Đội ngũ y, bác sĩ các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế chi viện cho TP.HCM phòng chống dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG
Lúc 6h ngày 9-8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.155 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 5.140 ca ghi nhận trong nước, gồm tại TP.HCM (2.349 ca), Bình Dương (1.725), Long An (287), Đồng Nai (183), Bà Rịa - Vũng Tàu (177),
Tây Ninh (157), Vĩnh Long (57), An Giang (37), Phú Yên (31), Cần Thơ (27), Kiên Giang (19), Đồng Tháp (18), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (15), Gia Lai (14), Đắk Nông (14), Hải Dương (5), Hà Nội (4), Lào Cai (1), Sơn La (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1), trong đó có 786 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 9-8, Việt Nam có 215.560 ca nhiễm, trong đó có 2.360 ca nhập cảnh và 213.200 ca nhiễm trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 211.630 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Tiêm vắc xin nhiều nhất
Trong ngày 8-8 có trên 514.500 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 9.405.820 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 8.460.010 liều, tiêm mũi 2 là gần 945.810 liều. Ngày 8-8 là một trong 2 ngày có số người được tiêm chủng nhiều nhất kể từ tháng 3-2021, khi Việt Nam bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Bộ Y tế vừa có công văn hoả tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành, Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực.
Bộ Y tế cũng có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành, Y tế các bộ, ngành yêu cầu tăng cường sử dụng Telehealth (chăm sóc sức khỏe từ xa) trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngày 8-8, Bộ Y tế tiến hành phân bổ lô thuốc Remdesivir (đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, thở máy/ECMO…) đầu tiên, với 10.000 lọ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Toàn bộ lô thuốc vừa về TP.HCM và các lô tiếp theo sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP. HCM và các tỉnh phía Nam, nhằm sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nơi đang có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng. Nếu tình huống các tỉnh khác cần sẽ điều chỉnh sau.
Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức và Bệnh viện điều trị COVID-19 Nguyễn Trãi tham gia vào hệ thống phân tầng điều trị COVID-19 tại TP.HCM. Từ cuối tháng 6-2021, TP.HCM đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, đến nay đã có 15 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và 42 bệnh viện, cơ sở được thiết lập trên địa bàn.
Áp dụng biện pháp tiên tiến điều trị bệnh nhân nặng
Tại Bệnh viện Dã chiến số 16 TP.HCM, nơi đặt trụ sở của Trung tâm Hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chủ trì, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết Trung tâm có gần 3000 giường, trong đó cs 500 giường hồi sức cho bệnh nhân nặng.
Đến nay, hệ thống oxy khí nén và hút trung tâm đủ tiêu chuẩn đáp ứng 542 giường hồi sức, hệ thống camera trung tâm đáp ứng theo dõi bệnh nhân, thiết bị 24/7 kết nối với Trung tâm giám sát và điều hành, giảm gánh nặng cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Tại đây cũng có 3 xe Xquang di động để phục vụ bệnh nhân, đồng thời triển khai các kỹ thuật hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân thở máy, thở oxy dòng cao và nhiều ký thuật khác. Công tác phòng chống nhiễm khuẩn được nâng cao phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế.
TTO - Bộ Y tế cho biết ngày 8-8 bắt đầu phân bổ lô thuốc Remdesivir đầu tiên 10.000 lọ cho khoảng 8-10 bệnh viện ở TP.HCM để đưa vào sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19.