Nhân viên chuỗi cửa hàng Hoàng Gia giao hải sản cho khách ngày 9-8 - Ảnh: M.VŨ
Trước dịch COVID-19, những ý tưởng mới lạ như mua gạo, cá kho bằng điện thoại, bán trứng qua mạng... xuất hiện và có cơ hội phát triển. Nhiều doanh nghiệp tăng xuất khẩu nhờ đầu tư vào cách làm mới.
Tìm cách "sống sót" rồi vươn lên
Dù khách nước ngoài không đến chợ nhưng bà Ngô Bích Lài - chủ một sạp kinh doanh tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) - cho biết thời gian qua có thời điểm bà vẫn xuất khẩu được cà phê, hạt điều, yến sào... đi Trung Quốc, Singapore.
"Bên cạnh gõ cửa công ty chuyên vận chuyển, tôi có thêm nguồn khách nhờ tiếp cận qua các kênh là hội, nhóm người Việt ở nước ngoài, du khách trên mạng xã hội" - bà Lài "bật mí".
Một tiểu thương khác tại chợ Bến Thành cũng tìm cách liên hệ lại những khách hàng nước ngoài từng đến mua hàng của mình.
Chị chưa muốn chia sẻ nhiều về cách làm của mình nhưng cho hay nếu làm ăn uy tín, nhiều người sẵn sàng giúp. Và chị đang đóng hàng chuyển ra nước ngoài cho khách qua những "cầu nối" với nhiều sản phẩm trong nước hiện không bán được.
Ngưng bán hơn 1 tháng qua nhưng bà Trần Xuân Trang - chủ sạp Xuân Trang chợ Bến Thành (Q.1) - vẫn ấp ủ kế hoạch "chơi lớn" với mùa Trung thu khi nhận thấy nhu cầu khá nhiều. Theo bà Trang, hiện bà đã lên kế hoạch kết hợp với đối tác để sản xuất mặt hàng này giao tận tay khách.
Trong khi đó, dù chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động nhưng không ít thương nhân vẫn "sống" được nhờ giải pháp đưa hàng về nhà. Đại diện sạp Xuân Hương - chợ đầu mối Hóc Môn - cho biết hiện mỗi ngày bà bán ra trên dưới 1 tấn thịt heo nhờ kết nối các mối cũ, tận dụng không gian mạng và các app.
Ở góc độ đơn vị quản lý, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - phó ban quản lý chợ An Đông (Q.5) - cho biết hiện chợ đã tạm ngưng hoạt động nhưng thời gian qua đơn vị tương đối thành công với giải pháp hỗ trợ tiểu thương bán hàng miễn phí qua kênh online. Cụ thể, chợ lập trang online, kết nối với hội, nhóm khác để tăng sự tương tác, giúp tiểu thương có thêm đơn hàng.
Tương tự, nhận định tình hình dịch COVID-19 kéo dài nên ban quản lý một số chợ đã hỗ trợ tiểu thương phát triển kênh bán hàng này.
Điển hình, dù chợ tạm ngưng hoạt động nhưng thời gian qua ban quản lý chợ Xã Tây (Q.5) vẫn hỗ trợ cho nhiều tiểu thương duy trì hoạt động bằng cách đăng thông tin bán hàng lên các trang online để tìm khách, và giao hàng tận nhà.
Mua gạo, cá kho, trứng bằng điện thoại
Nhận thấy cơ hội trong dịch COVID-19, ngay tháng 11-2020 công ty của ông Lĩnh (Q.Bình Thạnh) đã phát triển mạnh hệ thống mua gạo bằng điện thoại qua ứng dụng. Đến nay, với lượng nhân viên sale lên hơn 1.000 người, mỗi tháng ông bán trung bình 80 tấn gạo.
Theo ông Lĩnh, sau khi cài ứng dụng mua gạo vào điện thoại, chỉ khoảng 5 giây với vài thao tác là đơn vị nhận được đơn hàng và hệ thống sẽ xử lý tự động để báo đến cửa hàng gạo gần khách nhất, nhờ đó việc giao hàng được hoàn tất trong thời gian ngắn.
"Tất cả đều thao tác trên điện thoại, hệ thống xử lý tự động, người mua cũng có thể thành nhân viên sale nên tính tiện lợi cao, phù hợp với yêu cầu giãn cách mùa dịch" - ông Lĩnh nhận định.
Theo ông Lĩnh, đơn vị dự kiến đưa hệ thống vào hoạt động tại Hà Nội cuối năm 2021, và kỳ vọng 2023 phục vụ được 5% nhu cầu mua gạo tại TP.HCM - tương đương 350 đại lý.
Trong khi đó, nhờ cố gắng thực hiện "3 tại chỗ", Công ty hải sản Hoàng Gia (Q.Phú Nhuận) vẫn đang cầm cự được với 9 cửa hàng mở bán, chủ yếu bán online.
Theo ông Trần Văn Trường - giám đốc đơn vị này, lượng hải sản bán ra không nhiều như bình thường nhưng nhờ ngoài món tươi sống, đơn vị tăng chế biến sẵn và "ship" tận nơi cho khách, hai sản phẩm mới được đơn vị tung ra là cá chép kho và súp bào ngư đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường.
"Yếu tố tiện dụng, đa dạng là hai giải pháp được chúng tôi ưu tiên trong mùa dịch và bước đầu đã giúp đơn vị thành công, thậm chí mở thêm chi nhánh" - ông Trường thông tin.
Vui vẻ nhận món hải sản nướng từ Công ty Hoàng Gia, bà Thu (Q.Bình Thạnh) cho biết ý tưởng chế biến sẵn và giao hàng tận nơi là khá hay. Theo bà Thu, cách kinh doanh này không chỉ phù hợp với giãn cách mùa dịch mà còn dễ phát triển khi nhiều khách hàng ngày càng bận rộn.
Không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch, thậm chí nhờ dịch mà ông Trương Chí Thiện - giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (Q.12) - xây dựng được kênh bán trứng tươi online hiệu quả. Theo ông Thiện, từ việc hầu như chỉ bán trực tiếp, hiện sản phẩm trứng của đơn vị được đăng bán trên hầu hết các trang thương mại điện tử với lượng tăng mạnh, giải pháp giao hàng được cải tiến.
"Không chỉ trong mùa dịch, đây sẽ là hướng đi được đơn vị đầu tư mạnh trong thời gian tới để nhanh mở rộng thị trường" - ông Thiện quả quyết.
Trong khi đó, đại diện Công ty Yody - một thương hiệu thời trang - cho biết đặt mục tiêu trong tháng 6 tăng doanh thu mảng bán online lên 20%. "Tháng nào công ty cũng tuyển nhân viên, và rút ngắn thời gian đào tạo. Đây là thời cơ rèn quân để khai trương 20 mặt bằng sau dịch" - đại diện đơn vị này khẳng định.
Cần hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh online
Theo ông Trần Quốc Thịnh - đại diện hệ thống Lẩu gà ớt hiểm 109 (Q.Phú Nhuận), thời gian qua đơn vị giao hàng như Now, GrabFood... áp mức chiết khấu từ 20-25% doanh thu bán ra. Mức này khá cao trong thời điểm kinh doanh khó khăn.
"Các đơn vị giao hàng, trang bán hàng online nên giảm giá cước, mức chiết khấu, hoặc có chính sách ưu tiên. Có như vậy mới giúp nhau sống qua mùa dịch" - ông Thịnh đề xuất.
Một số tiểu thương cũng đề nghị với đơn vị bán online đăng ký, nộp thuế đầy đủ, cần sớm có biện pháp hỗ trợ, giảm chi phí để thúc đẩy loại hình mới này cũng như giúp doanh nghiệp, tiểu thương cầm cự, phát triển.
Xuất khẩu thuận lợi với ý tưởng mới
Nhờ giải pháp mở showroom 3D trên kênh bán hàng online, Công ty CP chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương) đã tìm kiếm được nhiều đơn hàng mới, giúp doanh nghiệp không những sống được trong mùa dịch với mức doanh thu ổn định mà còn có thêm nhiều khách hàng mới.
Ông Nguyễn Chánh Phương - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cho biết khi kênh xúc tiến trực tiếp bị ngưng do dịch COVID-19, đơn vị đã cho ra đời nền tảng triển lãm trực tuyến với tên gọi HOPE để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến. Đến nay, sau gần 1 năm áp dụng, nền tảng này đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia với nhiều đơn hàng xuất khẩu được ký kết.
TTO - Trước phản ảnh của doanh nghiệp về việc sản xuất mì ăn liền khó đáp ứng các quy định do dịch bệnh ảnh hưởng nguyên phụ liệu, Ban quản lý an toàn thực phẩm đã đề xuất các giải pháp gỡ khó cũng như cho phép hàng xuất khẩu được bán ở TP.HCM.
Xem thêm: mth.46224302290801202-hcid-iad-auig-uahk-taux-gnouht-ueit/nv.ertiout