vĐồng tin tức tài chính 365

Thông tin mạng dưới nhãn quan luân lý và pháp luật

2021-08-08 15:41

Thông tin mạng dưới nhãn quan luân lý và pháp luật

LS. Lê Quang Vy(*)

(KTSG) - Tin giả gặp thời mạng xã hội phổ biến toàn cầu như cá gặp nước. Tình trạng tin giả gây bất ổn trong xã hội ở Việt Nam còn hiển hiện với nhiều dạng, như bịa đặt, nói xấu, chửi bới, lăng mạ, vu khống, bắt nạt... Chúng không chỉ làm tổn hại đến uy tín danh dự của tổ chức, nhân phẩm của cá nhân mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục.

Luân lý, đạo lý nào cho phép?

Cũng như pháp luật, luân lý cũng là một khoa học quy chuẩn nêu lên những chuẩn mực phải được áp dụng nhằm tránh những bất ổn trong xã hội. Luân lý luôn có mục đích cao xa hơn, vì muốn hướng đến một hình mẫu lý tưởng cho con người về lòng nhân ái, đức từ bi như kinh Phật dạy ta “nên làm điều thiện, đối với những kẻ hại ta thì hãy lấy tình thương đáp lại thù hận” hay trong Thánh kinh Thiên Chúa thì chỉ bảo “hãy giơ má trái cho kẻ đã tát ta má mặt”.

Thật vậy, phạm vi của luân lý rộng hơn phạm vi của pháp luật bởi nó bao quát cả luân lý tôn giáo. Theo đó, bổn phận của con người đối với đấng tạo hóa và luân lý cá nhân chính là phải có bổn phận với chính mình, với luân lý xã hội và các thành phần trong xã hội.

Học giả Bentham (Anh) đã so sánh phạm vi của pháp luật và luân lý với hai hình tròn đồng tâm nhưng khác đường kính, trong đó vòng tròn nhỏ là biểu tượng phạm vi áp dụng của pháp luật và vòng tròn lớn là biểu tượng phạm vi áp dụng của luân lý. Như vậy, về phương diện luân lý xét ở khía cạnh cá nhân và xã hội thì con người phải có bổn phận trách nhiệm với chính bản thân mình và với những thành viên trong xã hội.

Đạo lý không cho phép bất kỳ ai vượt trên quy chuẩn luân lý, hại người để rồi tự hại chính mình. Điều đó có nghĩa rằng luân lý và đạo lý không cho phép bất kỳ ai được quyền bịa đặt, vu khống, lăng mạ, ức hiếp người khác bất luận là lời nói hay hành động.

Con người luôn sống trước khi suy nghĩ và hành động trước khi xem xét tại sao, vì vậy luân lý xuất hiện khi con người suy nghĩ và xem xét về hành động của mình để phân biệt phải trái trong mọi việc để sửa đổi hành vi, thái độ. Tuy rằng luân lý không có những chế tài như pháp luật, song chế tài cao nhất của luân lý chính là lương tâm, là đạo lý làm người mà không ai không bị cắn rứt một khi phạm phải.

Luân lý nhằm mục đích hướng con người đến điều thiện một cách triệt để, nó có tính cách bắt buộc và chi phối ngay cả với những tư tưởng thầm kín nhất của con người.

Chính vì lẽ đó, trước khi chia sẻ bất cứ thông tin gì, cần phải kiểm chứng xem thông tin mình đưa ra liệu đã đầy đủ và chính xác hay chưa? Liệu điều mình chia sẻ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, có phù hợp với đạo lý hay không? Luân lý có cho phép mình làm điều ấy hay không? Bởi theo một lẽ thông thường, những hành vi đi ngược lại với luân lý bị gọi là đồi phong bại tục, trong khi những hành vi không đếm xỉa đến luân lý thì bị gọi là phi luân lý.

