Giới chuyên gia kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh chiến lược phòng chống Covid-19
Khánh Lan
(KTSG Online) - Các chuyến gia y tế ở Trung Quốc kêu gọi chính phủ nước này điều chỉnh chiến lược hạn chế tuyệt đối số ca nhiễm Covid-19 dù biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh ở đất nước đông dân nhất thế giới.
Họ cũng đề nghị chính phủ học hỏi kinh nghiệm của các nước khác để sớm tái mở cửa đất nước, đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc tiến gần đến Thế vận hội Mùa đông 2022 tô chức ở Bắc Kinh vào đầu năm sau.
Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu dịch xét nghiệm Covid-19 ở TP. Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 3-8. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến do hãng công nghệ Baidu tổ chức vào hôm 6-8, ông Liu Guoen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế y tế Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng rất khó để Trung Quốc đưa số ca nhiễm Covid-19 về zero giữa lúc biến thể Delta đang lây lan với tốc độ nhanh. Ông nhấn mạnh cần tiến hành “một cuộc thảo luận nghiêm túc và có hệ thống” để quyết liệu liệu có nên điều chỉnh và tối ưu hóa chiến lược kiểm soát số ca nhiễm Covid-19 đến mức tuyệt đối hiện tại hay không.
Tiến sĩ Zeng Guang, trưởng nhóm dịch tễ học ở Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), cũng nhất trí cho rằng cần phải có những thay đổi để xây dựng miễn dịch cộng đồng vững chắc hơn và hướng đến chấm dứt cách tiếp cận hạn chế số ca nhiễm về zero.
Ông nói: “Phần lớn là các ca nhiễm trong đợt bùng phát Covid-19 lần nay của Trung Quốc chỉ có các triệu chứng nhẹ và điều này lẽ ra không nên gây ra quá nhiều hoảng sợ và áp lực. Nhìn ra toàn thể thế giới, việc đẩy lùi số ca nhiễm về zero là điều hoàn toàn không thể và các nước cũng sẽ không đợi đến lúc không còn ca nhiễm nào, rồi mới tái mở cửa biên giới”.
Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong nhiều tháng, do sự xuất hiện của biến thể Delta, sau khi một ổ dịch xuất hiện tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh ở TP. Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 20 -7. Hiện biến thể Delta đã lan ra ít nhất 17 tỉnh của Trung Quốc với khoảng 40 thành phố bị ảnh hưởng, bao gồm cả Vũ Hán, nơi lần đầu tiên Covid-19 được phát hiện vào cuối năm 2019 và Trịnh Châu, thành phố đang phục hồi sau trận lũ lụt hồi tháng trước, cũng như thủ đô Bắc Kinh.
Cho đến nay, số ca nhiễm trong đợt dịch này ở Trung Quốc tương đối thấp, khoảng hơn 600 ca trên tổng dân số 1,4 tỉ người và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo. Song giới chức trách đã ra lệnh hàng chục triệu người đi xét nghiệm, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại gắt gao để kiểm soát dịch bệnh.
Những biện pháp này đã giúp Trung Quốc đưa số ca nhiễm trong cộng đồng về zero chỉ trong vài tháng sau khi dịch bệnh bùng lên ở Vũ Hán vào năm ngoái và góp phần giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020 ở mức 2,3%.
Nhưng ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại cho rằng chiến lược hạn chế tuyệt đối số ca nhiễm Covid-19 có thể bắt đầu gây ra tổn thất kinh tế hơn là lợi ích, đặc biệt là khi các nước khác hướng tới tầm nhìn sống chung với dịch bệnh. Những lo ngại đó khiến các ngân hàng đầu tư bao gồm Nomura và Goldman Sachs cắt giảm hoặc báo hiệu rằng họ có thể cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Nhà dịch tễ học Zeng Guang của CCDC cho biết cần có thêm nhiều người tiêm vaccine Covid-19 vì việc phủ rộng tiêm chủng vẫn là chìa khóa để điều chỉnh các biện pháp kiểm soát đại dịch. Ông cũng kêu gọi phát triển các loại vaccine Covid-19 mới.
Ông cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ mở lại biên giới như các nước khác đang làm, nhưng điều quan trọng là phải đạt được sự đồng thuận về thời điểm an toàn để làm như vậy.
Ông nói: “Chúng ta cũng nên học hỏi kinh nghiệm của các nước như Anh, Israel và Singapore… để xem mức độ số ca nhiễm tăng trở lại như thế nào (sau khi họ nới lỏng kiểm soát biên giới) và liệu tình hình dịch bệnh của họ có cải thiện hay không cũng như liệu công chúng có ủng hộ tái mở cửa biên giới hay không”.
Ông nói rằng điều này rất quan trọng trước thềm Thế vận hội Mùa đông 2022, sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào 2 năm sau, thời điểm mà Trung Quốc có thể cần phải thực hiện một cách tiếp cận khác để kiểm soát dịch bệnh.
Theo South China Morning Post