Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm CĐS là động lực trong phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4. Ảnh: TẤN VIỆT
Nền tảng từ hạ tầng công nghệ thông tin
Năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành nghị quyết về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, UBND TP đã ban hành đề án Xây dựng chính quyền điện tử, đề án Xây dựng TP thông minh…
Từ chủ trương trên, Đà Nẵng đã triển khai và bước đầu đạt một số kết quả: Cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT được đầu tư đồng bộ, hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT và dịch vụ chính quyền điện tử.
Dịch vụ công trực tuyến ở Đà Nẵng có hơn 97% thủ tục trực tuyến (trong đó 66% ở mức 4). Hạ tầng truyền thông được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng xu hướng truyền thông hội tụ. Ngành công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 20%/năm), dần khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của TP (đóng góp 7,5% GRDP).
Tuy nhiên, việc thực hiện CĐS vẫn còn một số hạn chế như: Tài nguyên dữ liệu số chưa khai thác hiệu quả, nhất là phân tích thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành. Các dịch vụ đô thị thông minh chưa nhiều, mức độ lan tỏa chưa cao. Công nghiệp CNTT chủ yếu lắp ráp. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp còn bị động, thương mại điện tử ở mức thấp, thiếu yếu tố dẫn dắt.
Nghị quyết 05-NQ/TU chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế trên là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến CĐS. Hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng và nhân lực CNTT trong các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội chưa đồng bộ, chưa kết nối với khối chính quyền. Các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào CNTT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.
Nghị quyết 05-NQ/TU cũng nêu rõ bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là tạo nền tảng CĐS, phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số.
Trong bốn nhóm nhiệm vụ này có những tiêu chí rất cụ thể phải đạt được như: Hoàn thiện ứng dụng Danang Smart City thành nền tảng di động cung cấp đa dịch vụ, tiện ích cho người dân, du khách. Hình thành Trung tâm giám sát điều hành TP thông minh; xây dựng, triển khai có hiệu quả đề án Phát triển y tế thông minh tại Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Ứng dụng Danang Smart City trên điện thoại cung cấp đa dịch vụ,
tiện ích cho người dân, du khách.
Cơ hội giải quyết các điểm nghẽn
Nghị quyết 05-NQ/TU nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng thuộc nhóm ba địa phương dẫn đầu về CĐS, dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước.
Các tiêu chí phải đạt được như 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4. 100% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội TP được ban hành công khai và liên thông. Kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GRDP TP. Mỗi hộ gia đình đều có địa chỉ số, tiếp cận được dịch vụ Internet băng rộng. 100% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh…
Theo ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TP xác định CĐS là chìa khóa chính để chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. CĐS cũng là bước chuyển mang tính bắt buộc nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, điều hành của chính quyền, hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
“CĐS là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn cũng như đột phá trong phát triển, hướng đến Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, đáng sống như Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP đã đề ra” - ông Nam cho hay.
Theo ông Nam, Đà Nẵng đã tích cực triển khai chính quyền điện tử, TP thông minh. TP đã chủ động, kịp thời triển khai CĐS qua việc ban hành và triển khai các nghị quyết, chương trình của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm tập trung đầu tư phát triển, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, điện tử, viễn thông phù hợp xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nam cho hay Đà Nẵng có nhiều sản phẩm sử dụng công nghệ số, dữ liệu số được xây dựng và đưa vào sử dụng tại TP và nhiều tỉnh, thành trong nước. Nhiều sản phẩm CĐS được công nhận, đoạt giải của tổ chức trong nước và quốc tế.
Định hướng thời gian tới, ông Nam cho hay Đà Nẵng đã và đang tiến hành những bước bài bản. Đề án CĐS Đà Nẵng mở rộng, bổ sung theo đặc thù phát triển của TP như có mô hình tiếp cận cho riêng TP, có thêm CĐS cho cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể với nhiều tiêu chí cụ thể.•
Phấn đấu kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP Nghị quyết 05-NQ/TU định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành cơ bản CĐS, hình thành TP thông minh, thuộc nhóm ba địa phương dẫn đầu về CĐS và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Đến năm 2030, Đà Nẵng có 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; giảm 30% thủ tục hành chính hiện có thông qua kế thừa dữ liệu số; hoàn thành cơ bản chính quyền số tại 100% quận/huyện, phường/xã. Kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP; 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh. 80% hộ gia đình, 100% doanh nghiệp có tài khoản giao dịch thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử. 100% khu vực dân cư TP Đà Nẵng có sóng và dịch vụ 5G. |