Bà Zuly Gomez khen ngợi cậu con trai 13 tuổi mới tiêm mũi vắc xin Pfizer đầu tiên ở Torrance (bang California) ngày 7-7 - Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Đầu tháng 8-2021, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo biến thể Delta đã chiếm 93% số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ.
Số ca nhập viện và tử vong cũng tăng ở hầu hết các bang.
Nếu tính theo thống kê tuần, số ca nhiễm bình quân vào ngày 22- 6 đã giảm còn khoảng 11.000 ca thì đến ngày 3-8 tăng lên hơn 85.000 ca.
Tình hình ở Mỹ có giảm được?
Tại Anh và Ấn Độ, số ca COVID-19 đã giảm dù biến thể Delta từng hoành hành dữ dội.
Tại Ấn Độ, số ca nhiễm đạt đỉnh hơn 400.000 ca/ ngày vào tháng 5-2021 thì đến ngày 2-8 đã giảm còn 30.500 ca/ ngày.
Số ca nhiễm tại Anh ngày 3-8 đã giảm còn 7.467 ca so với hơn 46.800 ca hôm 19-7.
Liệu biến thể Delta ở Mỹ sẽ tăng nhanh và giảm nhanh như ở Anh và Ấn Độ hay không?
Trang web y học Medscape đã tổng hợp năm dự báo của các chuyên gia.
* Giữa tháng 8-2021: Dự báo lạc quan nhất thuộc về bác sĩ Scott Gottlieb - cựu giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ.
Hôm 28-7, ông nhận xét số ca COVID-19 sẽ giảm trong 2-3 tuần nữa, tức tới ngày 11-8.
* Từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9-2021: TS Ali Mokdad ở Đại học Washington cho rằng số ca COVID-19 sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 8 rồi sau đó sẽ giảm.
Ông đánh giá dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.
Dự báo nêu số ca COVID-19 tử vong sẽ đạt đỉnh khoảng 1.000 ca/ ngày vào giữa tháng 9-2021 và sau đó sẽ giảm (tính đến ngày 3-8, số ca tử vong bình quân 371 ca/ ngày).
* Trong tháng 9-2021: GS.BS Eric Topol - phó chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu Scripps, phát biểu: "Tôi hy vọng đến tháng 9-2021, chúng ta sẽ vượt qua thử thách biến thể Delta này".
* Giữa tháng 10-2021: Các chuyên gia tại Trung tâm Mô hình hóa kịch bản COVID-19 khẳng định số ca nhiễm sẽ tăng đều suốt mùa hè và mùa thu và đạt đỉnh vào giữa tháng 10.
* Chưa rõ ràng: TS Amesh Adalja tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins nhận xét do số ca nhiễm được thống kê còn thấp, do vậy số ca nhiễm chỉ giảm khi "nhiều người bị nhiễm hơn và khả năng miễn dịch tự nhiên phát triển".
Các con số trong ảnh chỉ các vị trí đột biến chính của biến thể Delta (màu đỏ). Biến thể đang bám vào một thụ thể trên tế bào người (màu xanh) - Ảnh: SCIENCE
Vắc xin, hành vi cá nhân và chính sách công
Các chuyên gia đều nhất trí nếu phạm vi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mở rộng, các dự báo có thể thay đổi.
Theo CDC Hoa Kỳ, tính đến ngày 3-8 đã có 49,7% dân số Mỹ liên quan được tiêm vắc xin đầy đủ (80,1% số người từ 65 tuổi trở lên).
TS Ali Mokdad ước tính đến ngày 1-11 tới, có 64% dân số sẽ miễn dịch với virus chủng Delta bao gồm số người mắc COVID-19 đã bình phục và số người đã tiêm vắc xin.
Tỉ lệ này vẫn còn xa so với con số 70% hoặc 80% thường được nêu ra về ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
TS Justin Lessler ở Đại học Bắc Carolina khẳng định chủng Delta chỉ bị ngăn chặn khi tỉ lệ tiêm vắc xin đạt mức cao từ 90% hoặc hơn nữa.
Ngoài vai trò của vắc xin, chính sách công và hành vi cá nhân cũng có thể thay đổi kịch bản dự báo.
Những người đã tiêm vắc xin phải duy trì giữ giãn cách và mang khẩu trang.
GS.BS Eric Topol khuyên luôn mang khẩu trang là hành vi khôn ngoan nhất dù mức gần gũi với người khác và thời gian trò chuyện đến đâu.
TS Ali Mokdad lưu ý các biện pháp và nhiệm vụ y tế công cộng khác nhau giữa các bang của Mỹ, do đó rất khó dự báo chính xác.
Biển hiệu ghi rõ quy định người muốn vào các tòa nhà liên bang Mỹ phải đeo khẩu trang - Ảnh: AP
Sau khi chủng Delta lụi tàn, điều gì sẽ xảy ra?
Các chuyên gia đã đặc biệt lưu ý đến biến thể mới Lambda đang chiếm khoảng 90% số ca nhiễm ở Peru và hiện nay đã xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia.
Ngoài ra còn có biến thể Delta Plus (phát hiện ở Hàn Quốc) đã hiện diện ở 29 quốc gia và 17 bang của Mỹ.
GS.BS Eric Topol đánh giá "biến thể Delta chưa phải là phiên bản tồi tệ nhất" vì các biến thể mới trong tương lai có thể dễ lây nhiễm hơn.
Theo GS Dennis R. Burton ở Viện nghiên cứu Scripps và các chuyên gia, bài thuốc để xử lý các biến thể nguy hiểm là sử dụng "kháng thể trung hòa rộng rãi".
Với kháng thể này, chúng ta có thể bào chế được loại vắc xin đủ hiệu quả chống lại nhiều chủng virus khác nhau.
TTO - Nhật Bản quyết định mở rộng phạm vi áp dụng các hạn chế khẩn cấp ảnh hưởng tới hơn 70% dân số, trong bối cảnh số ca bệnh và nhập viện vì biến thể Delta tăng kỷ lục tại thủ đô Tokyo và nhiều khu vực khác của nước này.
Xem thêm: mth.7353257170801202-ym-o-atled-gnuhc-meihn-ac-os-ev-oab-ud-5/nv.ertiout