Đạo lý không cho phép bất kỳ ai vượt trên quy chuẩn luân lý, hại người để rồi tự hại chính mình. Điều đó có nghĩa rằng luân lý và đạo lý không cho phép bất kỳ ai được quyền bịa đặt, vu khống, lăng mạ, ức hiếp người khác bất luận là lời nói hay hành động.

Điều chỉnh theo nhịp đập xã hội

Theo điều 2.3 Luật An ninh mạng 2018, “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.

Do không bị giới hạn bởi không gian và thời gian nên môi trường hoạt động của không gian mạng rất rộng lớn, vì thế nó được xem như trong môi trường công cộng mà ở nơi đó mỗi chủ thể có địa chỉ trên mạng xã hội đều được xem là đang hiện diện trên môi trường công cộng, mọi hành vi, ứng xử của mỗi chủ thể đều được mọi người nhận biết. Vậy nên, mỗi chủ thể đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình nếu gây ra thiệt hại cho cá nhân và tổ chức khác.

Xã hội luôn sống động, vì thế luật pháp cũng phải được điều chỉnh để theo kịp nhịp đập của xã hội. Hiện nay, để điều chỉnh kịp thời các hành vi ứng xử trên mạng xã hội, Việt Nam đã ban hành Luật An toàn Thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng 2018.

Quyền được bảo vệ danh dự, uy tín nhân phẩm của con người là một nguyên tắc hiến định, các quyền này đã được Bộ luật Dân sự cụ thể hóa. Theo đó, mỗi cá nhân đều được luật pháp bảo hộ quyền nhân thân của mình từ họ tên, hình ảnh, danh dự, uy tín, nhân phẩm, không ai được quyền xúc phạm đến quyền nhân thân của người khác bất luận dưới hình thức nào.

Trên môi trường không gian mạng, Luật An ninh mạng nghiêm cấm (i) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; (ii) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (điểm d và đ khoản 1 điều 8).

Các hành vi vi phạm này sẽ bị chế tài hành chính với mức phạt từ 10-20 triệu đồng theo khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ. Trường hợp người vi phạm gây thiệt hại đến quyền lợi tinh thần và vật chất còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, đối với các hành vi chia sẻ trên mạng xã hội để lăng mạ, chửi bới, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị xử lý hình sự với tội danh “Làm nhục người khác” hoặc “Vu khống” theo điều 155 và 156 Bộ luật Hình sự 2015.

Tôn trọng lẽ phải và pháp luật

Tục ngữ Việt Nam có câu “khó mà biết lẽ biết trời - biết ăn biết ở hơn người giàu sang”, đã chứa đựng đầy đủ nhân sinh quan, dạy cho con người cách ứng xử trong cuộc sống: biết lẽ phải để làm, biết cách sống để được mọi người yêu quý. Ngay trong cổ luật Việt Nam, dù rằng thời ấy chưa có khái niệm “trật tự công cộng” và “thuần phong mỹ tục”, cũng đã có một ý niệm tương tự: “bất ưng vi” - nghĩa là những điều không nên làm.

Điều 642 Quốc triều hình luật của nhà Lê quy định “làm những việc không nên làm thì việc lớn phải đồ hay lưu, việc nhỏ phải tội biếm hay phạt”. Hay trong bộ Luật Gia Long của triều Nguyễn cũng có quy định tại điều 354 “phàm những việc không nên làm mà làm thì bị phạt 40 roi, việc trọng thì phạt 80 trượng”. 

Luân lý, đạo lý đã chỉ ra, luật pháp đã răn đe, chế tài. Vậy hơn ai hết chính mỗi chủ thể trong cộng đồng mạng phải tự biết điều chỉnh mình, đừng làm điều gì trái với đạo lý, với pháp luật để rồi tâm trạng bị lương tâm tự vấn và thân trạng thì lao vào vòng xoáy của pháp luật.

(*)Công ty Luật GV Lawyers

Xem thêm: lmth.taul-pahp-av-yl-naul-nauq-nahn-ioud-gnam-nit-gnoht/890913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thông tin mạng dưới nhãn quan luân lý và pháp luật”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools