Càng sớm đưa các trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 vào hoạt động càng mở ra nhiều cơ hội trong điều trị, chăm sóc, bảo vệ cho người bệnh.
COVID-19 - “kẻ thù vô hình” đặt TPHCM nói riêng và cả nước nói chung vào tình trạng khẩn cấp như thời chiến với những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế nghiêm trọng. Có lẽ chưa bao giờ nỗi sợ mang tên dịch bệnh lên đến đỉnh điểm tới vậy.
Hiện nay, dịch đã bùng phát trên diện rộng, có quy mô lớn và tính chất phức tạp, nhiều nguồn lây, ổ dịch, nhiều biến chủng, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng và tử vong so với 3 đợt dịch trước, kéo theo đó là bao nỗi vất vả của đội ngũ y tế đang chiến đấu ngày đêm để giành giật sự sống cho người bệnh. Đứng trước tình cảnh này, nhiều biện pháp cấp bách đã gấp rút được triển khai.
Chiều 7.8, UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Y tế tổ chức lễ khánh thành 3 Trung tâm hồi sức tích cực trực thuộc sự quản lý của 3 bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy Viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng– Chủ Tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. HCM Nguyễn Thành Phong; PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ y tế - Trưởng Bộ phận thường trực chống dịch COVID-19 của Bộ y tế tại TP. HCM
3 trung tâm hồi sức tích cực này có quy mô 1.500 giường, trong đó có Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. HCM được đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú do Tập đoàn Novaland bàn giao, với diện tích 12.300 m2 và 500 giường bệnh có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trong khu vực. Đây cũng là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại TP.HCM.
Đại diện UBND TP HCM cho biết thành phố đã phối hợp cùng Bộ Y tế, huy động 2.000 công nhân làm việc ngày đêm để hoàn thành các trung tâm hồi sức cấp cứu chỉ trong vòng một tuần. Việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức cùng với sự vận hành của các y bác sĩ đầu ngành, thiết bị hiện đại đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị các ca F0 trên địa bàn, cũng như phát huy vai trò của các bệnh viện mô hình điều trị 5 tầng của thành phố. Trong đó, ICU là tuyến cuối trong mô hình này.
Thành phố cũng ghi nhận sự đóng góp sức người, sức của của các doanh nghiệp trong việc hoàn thành các các bệnh viện dã chiến và trung tâm hồi sức theo đúng tiến độ đã đề ra.
“Chúng tôi rất cảm ơn & cảm kích trước sự chuẩn bị và vào cuộc hết sức kịp thời của các Doanh Nghiệp trong đó có Tập đoàn Novaland, vì đã nhanh chóng lựa chọn các vị trí địa điểm cần thiết để có thể xây dựng Trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện dã chiến số 14, giúp cho ngành Y tế chúng tôi có thêm 1 vũ khí hết sức quan trọng đó là những hệ thống hiện đại, tiên tiến phục vụ cho công tác chăm sóc, điều trị các bệnh nhân nặng, các bệnh nhân nguy kịch cho COVID-19” – ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ y tế - Trưởng Bộ phận thường trực chống dịch COVID-19 của Bộ y tế tại TP. HCM phát biểu tại buổi lễ.
Trung tuần tháng 7, Tập đoàn cũng đã bàn giao khu căn hộ tái định cư phường An Khánh, quận 2 để sử dụng thành bệnh viện dã chiến số 10 với sức chứa khoảng 3.000 giường bệnh, nhằm tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất cho ngành y tế.
Tính từ cuối tháng 6 đến nay, TP HCM có 15 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và 42 bệnh viện, cơ sở điều trị đưa vào hoạt động, tổng quy mô gần 45.000 giường.
Xem thêm: odl.297939-mchpt-ohc-gnov-ih-meht-cuc-hcit-cus-ioh-mat-gnurt-meht/et-hnik/nv.gnodoal