Kinh tế phương Tây dần sống chung được với dịch
Lạc Diệp
(KTSG) - Tỷ lệ tiêm vaccin cao và những sự điều chỉnh chính sách của các chính phủ, doanh nghiệp đang là những yếu tố quan trọng giúp các nền kinh tế phương Tây dần thích ứng với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Sự phục hồi không đồng đều
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới được đưa ra ngày 27-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng toàn cầu vẫn giữ nguyên ở mức 6% cho năm 2021. Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý lại nằm ở mức chênh lệch ngày càng lớn giữa các nền kinh tế phát triển, mới nổi và đang phát triển.
Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn cả, khoảng 7%, nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ của chính quyền Tổng thống Joe Biden và chiến dịch tiêm chủng vaccin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại nhiều nền kinh tế phương Tây khác. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Canada và Anh lên mức lần lượt 6,3% và 7%, trong khi GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo tăng trưởng 4,6%.
Những gì đang diễn ra tại các nước phương Tây không đúng với phần còn lại của thế giới.
Sự tương phản với phương Tây được thể hiện rất rõ nét khi IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ từ 12,5% xuống còn 9,5%. Tại Đông Nam Á, nơi làn sóng lây nhiễm mới vẫn đang diễn biến phức tạp, IMF cũng lần lượt hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Bà Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF cho biết “Sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng với khoảng cách ngày càng lớn giữa các nền kinh tế phát triển, mới nổi và đang phát triển”.
Vaccin - yếu tố làm nên sự khác biệt
Một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt chính là việc ở các nước phương Tây giàu có, bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất đã được tiêm phòng. Do đó, sự gia tăng các ca lây nhiễm mới, không kéo theo sự gia tăng tương ứng về số ca nhập viện và số ca tử vong, vốn là nguyên nhân dẫn tới lo ngại hệ thống y tế sẽ bị quá tải.
Một trong những ví dụ rõ nét nhất là Vương quốc Anh, nơi 88% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi vaccin, số ca mắc mới Covid-19 đã giảm trong tuần trước, trong khi số ca tử vong cũng thấp hơn nhiều so với những đợt dịch trước đó.
Còn tại Mỹ, các số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cho thấy, khoảng 69% dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccin. Tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng cho phép người tiêu dùng chi tiền nhiều hơn cho các bữa ăn, việc cắt tóc, các kỳ nghỉ hay sự kiện thể thao..., những dịch vụ mà họ đã không thể sử dụng hồi năm ngoái khi đất nước rơi vào tình trạng phong tỏa. Doanh số bán hàng của các quán bar và nhà hàng tại Mỹ đã chạm mức trước đại dịch hồi tháng Tư vừa qua và vẫn tiếp tục tăng kể từ đó tới nay.
Theo ông Stephen Stanley, chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty môi giới chứng khoán Amherst Pierpont, “người dân Mỹ đã sẵn sàng bỏ đại dịch lại phía sau”.
Chính phủ và các doanh nghiệp học cách sống chung với dịch
Trên cơ sở tỷ lệ tiêm vaccin cao, các chính phủ và doanh nghiệp phương Tây đang cố gắng điều chỉnh chính sách để thích nghi với tình hình mới. Thay vì áp dụng các biện pháp đóng cửa quyết liệt, Mỹ và các nước châu Âu giờ đây tin rằng họ có thể áp dụng các biện pháp giãn cách một cách có chọn lọc hơn mà vẫn mang lại hiệu quả tương đương.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đã phát triển các mô hình hoạt động mới để thích ứng với dịch bệnh, từ việc sắp xếp vị trí của công nhân hợp lý hơn, tăng thêm ca làm việc, cắt giảm số lượng lao động có mặt tại nhà máy ở cùng một thời điểm, cho tới gia tăng năng suất của những người làm việc tại nhà...
Bà Katrin Sulzmann - phát ngôn viên của Voith Group, nhà sản xuất máy làm giấy và thiết bị thủy điện của Đức, cho biết “giai đoạn này của đại dịch được ứng phó tốt hơn, đơn giản là vì tất cả chúng tôi đã quen với nó”. Voith Group mới đây cho biết, lượng đơn đặt hàng mà hãng nhận được trong giai đoạn sáu tháng tính đến tháng 3-2021, đã tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, và doanh thu cũng đạt mức gần tương đương.
Thiệt hại kinh tế dần sụt giảm sau mỗi làn sóng dịch
Theo Wall Street Journal, mặc dù số ca lây nhiễm mới của biến thể Delta vẫn đang gia tăng tại nhiều quốc gia phương Tây, thiệt hại kinh tế mà chúng gây ra đã ít hơn nhiều so với hồi năm ngoái.
Hồi quí 2-2020, tổng sản phẩm quốc nội của Vương quốc Anh đã giảm tới 56%. Tuy nhiên, trong đợt đóng cửa lần thứ hai hồi tháng 1-2021, nền kinh tế chỉ phải đối mặt với mức suy giảm 6%. Chuyên gia kinh tế Kallum Pickering tại Ngân hàng Berenberg nhận định, các dữ liệu như lượng đặt chỗ tại nhà hàng, số lượt khách đến các cửa hàng, lưu lượng giao thông đường bộ và số lượng vị trí tuyển dụng việc làm cho thấy, “yếu tố sợ hãi” từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp và làm tổn thương nền kinh tế Anh đã không còn cao như trước.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại một nền kinh tế lớn khác là Mỹ. Số ca nhiễm mới tại Mỹ mặc dù đang có dấu hiệu gia tăng, nhưng lại chủ yếu tập trung tại bốn tiểu bang là Florida, Louisiana, Arkansas và Missouri, với khoảng một phần ba số ca nhiễm mới hàng ngày trong những tuần gần đây.
Các tiểu bang này hiện chỉ chiếm chưa tới 9% sản lượng kinh tế Mỹ. Ông Ken Matheny, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit nhận định “phần lớn sự gia tăng các ca nhiễm mới là ở các khu vực không phải đô thị lớn. Giả định của chúng tôi vào thời điểm hiện tại là điều này sẽ không tác động lớn đến tổng sản phẩm quốc nội hoặc hoạt động tiêu dùng, mặc dù nó vẫn được coi là một yếu tố rủi ro”.
Ngay cả khi tình trạng lây nhiễm gia tăng, buộc Chính phủ Mỹ phải áp dụng một các biện pháp hạn chế hoạt động kinh doanh mới, các chuyên gia phân tích cho rằng, tác động kinh tế cũng sẽ hạn chế hơn, khi các doanh nghiệp đã dần tìm ra cách để thích ứng. Hôm thứ Tư tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, ông không nghĩ rằng đợt dịch mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế.
Nguồn: WSJ, Reuters, AP
Xem thêm: lmth.hcid-iov-coud-gnuhc-gnos-nad-yat-gnouhp-et-hnik/201913/nv.semitnogiaseht.www