Bức tranh lợi nhuận quí 2 khả quan, thách thức dồn về nửa cuối năm
Triêu Dương
(KTSG) - Tính đến cuối tháng 7, hạn cuối công bố báo cáo tài chính quí 2, đã có xấp xỉ 610 trong tổng số hơn 763 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX công bố kết quả kinh doanh quí 2- 2021. Sơ bộ cho thấy đa số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó không ít doanh nghiệp thậm chí đã sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay.
VHM là cái tên quen thuộc trong tốp 10 doanh nghiệp báo lãi lới trong quí 2-2020. Ảnh: H.P |
Lợi nhuận vẫn khả quan
Thống kê cho thấy có hơn 540 doanh nghiệp báo lãi trong quí 2, trong đó có 90 doanh nghiệp lãi từ 100 tỉ đồng trở lên. Tốp 10 doanh nghiệp lớn nhất (ghi theo mã cổ phiếu) vẫn là những tên tuổi quen thuộc như VHM và HPG xếp ở hai vị trí đầu, VNM thứ 7 và GAS thứ 10; sáu doanh nghiệp còn lại đều là các ngân hàng gồm TCB, VPB, VCB, BID, MBB, ACB. Đáng lưu ý là TCB và VPB đã bất ngờ vượt qua VCB về con số lãi ròng đạt được trong quí 2 vừa qua.
Ngoài ra, bất chấp dịch bệnh bùng phát trong hai tháng cuối quí 2 gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại bị chững lại, bên cạnh những doanh nghiệp báo lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm, vẫn có đến hơn 350 doanh nghiệp công bố lợi nhuận có sự tăng tăng trưởng so với cùng kỳ.
Trong đó, gần 170 doanh nghiệp có lợi nhuận quí 2 tăng trưởng từ 100% trở lên so với cùng kỳ, thậm chí có những doanh nghiệp chứng kiến mức tăng tính bằng lần, như Công ty cổ phần (CTCP) Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) lãi 135 tỉ đồng, tăng gấp 6,5 lần; CTCP Thép Nam Kim (NKG) lãi 848 tỉ đồng, gấp 4,8 lần; CTCP tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) lãi 66 tỉ đồng, gấp 3,4 lần; Sợi Thế kỷ (STK) lãi 71 tỉ đồng, gấp 2,4 lần.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khó lòng tiếp tục được duy trì trong bối cảnh dịch bệnh đang lan quá rộng và quá nhanh. Một số doanh nghiệp gần đây tuy áp dụng chính sách “ba tại chỗ”, nhưng nhiều công nhân vẫn nhiễm bệnh, buộc doanh nghiệp phải ngừng áp dụng chính sách này đồng thời phải tạm ngưng hoạt động sản xuất. |
Điều này có lẽ là do mức nền thấp của cùng kỳ năm 2020, thời điểm dịch bệnh tuy mới chỉ bùng phát nhưng đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm chính sách giãn cách xã hội chặt chẽ trên toàn quốc khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngược lại, trong hai tháng cuối quí 2 vừa qua, tuy chính sách giãn cách xã hội được triển khai tại nhiều địa phương, nhưng các cơ quan quản lý vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đang trong lộ trình phục hồi tích cực.
Ngoài ra, việc giá nhiều loại hàng hóa liên tục đi lên trong một năm qua tạo điều kiện cho không ít doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay liên tục đi xuống cũng giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí tài chính đáng kể so với giai đoạn trước, cộng thêm những chính sách hỗ trợ về miễn, giảm các loại thuế, phí,…
Đáng chú ý là một số doanh nghiệp thậm chí đã sớm hoàn thành kế hoạch năm, đơn cử như CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) mới sáu tháng đã lãi 855 tỉ đồng và vượt 139% kế hoạch lợi nhuận năm nay; CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) báo lãi sau thuế 747 tỉ đồng, vượt 149% kế hoạch năm; CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) lãi 430 tỉ đồng, vượt 106% kế hoạch năm; CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An lãi 183 tỉ, vượt 116% kế hoạch năm.
Thách thức cuối năm
Dù vậy, bên cạnh một số cổ phiếu đã tăng mạnh và thu hút dòng tiền sau công bố lợi nhuận của doanh nghiệp, vẫn có những cổ phiếu đang đi ngang khi nhà đầu tư tiếp tục thận trọng. Diễn biến này cũng không có gì khó hiểu, khi kỳ vọng kết quả quí 2 dường như đã được phản ánh vào sóng tăng của cổ phiếu trước đó, đặc biệt là ở các nhóm ngành được dự báo trước như ngân hàng, chứng khoán hay thép.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI gần đây cũng cho rằng thông tin kết quả kinh doanh quí 2 đã được phản ánh một phần vào giá cổ phiếu, do đó nhà đầu tư cần quản trị rủi ro chặt chẽ do thị trường cần thời gian để phản ánh một số yếu tố như: (1) tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại trong nửa cuối năm 2021 do không còn hiệu ứng cơ sở so sánh thấp so với cùng kỳ; (2) lo ngại về lạm phát; (3) diễn biến dịch bệnh phức tạp (nếu diễn ra kịch bản xấu).
Trên thực tế, những thách thức cho kết quả kinh doanh sáu tháng cuối năm của các doanh nghiệp đang dần lộ rõ hơn. Thực trạng vừa qua cho thấy dịch bệnh khó lòng kết thúc sớm chừng nào mà việc tiêm chủng vaccin chưa hoàn thành để đạt miễn dịch cộng đồng, do đó chính sách giãn cách xã hội vẫn đang được kéo dài và ngày càng mở rộng tại nhiều địa phương.
Đáng lo ngại là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khó lòng tiếp tục được duy trì trong bối cảnh dịch bệnh đang lan quá rộng và quá nhanh với chủng Delta như hiện nay. Một số doanh nghiệp gần đây tuy áp dụng chính sách “ba tại chỗ” (làm việc, ăn, nghỉ tại doanh nghiệp), nhưng những bất cập đang dần xuất hiện khi dịch bệnh vẫn len lỏi vào khiến nhiều công nhân nhiễm bệnh, buộc doanh nghiệp phải ngừng áp dụng chính sách này đồng thời phải tạm ngưng hoạt động sản xuất.
Đó là chưa nói đến việc chính sách “ba tại chỗ” đẩy chi phí vận hành của nhiều doanh nghiệp gia tăng quá mạnh khiến doanh nghiệp gần như kiệt sức với các gánh nặng chi phí, khi phải lo chỗ ăn, chỗ ở cho toàn bộ công nhân và các chi phí phòng ngừa lây nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, một số nền kinh tế lớn dù đã đạt tỷ lệ tiêm chủng toàn dân khá cao, nhưng vẫn đang đau đầu chứng kiến dịch bệnh quay lại với các biến chủng mới, mà có thể đe dọa trở lại sự phục hồi của nền kinh tế cũng như hoạt động thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Một số nhóm ngành cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức đặc thù riêng. Ví dụ như ngành ngân hàng trong thời gian còn lại của năm nay sẽ đứng trước bài toán biên lãi ròng có thể thu hẹp nhanh hơn khi buộc phải giảm lãi suất cho vay mạnh hơn kể từ tháng 7, trong khi lãi suất huy động đầu vào đang đứng trước áp lực tăng trở lại, cộng thêm việc phải trích dự phòng rủi ro tín dụng tối thiểu 30% đối với nợ tái cơ cấu.
Dù quí cuối năm cũng thường là giai đoạn cao điểm các ngân hàng sẽ mạnh tay trích lập chi phí dự phòng, nhưng áp lực này thậm chí đã sớm xuất hiện ngay từ quí 2. Như VietinBank sau quí 1 ghi nhận lãi tăng mạnh thì mới đây chứng kiến lãi quí 2 giảm đến 38% so với cùng kỳ, chỉ còn lãi sau thuế hơn 2.200 tỉ đồng, trong đó nguyên nhân chính là phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 7.100 tỉ đồng trong quí 2, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Hay như Vietcombank cũng chứng kiến lãi sau thuế quí 2 giảm 14% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 74% so với cùng kỳ, lên 3.225 tỉ đồng.
Hay như nhóm doanh nghiệp đang hưởng lợi từ sự bùng nổ của giá các loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu toàn cầu, rủi ro suy giảm cũng có thể xuất hiện trong nửa cuối năm khi giá các mặt hàng này bước vào chu kỳ điều chỉnh trở lại, đơn cử như các sản phẩm sắt thép, kim loại… Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang có động thái sớm thắt chặt chính sách trở lại để kiềm chế lạm phát, giá các mặt hàng này có lẽ sẽ là những nạn nhân đầu tiên rất dễ bị tổn thương.
Xem thêm: lmth.man-iouc-aun-ev-nod-cuht-hcaht-nauq-ahk-2-iuq-nauhn-iol-hnart-cub/370913/nv.semitnogiaseht.www