đều đang chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Dòng vốn ETF chủ yếu tăng từ các quỹ ETF trong nước, chủ yếu là Vietnam ETF Diamond của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital VFM, một quỹ chỉ mới bắt đầu thành lập đầu năm nay nhưng đã đạt gần 400 triệu đô la. Đặc biệt, vào cuối tháng 3-2021 các quỹ thụ động tiếp tục hút vào dòng vốn lên đến hơn 8.000 tỉ đồng với sự xuất hiện của quỹ ngoại đến từ Đài Loan là Fubon FTSE Vietnam ETF. Quỹ này sẽ đầu tư bám sát theo chỉ số FTSE Vietnam 30 Index.
Xu hướng thay đổi chiến lược đầu tư của các quỹ
Trong bối cảnh tăng nóng của thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư đã có những đối sách để phù hợp với mục tiêu về lợi nhuận và rủi ro thông qua việc chủ động cơ cấu lại danh mục, bán bớt cổ phiếu thuộc các ngành tăng trưởng nóng với mức sinh lời hợp lý. Những nhóm ngành thuộc danh mục mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều là bất động sản, ngân hàng, vật liệu và thực phẩm. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngành công nghệ và dầu khí được các nhà đầu tư mua ròng với quy mô nhỏ.
Bên cạnh đó, các quỹ đang có xu hướng gia tăng tỷ trọng tiền mặt, đặc biệt là các quỹ cân bằng. Các quỹ cân bằng như Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (DCDS) và Quỹ Đầu tư Cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) đang hạ dần tỷ trọng đối với cổ phiếu và ưu tiên nâng tỷ trọng tiền mặt. Tuy nhiên, DCDS vẫn đang kỳ vọng có thể tìm kiếm thêm mức lợi nhuận từ nhóm ngân hàng, khi nhóm này vẫn còn nhiều động lực tăng trưởng, trong khi đó nhóm bất động sản và vật liệu đã dần thoái trào.
Trong khi đó, VIBF mặc dù thu hẹp tỷ trọng cổ phiếu, nhưng quỹ vẫn đặt kỳ vọng vào nhóm ngành tài chính, vật liệu và công nghệ thông qua việc tăng tỷ trọng các ngành này trong danh mục và chủ động giảm các ngành nghề kém triển vọng khác như bất động sản, vật liệu và thực phẩm.
Điểm cuối cùng trong sự thay đổi trong chiến lược đầu tư của các quỹ trong ba tháng qua đó là việc gia tăng tần suất giao dịch. Chỉ số này của các quỹ đều gia tăng đáng kể, qua đó thể hiện việc các quỹ đang tăng cường lướt sóng các cổ phiếu để tận dụng các biến động giá trong ngắn hạn vừa qua. Yếu tố này sẽ giúp tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường.
Như vậy, trong thời gian tới thì các quỹ sẽ có thể tiếp tục gia tăng nắm giữ các cổ phiếu ngân hàng, tuy nhiên sẽ giao dịch với tần suất cao hơn, gia tăng tỷ trọng các nhóm ngành có động lực phát triển dài hạn tốt như FPT và duy trì tỷ trọng thấp ở nhóm ngành thực phẩm như VNM, MSN và ngành vật liệu như HPG.
(*) CFA - BUH
(**) Saigon Futures
Xem thêm: lmth.yuq-cac-auc-ut-uad-coul-neihc-ev-iod-yaht/570913/nv.semitnogiaseht.www