Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Danh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2021, được tổ chức sáng 8-8.
Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm COVID-19, đẩy mạnh việc công nhận "hộ chiếu vắc xin" với các nước, xem xét áp dụng chứng chỉ tiêm vắc xin, công khai thông tin đối với người lao động đã tiêm phòng.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, đây là một trong bốn nhóm giải pháp gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Nhóm giải pháp thứ hai là đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt như tổ chức và thực hiện "luồng xanh" hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất. Nghiên cứu đề xuất quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch COVID-19, ứng dụng công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại của các phương tiện và người lao động.
Nhóm thứ ba là hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp như cắt giảm phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá điện, hỗ trợ tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ, giảm lãi suất cho các khoản vay; hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với giá trị khoảng 20.000 tỉ đồng và giảm tiền thuê đất khoảng 700 tỉ đồng.
Nhóm thứ tư là gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động và tạo thuận lợi cho tiếp nhận chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc.
Cũng theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với 8 nhóm khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Thứ nhất là tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển quan trọng như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải thời gian qua phản ánh tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh chứ không phải tắc nghẽn do hạ tầng hay do điều hành giao thông.
Thứ hai, doanh thu doanh nghiệp giảm mạnh trên diện rộng, trong đó ngành du lịch không phát sinh doanh thu, nhà hàng, khách sạn bị tê liệt đặc biệt từ tháng 4 năm 2021 trở lại đây, doanh thu ngành hàng không những tháng đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Thứ ba, dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động.
Thứ tư là phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như chi phí xét nghiệm; chi phí đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh cũng đang làm khó doanh nghiệp.
Thứ năm, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Thứ sáu, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý. Hậu quả là các doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng, nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Thứ bảy, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tìm kiếm nguồn lao động trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử… Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn với vấn đề nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Thứ tám là nhóm khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cho biết điều kiện của một số chính sách còn khá chặt chẽ, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.
Trong kiến nghị gửi tới Thủ tướng tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp đều nhấn mạnh vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc. "Đây là điều cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhất từ các cơ quan chính quyền" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp suy giảm mạnh do dịch bệnh. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7-2021 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,8%, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Xem thêm: mth.59675151180801202-peihgn-gnoc-uhk-muc-gnort-nahn-gnoc-ohc-nix-cav-neit-uu/nv.ertiout