Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng là hiện hữu khi mà dịch bùng phát tại các tỉnh thành phố lớn trên cả nước, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, vượt lên "nỗi sợ hãi" đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách xoay sở để thích ứng.
Doanh nghiệp phải chấp nhận bài toán đánh đổi
Trao đổi với Lao Động, giám đốc một công ty sản xuất hợp kim phức tạp của Panasonic, LG cho biết, thời điểm này, công ty bà gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giao hàng. Bởi cách thức làm việc với các đối tác nước ngoài thường yêu cầu của họ rất cao. Doanh nghiệp Việt - để đáp ứng được yêu cầu của các đối tác này ở thời chưa có dịch đã khó, khi có dịch thì lại càng khó hơn.
Khi thực hiện giao hàng cho các đối tác như Panasonic, LG, đội ngũ nhân viên giao hàng phải có xét nghiệm PCR âm tính. Trước kia, chỉ cần test nhanh là có thể chấp nhận được, nhưng hiện tại tốc độ lây lan của dịch nhanh, phức tạp nên yêu cầu đặt ra là phải có PCR.
Mỗi lần xét nghiệm PCR chi phí khá cao, 1,3 -1,5 triệu đồng 1 lần và chỉ sử dụng kết quả trong thời gian là 72 giờ. Điều này đồng nghĩa với mỗi lái xe trung bình mất 4,5 triệu đồng/tuần. Công ty hiện có rất nhiều lái xe, nên việc này cũng tốn kém khá nhiều.
Còn việc vận chuyển, hiện tại có phân luồng xanh qua các chốt, nhưng công ty của bà mới chỉ được 3/10 xe. Trước tình hình khó khăn này, công ty muốn đáp ứng thời gian giao hàng bắt buộc thuê công ty dịch vụ vận chuyển hàng hoá.
Song, cầu lớn hơn cung, bản thân các đơn vị vận tải cũng quá tải, giá cũng tăng gấp nhiều thông thường, khoảng 2-3 lần. Một ngày có bao nhiêu container phải vận chuyển, chi phí đội lên nhiều trong khi chúng tôi cũng đâu có tăng được giá bán cho sản phẩm. Tăng 10-15% thôi đối tác đã kêu ầm lên rồi, trong khi đầu vào nhiều cái tăng gấp đôi.
Rất nhiều chi phí như vậy tiệm cận mức thua lỗ. Chưa kể nếu không đàm phán được với khách hàng còn có nguy cơ mất đơn hàng, mất khách", CEO này nói, đồng thời cho biết, trong thời gian này, doanh thu thực tế bị ảnh hưởng rất nhiều, cho nên phải chuyển sang tập trung phát triển dự án mới, đầu tư máy móc cơ sở máy móc, để có tiềm năng tăng trường khi dịch COVID-19 được kiểm soát, đón đầu cơ hội.
Nền kinh tế cũng cần được "tiêm" vaccine
Theo vị CEO này, trong đại dịch, nếu nhìn dưới góc độ tích cực thì mọi thứ sẽ "dễ thở" hơn; còn bi quan thì sẽ thấy mọi thứ khó khăn, tiêu cực. Doanh nghiệp không còn cách nào khác là bắt buộc giữ vững tinh thần trong đại dịch vì liên quan đến sống còn của doanh nghiệp, của một tập thể.
"Trong đầu chúng tôi luôn hiện lên sự cố gắng, tìm mọi cách để sống sót qua đại dịch, chèo lái doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn.
Nếu như không tích cực, không nỗ lực thì bản thân doanh nghiệp sẽ bị đào thải. Mức độ đại dịch tăng lên đồng nghĩa với ý thức doanh nghiệp cao hơn, thái độ họ nghiêm túc, và ứng phó tốt hơn, có kinh nghiệm hơn.
Nhân dịp những lúc khó khăn, doanh nghiệp trở lại phát triển nội tại của doanh nghiệp như chuẩn hoá các quy trình. Trước bận bịu không làm được thì giờ chậm lại một nhịp để chuẩn hoá mọi thứ.
Tất nhiên, ngoài việc doanh nghiệp nỗ lực, cố gắng thì phía Nhà nước, cơ quan chức năng, địa phương cũng cần lắng nghe hơn ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp", vị CEO này cho hay.
Ông Trần Thanh Hải - một chuyên gia tâm huyết và am hiểu trong lĩnh vực logistics cho biết, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến đi thực tế vừa qua cũng nhận định dịch đang thâm nhập rất rộng và sâu ở các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và thời gian dập dịch phải tính bằng tháng.
Điều này cho thấy tính chất phức tạp cuộc chiến chống COVID-19 lần này và khả năng bước ra khỏi cuộc chiến này không thể nhanh chóng như những đợt dịch trước.
Nếu dịch còn kéo dài mà toàn bộ hoạt động sản xuất cứ bị đình trệ như thế này thì hậu quả cho nền kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng. Nên phải tìm ra cách chung sống với dịch, sản xuất ngay cả khi có dịch! Đó cũng là lời của vị giám đốc ở Bình Dương nói trên.
Do vậy, nền kinh tế cũng cần được tiêm vaccine, mà vaccine ở đây không gì khác là chính sách, biện pháp nhất quán từ Trung ương đến địa phương nhằm động viên, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện dịch bệnh.
Trong khi đó, trao đổi với với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) thì cho rằng, có hai mặt trận ở thời điểm này là chống COVID-19 và sản xuất.
"Vừa rồi, chúng ta đã ưu tiên hết cho mặt trận tuyến đầu chống dịch, bây giờ phải ưu tiên cho những người sản xuất - bởi họ cũng giống như những người lính trên chiến trường vậy. Nếu sản xuất không phát triển thì lính tiền tiêu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cho nên, tôi đề nghị tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những người lao động có liên quan đến chuỗi đời sống của nhân dân" - ông Lĩnh đề xuất.
Xem thêm: odl.180049-hcid-iad-auig-gnu-hciht-hcac-iom-mit-iah-os-ion-nel-touv-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal