vĐồng tin tức tài chính 365

Phòng ngừa nguy cơ tranh chấp… app icon

2021-08-08 09:46

Phòng ngừa nguy cơ tranh chấp… app icon

Nguyễn Ái Nhi (*) - Lưu Minh Sang (**)

(KTSG) - Biểu tượng ứng dụng (App Icon) là yếu tố quan trọng giúp người dùng nhận diện và phân biệt các ứng dụng (app) khác nhau. Do đó, việc bảo vệ biểu tượng ứng dụng khỏi những hành vi xâm phạm và phòng ngừa nguy cơ tranh chấp là vấn đề mà các doanh nghiệp cần lưu ý ngay từ khi bắt đầu quá trình khai thác thương mại nó.

Hiện hữu nguy cơ tranh chấp

Thị trường ứng dụng di động đang phát triển sôi động và mang tính toàn cầu. Sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt, kéo theo đó là những tranh chấp phát sinh. Không khó để bắt gặp những vụ tranh chấp liên quan đến các ứng dụng nói chung và biểu tượng ứng dụng nói riêng.

Tại Việt Nam, tiềm lực phát triển thị trường ứng dụng di động là rất lớn. Vì vậy, việc thiết lập các cơ chế pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các biểu tượng ứng dụng nói riêng và các ứng dụng nói chung là một hành động tất yếu trong chiến lược xây dựng thương hiệu.

Điển hình như vào tháng 7-2018, Google (công ty sở hữu YouTube) đã nộp đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực đối với nhãn hiệu “Video Blog” lên Văn phòng Sáng chế Nhật Bản (JPO) vì cho rằng nhãn hiệu của Video Blog tương tự với biểu tượng “YouTube” nổi tiếng của Google và có khả năng gây nhầm lẫn với dịch vụ YouTube của Google do cùng nhóm dịch vụ (dịch vụ phát sóng).

Hội đồng thẩm định của JPO đã nhận định biểu tượng “YouTube” đã đạt được danh tiếng và độ phổ biến cao như một dấu hiệu để nhận diện dịch vụ phát phim, các chương trình ti vi trên YouTube. Trong khi đó, biểu tượng của “Video Blog” có phần hình tương đồng với biểu tượng của YouTube, có khả năng gây nhầm lẫn và khiến người dùng cho rằng đây là một nhánh mới của YouTube được Google phát triển(1). Hội đồng đã chấp nhận đơn yêu cầu của Google, chấp thuận việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ của nhãn hiệu “Video Blog”.

Tương tự, vào tháng 3-2020, Tòa án Thương nghiệp và Tài sản thuộc Tòa án Tối cao Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã ban hành bản án đối với tranh chấp giữa PlanetArt (nguyên đơn) với Photobox (bị đơn)(2). Theo đó, PlanetArt cáo buộc Photobox đã cố tình sử dụng biểu tượng ứng dụng gây nhầm lẫn với biểu tượng ứng dụng mà PlanetArt đã đăng ký bảo hộ như nhãn hiệu nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh cho cùng một loại hàng hóa, dịch vụ (dịch vụ in ảnh trên điện thoại).

Theo đó, căn cứ các quy định tại Đạo luật về nhãn hiệu năm 1994 (Trade Marks Act 1994) của Anh, thẩm phán đã diễn giải và xác định biểu tượng ứng dụng của Photobox xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với biểu tượng ứng dụng mà PlanetArt đã đăng ký bảo hộ như nhãn hiệu. Cụ thể, thẩm phán đã có sự so sánh với hàng loạt các ứng dụng tương tự khác, cũng như đánh giá về thiết kế biểu tượng của Photobox, để đưa ra kết luận cuối cùng rằng việc Photobox sử dụng biểu tượng được hiển thị trên màn hình của hàng triệu điện thoại đã xâm phạm đến nhãn hiệu đã được đăng ký của PlanetArt, làm cho nhãn hiệu này không phát huy được hết công dụng như là một “gương mặt đại diện” đáng tin cậy đối với ứng dụng của PlanetArt(3).

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ kiện liên quan đến biểu tượng ứng dụng đã diễn ra tại các nước. Qua đó, có thể cho thấy nguy cơ biểu tượng ứng dụng bị xâm phạm không loại trừ đối tượng nào, dù là một doanh nghiệp khởi nghiệp hay một tập đoàn khổng lồ. Tất nhiên, trong hai vụ việc trên cũng như các tranh chấp tương tự, phần thắng hầu như đều nghiêng về bên có được sự bảo vệ thông qua cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng chiến lược bảo vệ thương hiệu bài bản.

Đăng ký bảo hộ

Trên thực tế, việc đăng ký nhãn hiệu cho biểu tượng ứng dụng không phải là vấn đề mới, đặc biệt là đối với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và Apple là một ví dụ điển hình. Với tư cách là một trong những nhà phát triển ứng dụng tiên phong và điển hình nhất hiện nay, hầu hết các biểu tượng ứng dụng của Apple đều đã được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ độc quyền tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Apple có hệ thống bài bản và tiêu biểu để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các biểu tượng ứng dụng của mình. Bằng chứng là trên trang web chính thức của Apple có hẳn một chuyên trang công bố danh mục các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền, trong đó bao gồm một loạt biểu tượng ứng dụng nổi bật của tập đoàn này(4).

