Ozone là một lớp khí quan trọng đối với Trái đất và bản thân loài người. Nó bảo vệ chúng ta khỏi các bức xạ hủy diệt từ Mặt trời.
Nhưng đó là câu chuyện ở tầng bình lưu. Khi ở dưới tầng thấp hơn, câu chuyện lại diễn ra theo hướng khác. Được biết, ozone trên bề mặt Trái đất là nguyên nhân gây ra 365.000 cái chết vào năm 2019, bởi nó tấn công phổi của những người dễ tổn thương như trẻ em và người có tiền sử hen suyễn. Tương tự, ozone tầng thấp có thể hủy hoại khả năng quang hợp của cây cối, khiến chúng chậm phát triển và ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp. Đặc biệt là ở tầng đối lưu, nó còn đóng vai trò là một loại khí nhà kính cường độ mạnh, góp phần khiến Trái đất nóng lên.
Tuy vậy, câu chuyện ozone đang có chuyển biến tích cực hơn, dù điều đáng buồn là nó đến từ đại dịch Covid-19. Theo một nghiên cứu từ NASA, khi đại dịch khiến cho giao thương toàn cầu bị đình trệ vào năm 2020, lượng khí thải nhóm nitrogen oxide (viết chung là NOx) - một loại khí dùng để tạo ra ozone nhưng gây nguy hiểm cho khí hậu và sức khỏe con người - đã giảm đi tới 15% trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, mức giảm cục bộ ở một số khu vực còn lên tới 50%.
Khi NOx giảm xuống, tính đến tháng 6/2020, nồng độ ozone toàn cầu đã hạ xuống mức mà các nhà hoạch định cho rằng phải cần đến 15 năm để đạt được với các chính sách hiện nay.
Nghiên cứu cũng cho thấy những tiến bộ công nghệ và các giải pháp nhằm giảm thiểu lượng khí thải NOx có tiềm năng cải thiện chất lượng không khí cho con người.
Được biết khi nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới bước vào phong tỏa, các nhà khoa học nhận thấy một cơ hội không thể tốt hơn để tìm hiểu hành động của con người gây ảnh hưởng thế nào đến thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu. Từ đây, nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà khoa học Kazuyuki Miyazaki đứng đầu đã nhắm đến 2 loại oxide phổ biến nhất của nitrogen: NO và NO2.
Một chuỗi các sự kiện, bao gồm giảm được lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch, đã giúp làm giảm khí NOx thải ra, và cuối cùng giảm được ô nhiễm ozone ở tầng đối lưu. Ví dụ, quy định giãn cách tại nhà của Trung Quốc hồi đầu tháng 2/2020 đã giúp làm giảm 50% lượng khí NOx ở nhiều thành phố. Còn tại Mỹ, mức giảm là 25% khi kết thúc mùa xuân năm ngoái.
Các lệnh phong tỏa trên thực tế vô tình đã giúp chất lượng không khí ở nhiều nơi trên thế giới được cải thiện mạnh
Tổng cộng, lượng NOx giảm đi đã khiến ozone toàn cầu giảm được 2% - tương đương phân nửa thành quả của những quy định ngặt nghèo nhất để kiểm soát loại khí này từ IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu).
Nhưng việc giảm ozone liệu có tốt - đây chắc hẳn là câu hỏi nhiều người đang thắc mắc. Trên thực tế, phản ứng biến NOx thành ozone cần đến ánh sáng Mặt trời và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa - bao gồm khí hậu và các hóa chất có trong không khí. Các phản ứng diễn ra theo nhiều cách khác nhau, nên việc giảm NOx thực chất có thể khiến ozone tầng cao tăng thêm. Các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán được ozone sản sinh ra từ riêng khí thải NOx, nên sẽ cần đến những phân tích sâu hơn sau đó.
Để có được thành quả này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ đo lường từ 5 vệ tinh của NASA và ESA.