Cầu Trường Tiền bị khuyết 1 vài kéo dài từ năm 1968 đến 1995 - Ảnh: Doi Kuro chụp năm 1990
Vì vậy, cuộc đại trùng tu lần thứ tư của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với dự án quy mô lớn nhằm sửa chữa và khôi phục cầu Trường Tiền trong bốn năm 1991 - 1995 là sự kiện lịch sử của xứ Huế.
Cầu sập bất cứ lúc nào
Một ngày giữa năm 1990, Bộ GTVT nhận được bản báo cáo khẩn thiết của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở GTVT tỉnh này về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của cầu Trường Tiền, nếu không kịp thời sửa chữa cầu có thể sập bất cứ lúc nào.
Kết quả khảo sát thực trạng cầu Trường Tiền của Sở GTVT Thừa Thiên Huế vào đầu năm 1990, cho biết "toàn bộ cầu từ các trụ, nhịp cầu tạm đến nhịp dầm thép đều bị xuống cấp nghiêm trọng, cầu đã bị võng, khả năng cầu sẽ bị sập, tai nạn xảy đến sẽ không thể lường hết".
Nguy cơ cao nhất chính là ở vị trí bị đánh sập hồi Tết Mậu Thân. Trụ cầu số 3 nằm chính giữa cầu đã đổ sụp được khôi phục tạm bằng một trụ palê thép. Nhịp số 4 đã bị phá hủy hoàn toàn.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định cấm các phương tiện giao thông cơ giới qua cầu từ tháng 9-1990. Hai tháng sau (11-1990), Bộ GTVT đã phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật sửa chữa và khôi phục cầu Trường Tiền.
Các đơn vị thuộc Bộ GTVT được giao thực hiện nhiệm vụ này. Xí nghiệp khảo sát - thiết kế cầu lớn - hầm lo việc thiết kế. Xí nghiệp xây dựng cầu 202 sau đó đổi tên là Công ty cầu 1 Thăng Long lo thi công. Ngày 18-5-1991, công trình khởi công.
Bản thiết kế ban đầu không còn
Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh và nhà nhiếp ảnh Ngô Tuệ là hai người dân Huế theo sát cuộc sửa chữa, khôi phục cầu Trường Tiền trong suốt bốn năm này.
Ông Ngô Tuệ đã chụp hàng chục cuốn phim nhựa, viết hàng chục bài báo, đem cả thước ra để đo đạc chiếc cầu sau khi tu sửa. Trong kho tư liệu của nhà báo nghiệp dư này, tôi đã tìm được bản báo cáo sửa chữa và khôi phục cầu Trường Tiền của Hội đồng nghiệm thu hồi tháng 5-1995, với những thông tin rất giá trị.
Bản báo cáo cho biết kế hoạch ban đầu chỉ sửa chữa năm nhịp dầm thép đang còn tồn tại, theo hình dáng cũ, tận dụng tối đa thép cũ, xây dựng mới trụ số 3 (trụ chính giữa cầu) đã bị đánh bom sụp đổ hoàn toàn, nhưng nhịp số 4 vẫn giữ nguyên nhịp cầu tạm.
Tức là sau khi sửa, cầu Trường Tiền vẫn chỉ có năm vài. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã phải thay đổi, và nhịp cầu số 4 được phục hồi với chiếc vài cầu bằng thép mang từ Pháp sang lắp ráp.
Ký ức về người cha từng làm thợ trùng tu cầu Trường Tiền gần 40 năm trước (1953 - 1954) khiến nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh quan tâm nhiều hơn đến chiếc cầu truân chuyên này.
Ông Vĩnh cho hay vì bản thiết kế ban đầu của cầu Trường Tiền không còn ở Việt Nam, công trình vừa thiết kế vừa thi công, nên đơn vị thiết kế phải thành lập một bộ phận túc trực ngay tại công trường để xử lý những phát sinh.
Ông đã bám sát công trường như một nhân viên giám sát công trình, với mong mỏi chiếc lược ngà sẽ được trả lại cho mái tóc xanh dòng Hương, như câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Bính: "Cầu cong như chiếc lược ngà/Sông dài mái tóc cung nga buông hờ".
Tấm bảng khắc tên sai Tràng Tiền (đúng là Trường Tiền) đến nay chưa thay đổi - Ảnh: M.TỰ
Nối lại nhịp cầu đã gãy
Có lẽ làm một chiếc mới cầu vẫn dễ hơn sửa chữa một chiếc cầu cũ như cầu Trường Tiền? Ngoài việc sửa chữa chiếc cầu hư hại nặng nề, còn phải phục hồi một công trình nghệ thuật đã trở thành di sản văn hóa Huế. Đó là một việc công phu.
Quan sát việc sửa chữa cầu trong suốt bốn năm, qua bao mùa mưa nắng, gian nan nhất là mùa mưa lũ, ông Hồ Vĩnh nhận thấy đơn vị thi công đã nỗ lực hết công sức. Trong đó, công phu nhất là phục hồi nhịp số 4 cùng với hai chiếc vài cầu hình vành lược đã gãy.
Thông qua sự giới thiệu của Đại sứ quán Pháp, Tổng công ty Xây dựng cầu Thăng Long đã mời Tập đoàn Baudin-Chanteauneuf của Pháp cung cấp thép để khôi phục nhịp cầu này theo đúng hình dáng ban đầu của cầu Trường Tiền.
Các thanh thép được chế tạo tại Pháp, sau đó vận chuyển bằng tàu biển đến cảng Đà Nẵng rồi đưa ra Huế lắp ráp. Tuy nhiên, việc này bị chậm trễ nên đến tháng 11-1994 mới về đến Huế.
Thợ Việt Nam lắp ráp dưới sự chỉ huy của kỹ sư Pháp. Ông Vĩnh nói công phu nhất chính là công đoạn tán đinh rivê để liên kết các thanh kim loại, vừa đảm bảo thẩm mỹ cho chiếc cầu.
Những người thợ đã tán 15 vạn chiếc đinh rivê, riêng ở nhịp số 4 này số rivê phải tán lên đến 11 vạn chiếc, thời gian tán mất đến 3 tháng. Đến ngày 26-3-1995, chiếc vài cầu mới lắp ráp đã được đặt vào vị trí nhịp số 4 trong sự hân hoan của cả thợ Việt lẫn kỹ sư Pháp. Riêng hạng mục sơn cầu do Hãng sơn Présiozo (Pháp) cung cấp vật tư.
Niềm vui vẫn chưa trọn vẹn
Sau tròn bốn năm miệt mài thi công, cầu Trường Tiền đã khánh thành vào ngày 19-5-1995. Bộ trưởng Bộ GTVT Bùi Danh Lưu cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cắt băng khánh thành. Đúng 9h sáng, dòng người và xe cộ đã nhộn nhịp trên cầu Trường Tiền sau bốn năm bị cắt đứt giao thông.
Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết chưa bao giờ những người thợ thi công cầu gặp phải một công trình khó như vậy. Đã có 3 người thợ ra đi vĩnh viễn từ công trường này.
Tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 3 tỉ đồng, nhưng khi hoàn tất tổng chi phí lên đến 54 tỉ đồng, trong đó có 7,2 triệu francs Pháp do Chính phủ Pháp cho vay ưu đãi (tương đương 14 tỉ đồng).
Riêng nhịp số 4 làm mới hoàn toàn đã ngốn hết 12 tỉ đồng. Có lẽ, chưa có công trình nào vốn đầu tư lại phát sinh lớn như thế, gấp 18 lần so với dự toán ban đầu.
Người dân cả thành phố Huế đổ ra để ngắm nghía chiếc cầu đã được chữa lành thương tật, đặc biệt cặp vài số 4 sau 27 năm bị khuyết đã được lắp đầy. Nhưng, niềm vui vẫn chưa trọn vẹn bởi chiếc cầu sau khi khôi phục trông vừa lạ vừa quen.
Cái lạ thứ nhất là màu sơn, không phải là màu sơn dụ bạc lấp lánh giữa trời như vốn của cầu, mà đã được phủ lên một màu sơn lam xám nặng nề.
Cái lạ thứ hai là những cái bao lơn vọng cảnh ở đường đi bộ hai bên đã bị cắt bỏ, để làm một cái hành lang thẳng băng. Những cái bao lơn đó không chỉ là nơi đứng ngắm cảnh mà còn là chỗ cho người gánh hàng trở vai cho đỡ mỏi.
Cái lạ thứ ba là hai bên lòng đường được ốp thêm hai đường ống sắt, khiến lòng đường vốn đã hẹp (6,2m) giờ càng hẹp hơn (chỉ còn 5,4m).
Vì vậy, dù đã sửa chữa nâng tải trọng thì cầu Trường Tiền vẫn cấm các loại xe lớn, chỉ xe con bốn chỗ mới được qua cầu.
Cái lạ thứ tư là tên cầu Trường Tiền đã bị đổi thành Tràng Tiền, với hai tấm bảng đồng gắn chặt vào hai đầu công trình cho đến tận hôm nay.
Có lẽ, người viết tên cầu ở Bộ GTVT đã nhầm với địa danh Tràng Tiền ở Hà Nội. Người Huế vui bao nhiêu với chiếc cầu thân thuộc của mình mới được khôi phục thì cũng buồn bấy nhiêu với những thứ xa lạ này!
Món nợ đã trả sau 22 năm
Phải đến 22 năm sau (tháng 10-2017), những khiếm khuyết của lần tu sửa lớn 1991 - 1995 mới được khắc phục từng phần. Sau khi tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu và chính quyền địa phương, Chi cục Quản lý đường bộ II.6 - đơn vị quản lý cầu Trường Tiền - đã phục hồi nhiều hạng mục như vốn có của chiếc cầu.
Trong đó, khôi phục hệ thống lan can với 10 bao lơn vọng cảnh cho người đi bộ dừng chân, ngắm cảnh. Và trả lại đúng tên, không phải là "Tràng Tiền" mà là "Trường Tiền". Vì sao chỉ một chữ "Trường" thôi mà người Huế vẫn quyết đòi, xin đọc bài sau sẽ rõ.
-------------------
Chiếc cầu ấy mang số phận thật truân chuyên. Xây để nối liền hai bờ sông Hương ngăn cách chính phủ Nam triều (ở bờ bắc) với chính phủ bảo hộ Pháp (bờ nam) thì mối mâu thuẫn Pháp - Việt càng gay gắt hơn. Ba lần sụp đổ vì thiên tai và chiến tranh. Bốn lần thay tên đổi họ. Chỉ cái tên cầu thôi cũng đã thấy thăng trầm của lịch sử.
Kỳ cuối: Trường Tiền - sức sống trường cửu
TTO - Từ bao năm nay người Huế và rất nhiều sách báo, từ điển đều viết rằng Eiffel là tác giả cây cầu Trường Tiền nổi tiếng. Vì sao?