Để làm được điều đó, các thông tin, hình ảnh về biểu tượng ứng dụng của Apple luôn được bảo mật tuyệt đối trước thời điểm ra mắt chính thức trên toàn thế giới. Song song đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với biểu tượng ứng dụng luôn được thực hiện đồng thời hoặc trước thời điểm ra mắt công chúng(5). Đây cũng là một kinh nghiệm đáng lưu ý cho các nhà phát triển ứng dụng cân nhắc về thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Khi đăng ký nhãn hiệu thành công, doanh nghiệp có được cơ chế bảo hộ độc quyền và chặt chẽ đối với biểu tượng ứng dụng nhờ vào hệ thống tra cứu (trường hợp doanh nghiệp đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid thì nhãn hiệu sẽ được đưa vào hệ thống dữ liệu nhãn hiệu toàn cầu (WIPO’s Global Brand Database)). Với giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm.

Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ biểu tượng ứng dụng dưới hình thức nhãn hiệu tốn kém nhiều chi phí lẫn thời gian và đặt nặng vấn đề chứng minh về khả năng phân biệt. Theo đó, một biểu tượng ứng dụng sẽ không đủ điều kiện đăng ký nhãn hiệu nếu như không có khả năng phân biệt với các hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Biểu tượng ứng dụng chỉ mang tính mô tả có thể được xem là không đáp ứng điều kiện về khả năng phân biệt. Điển hình như trường hợp biểu tượng của ứng dụng bản đồ là hình một bản đồ, hay dùng hình một nốt nhạc làm biểu tượng cho một ứng dụng âm nhạc thì đơn đăng ký nhãn hiệu có thể sẽ bị từ chối.

Lúc này, nhà phát triển ứng dụng có thể cân nhắc để đăng ký bảo hộ biểu tượng ứng dụng dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, để được hưởng cơ chế bảo hộ quyền tác giả. Cũng cần lưu ý, cơ chế bảo hộ quyền tác giả là tự động, hành vi thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp văn bằng bảo hộ có tác dụng như một loại chứng cứ.

Khác với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ưu điểm của việc đăng ký quyền tác giả là phạm vi bảo hộ không bị giới hạn trong phạm vi hàng hóa, dịch vụ nhất định, nên bất kỳ hành vi sử dụng, sao chép một phần hoặc toàn bộ tạo hình của biểu tượng đều có thể có khả năng là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Ngược lại, cơ chế bảo hộ quyền tác giả lại khá lỏng lẻo. Vì thiếu cơ sở dữ liệu và hệ thống tra cứu nên nguy cơ rất lớn sẽ xảy ra sự trùng lắp, tương tự nhau giữa các biểu tượng ứng dụng của các nhà phát triển khác nhau, từ đó phát sinh các tranh chấp và rắc rối. Chưa kể, việc chứng minh, cung cấp chứng cứ khi tranh chấp xảy ra là điều không dễ dàng.

Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả biểu tượng ứng dụng như tác phẩm mỹ thuật ứng dụng nên là một biện pháp bảo vệ bổ sung và thực hiện đồng thời với việc đăng ký nhãn hiệu của chủ thể. Việc chỉ đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho biểu tượng ứng dụng chỉ nên được thực hiện khi gặp vấn đề về rào cản pháp luật quốc gia dẫn đến không thể đăng ký nhãn hiệu.

Tại Việt Nam, tiềm lực phát triển thị trường ứng dụng di động là rất lớn. Sự cạnh tranh trên thị trường này mang tính toàn cầu. Vì vậy, việc thiết lập các cơ chế pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các biểu tượng ứng dụng nói riêng và các ứng dụng nói chung là một hành động tất yếu trong chiến lược xây dựng thương hiệu.

(*) Công ty Luật Thắng và các đồng nghiệp (Thang & Associates)

(**) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

(1) “Google victorious in trademark dispute for YouTube icon”, Masaki Mikami, https://www.marks-iplaw.jp/youtube-icon/, truy cập ngày 13-7-2021

(2) Toàn văn bản án: https://www.bailii.org/cgi-bin/format.cgi?doc=/ew/cases/EWHC/Ch/2020/713.html&query=(planetart)

(3) “How trademark law is being applied to the envolving world of apps”, Jonathan Ball, https://gowlingwlg.com/en/insights-resources/articles/2020/how-trademark-law-is-being-applied-to-apps/, truy cập ngày 13-7-2021

(4) Tham khảo https://www.apple.com/legal/intellectual-property/trademark/appletmlist.html, truy cập ngày 7-7-2021.

(5) Tham khảo thông tin tại https://www.patentlyapple.com/patently-apple/2018/09/apples-face-id-home-app-icons-are-now-registered-trademarks-with-new-filings-for-works-with-apple-health-schoolwork-more.html , truy cập ngày 7-7-2021.

Xem thêm: lmth.noci-ppa-pahc-hnart-oc-yugn-augn-gnohp/380913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: app

“Phòng ngừa nguy cơ tranh chấp… app icon”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools