VĐV các nước vui vẻ giao lưu với nhau ở lễ bế mạc - Ảnh: AFP
Phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch, quảng bá văn hóa và khoa học công nghệ luôn là những mục tiêu được đề ra khi đăng cai Olympic. Với người Nhật, họ quá có kinh nghiệm sau lần tổ chức Olympic 1964.
"Lần gần nhất Tokyo đăng cai một kỳ Olympic năm 1964, họ cho ra mắt đoàn tàu cao tốc đạt tốc độ 210km/h. Đó là báo hiệu cho buổi bình minh của kỷ nguyên công nghệ cao ở Nhật", báo Bloomberg từng đưa ra bình luận như vậy.
Tận hưởng qua màn hình
Nhưng tất cả những dự trù của người Nhật đã phá sản vì dịch bệnh. Họ không thể đón du khách nước ngoài, không thể mở cửa khán đài cho CĐV bản xứ, thậm chí không thể cho phép các VĐV bước ra khỏi khuôn viên làng Olympic để khám phá nước Nhật... Người dân Nhật, cũng như toàn thế giới, đều tận hưởng 2 tuần lễ Olympic qua màn hình.
Đã có một số tranh cãi về công tác tổ chức. Chẳng hạn thời tiết quá nóng ảnh hưởng đến sức khỏe các VĐV, hay kết quả khó hiểu ở một số môn cảm tính như thể dục dụng cụ, boxing... (VĐV chủ nhà được xử thắng). Nhưng ban tổ chức đã lắng nghe dư luận và sẵn sàng linh động giải quyết trong nhiều trường hợp, như việc đổi giờ thi đấu trận chung kết bóng đá nữ.
Dịch bệnh không thể chặn được cảm hứng
Những câu chuyện truyền cảm hứng, như thường lệ, vẫn là "đặc sản" của Olympic. Đó cũng là thứ mà dịch bệnh và những giới hạn giãn cách không thể phá hỏng. Không chiếc khẩu trang nào có thể chặn được dòng nước mắt của VĐV nhảy cầu Tom Daley trong khoảnh khắc anh đứng trên bục huy chương và hoài tưởng về người cha quá cố của mình...
Tất cả những gì đẹp đẽ nhất của Olympic đã được chủ nhà Nhật Bản truyền tải đầy đủ đến với người hâm mộ toàn thế giới, và họ không thể nhận lại những lợi ích về kinh tế, du lịch... Bữa đại tiệc Olympic Tokyo 2020 thậm chí có thể còn thịnh soạn hơn nữa, khi người Nhật sửa soạn xe hơi bay, robot phục vụ, ứng dụng truy vết dịch bệnh... để phục vụ cho khán giả nước ngoài.
Nhưng rồi hầu hết đều phải cất vào kho và họ phải chịu lãng phí hàng tỉ USD cho hàng loạt món "đồ chơi" cao cấp được sửa soạn cho Olympic Tokyo 2020.
Khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành, nước Nhật đã chịu thiệt thòi khi chiêu đãi toàn thế giới một bữa tiệc tinh thần dù khó khăn nhưng vẫn rất thịnh soạn.
Lễ bế mạc giản dị
Giản dị và hòa đồng là chủ đề của lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020, khi ban tổ chức hầu như tinh giản mọi yếu tố lễ nghi và tạo ra một buổi giao lưu rộng lớn dành cho các VĐV. Vì lý do an toàn, hầu hết các VĐV dự Olympic đã trở về nước sau khi kết thúc phần thi của mình.
Tham dự lễ bế mạc vì vậy chỉ còn lại một số ít VĐV thi đấu những ngày cuối cùng. Dù vậy, việc VĐV các nước cùng ra sân và đứng hòa lẫn vào nhau khiến không khí buổi lễ bế mạc trở nên ấm áp và vui tươi như một ngày hội đúng nghĩa.
Cũng trong lễ bế mạc, các VĐV giành huy chương ở nội dung marathon (môn thể thao nguyên thủy của Olympic) đã được vinh danh.
Mỹ vượt mặt Trung Quốc ngoạn mục
Sáng 8-8, Mỹ đã vượt mặt Trung Quốc ngoạn mục trong cuộc đua huy chương khi giành thêm 3 HCV bóng rổ nữ, bóng chuyền nữ và xe đạp lòng chảo nữ.
Với kết quả này, Mỹ đã giành vị trí nhất toàn đoàn với 39 HCV, 41 HCB và 33 HCĐ, Trung Quốc xếp thứ nhì với 38 HCV, 32 HCB, 18 HCĐ. Kế đến là Nhật (27 HCV), Anh (22 HCV), Ủy ban Olympic Nga (20 HCV), Úc (17 HCV)…
Đây cũng là kỳ Olympic khá thành công của các quốc gia Đông Nam Á khi Phillipines lọt vào top 50 với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, kế đến là Indonesia - hạng 55 (1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ), Thái Lan - hạng 59 (1 HCV, 1 HCĐ), Malaysia - hạng 74 (1 HCB, 1 HCĐ). Trong 206 đoàn thể thao tham gia tranh tài, có 93 đoàn giành được huy chương.
TTO - Tối 8-8, Olympic Tokyo 2020 chính thức khép lại với lễ bế mạc kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ tại sân vận động Olympic.
Xem thêm: mth.49913702190801202-tahn-iougn-no-mac/nv.ertiout