Ánh nắng mặt trời là một trong những điều kiện tự nhiên thiết yếu với cuộc sống của con người. Chúng không chỉ là nguồn chiếu sáng mà còn là thước đo thời gian, nguồn năng lượng cho thực vật cũng như có tác động nhất định với sức khỏe cơ thể người.
Dẫu vậy, tại một số nơi như thị trấn nhỏ Rjukan của Na Uy, ánh nắng mặt trời lại là một điều xa xỉ khi họ chẳng thế nhìn thấy chúng suốt từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau.
Nguyên nhân chính là thị trấn này nằm trong một thung lũng hẹp, bị che lấp và ánh nắng gần như chẳng thể chiếu đến nổi trong phần lớn thời gian của năm. Thêm nữa, do có vị trí địa lý ở vĩ độ cao nên việc mặt trời với được tới đây là điều khá khó khăn.
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, người dân thị trấn Rjukan đã phải sống trong bóng râm của những ngọn núi xung quanh. Mãi cho đến năm 2013, thị trấn này mới xây lắp được những chiếc gương khổng lồ ở độ cao 450m trên các ngọn núi xung quanh nhằm hứng ánh nắng phản chiếu xuống khu dân cư.
Hệ thống hứng ánh nắng đặc biệt này được người dân trong làng gọi là "Solspeilet" bao gồm 3 tấm gương lớn được điều khiển bằng máy tính để di chuyển theo quỹ đạo mặt trời mỗi 10 giây nhằm tối đa hóa lượng ánh sáng phản chiếu vào thị trấn.
Sự đặc biệt của hệ thống hứng ánh nắng này đã khiến Rjukan trở nên nổi tiếng trong mắt du khách và biến thị trấn ảm đạm này trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Na Uy.
Ý tưởng 100 năm
Trên thực tế, ý tưởng lắp kính bao quanh thị trấn để hứng nắng đã được người sáng lập nơi đây là ông Sam Eyde nghĩ tới từ hơn 100 năm trước nhưng không thể thực hiện.
Vào khoảng 1905-1916, doanh nhân Sam Eyde đã mua lại khu vực thác nước nơi đây để làm nhà máy thủy điện và dựng nên thị trấn Rjukan. Nhận thức được vấn đề thiếu ánh nắng, Sam đã nghĩ đến việc dựng các tấm gương chiếu sáng nhưng do công nghệ còn hạn chế nên không thể tiến hành.
Thay vào đó, hãng thủy điện Norsk Hydro của ông đã trả tiền xây dựng một cáp treo để chở người dân lên cao 500 m trên các dãy núi nhằm tận hưởng ánh mặt trời. Công trình này nhằm giúp người dân tránh được các vấn đề sức khỏe do thiếu ánh nắng trường kỳ.
Đến tận ngày nay, công trình cáp treo mang tên Krossobanen được xây dựng từ năm 1928 vẫn hoạt động với giá vé 10 Euro cho mỗi chuyến đi.
Mãi đến năm 2013, một nghệ sĩ tên Martin Andersen chuyển đến sinh sống tại Rjukan đã không thể chịu được cảnh âm u buồn chán của thị trấn vào ban ngày nên quyết tâm đề nghị chính quyền địa phương lắp đặt những tấm gương với chi phí 825.000 USD để hứng nắng.
Mục đích ban đều của Andersen vốn chỉ giúp người dân thoát khỏi tâm trạng buồn chán cũng như các chứng bệnh thiếu nắng lâu ngày, nhưng không ngờ dự án này lại thay đổi cả thị trấn khi thu hút du khách đổ về đây thăm quan, qua đó làm thay đổi cả nền kinh tế địa phương.
Kẻ ghét, người khen
Điều đáng ngạc nhiên là ý tưởng của Andersen ban đầu gặp phản đối từ nhiều người dân khi họ cho rằng số tiền 800.000 USD có thể được dùng để làm nhiều việc có ích khác hơn cho thị trấn.
Thậm chí dù dự án thu hút du khách và đem lại nguồn thu nhưng nhiều người địa phương vẫn chẳng ưa gì những tấm gương hứng nắng này.
"Tôi cực lực phản đối dự án này", cựu nhân viên Nils Eggerud của Norsk Hydro đã làm việc được 50 năm và nay nghỉ hưu cho biết.
Theo ông Eggerud, việc chính quyền địa phương tốn lượng lớn tiền xây dựng và phải chi thêm 118.000 USD mỗi năm để bảo trì những tấm gương hứng nắng này chẳng xứng đáng. Số tiền này hoàn toàn có thể đầu tư cho an sinh xã hội, giáo dục hay nâng cấp cơ sở hạ tầng thay vì hứng chút nắng cho người dân.
Luận điểm của ông Eggerud được nhiều người dân sống lâu năm ở Rjukan ủng hộ khi họ cho rằng dù thu hút được khách du lịch nhưng những tấm gương hứng nắng chỉ chiếu được một phần nhỏ của thị trấn, hoàn toàn không xứng đáng với số tiền đầu tư xây dựng và bảo trì.
Trái lại, phần lớn những người mới đến Rjukan định cư lại khá hào hứng với dự án này và cũng là những công dân ủng hộ nhất với các tấm gương hứng nắng.
Thị trưởng Steinar Bergsland của Rjukan nhận định những tấm gương trên là biểu tượng đặc trưng cho khu vực này, giúp thu hút du khách và thúc đẩy kinh tế.
"Số tiền hơn 100.000 USD chẳng đáng là bao để đầu tư cho giáo dục hay y tế, nhưng chúng có thể đem lại hạnh phúc cho người dân nơi đây. Hãy nhìn mọi người trong thị trấn xem, họ đều yêu thích chúng", thị trường Bergsland nhận định.
Trầm cảm vì thiếu nắng
Theo tờ The Guardian, một số người dân Rjukan mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) khi trở nên trầm cảm do thiếu ánh nắng trường kỳ. Hội chứng này được phát hiện lần đầu vào thập niên 1980 tại những vùng có mùa đông dài hơn mùa hè như Iceland hay Canada.
Tuy nhiên, ngay cả với những người khỏe mạnh thì việc thiếu tiếp xúc ánh nắng cũng có hại cho cơ thể. Thông thường đồng hồ sinh học của con người sẽ phải vật lộn để đồng bộ với môi trường bên ngoài và việc thiếu ánh nắng tự nhiên sẽ khiến cơ thể sản xuất nhiều hormone mang tên Melatonin hơn so với bình thường.
Loại hormone này thường được tiết ra nhiều vào ban đêm để khiến cơ thể buồn ngủ. Thế nhưng nếu sống trong môi trường thiếu ánh nắng, cơ thể người vẫn sẽ sản sinh nhiều Melatonin dù phải thức dậy đi làm, tạo nên sự mệt mỏi, trầm cảm cùng nhiều triệu chứng khác.
Tồi tệ hơn, nghiên cứu của giáo sư tâm thần Daniel Kripke thuộc đại học California-Mỹ cho thấy Melatonin có thể ảnh hưởng đến não bộ nếu bị tiết ra quá nhiều và thường xuyên, qua đó ảnh hưởng đến sự tổng hợp của các loại hormone khác.
Bởi vậy, không có gì dễ hiểu khi rất nhiều người dân Rjukan cũng như du khách vùng khác tụ tập đến đây ngồi phơi nắng nhân tạo từ những tấm kính.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị