Chi hỗ trợ cho lao động tự do tại quận Bình Thạnh - Ảnh: VŨ THỦY
Theo đó, kinh phí hỗ trợ đợt 2 khoảng 900 tỉ đồng cho 3 nhóm đối tượng: lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động (365.000 người, hỗ trợ 1,5 triệu đồng); hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP (tổng số 90.585 hộ, mỗi hộ 1,5 triệu đồng, trong đó tiền mặt 1,2 triệu và 1 phần quà trị giá 300.000 đồng); lao động ở trong các nhà trọ, khu lưu trú, xóm nghèo trong khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn (174.000 hộ, hỗ trợ mỗi hộ 1,5 triệu đồng).
Nhóm lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động sẽ thực hiện tương tự đợt hỗ trợ lần 1, phải có đăng ký tạm trú như đợt 1 và do hội đồng xã, phường họp xét.
"Chính sách này yêu cầu sự nỗ lực hết sức của các phường, xã trong thời gian giãn cách. Trong thời gian này mới thấy vai trò trưởng ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân rất cực, chạy đôn chạy đáo, phòng chống dịch bệnh.
Với đợt hỗ trợ này, không chỉ lao động nghèo như cắt tóc, xe ôm… mà những hộ dân đang sinh sống trong nhà trọ nhưng thực sự khó khăn sẽ được giải quyết. Với đối tượng hộ dân sinh sống tại khu nhà trọ sẽ không phân biệt tạm trú, thường trú. Tại thời điểm này, không có tạm trú, thường trú gì hết", ông Tấn nêu.
Ông yêu cầu các địa phương phải tính toán để người dân được nhận hỗ trợ trước 15-8.
Theo đó, ngoài 365.000 lao động tự do được chi hỗ trợ đợt 1 tiếp tục nhận được hỗ trợ đợt 2 thì số hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động khó khăn trong các khu nhà trọ dự kiến khoảng 265.000 hộ.
"Tiền Sở Tài chính chi về, nơi nào chưa về kịp thì phải ứng trước để chi. Nhưng phải làm đúng quy trình. Lúc này khó khăn chưa ai hiểu, những đến hết dịch sẽ hiểu. Chậm một chút dân khổ chút, sớm một chút dân sướng một chút", ông Tấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Thanh (bí thư Đảng ủy phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) tặng lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở trọ khó khăn trên địa bàn phường - Ảnh: HOÀNG AN
Ông Tấn cũng lưu ý không phải bất cứ người ở nhà trọ cũng được hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ người thật sự khó khăn. TP sẽ chuyển qua tài khoản cá nhân hoặc nếu không có tài khoản thì sẽ đến trực tiếp từng nhà hỗ trợ bà con và bảo đảm không sót, không trùng.
Đồng thời, ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo có từ 3 nhân khẩu trở lên, hộ lao động có từ 3 người trở lên hỗ trợ trước. Riêng chính sách nếu có người không may tử vong do dịch COVID-19, TP sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí hỗ trợ từ ngân sách TP, theo đó sẽ hưởng mức 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng (18 triệu/người bị tử vong).
Về kết quả hỗ trợ đợt 1, đến nay TP đã thực hiện hỗ trợ nhóm lao động hoãn việc hoặc nghỉ việc không lương đạt 92% (52.000/56.000 công nhân, người lao động); hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động theo chỉ thị 16 là 5.800/5.800 hộ (đạt 100%); hộ thương nhân ở các chợ truyền thống trên địa bàn quận huyện 15.000/16.500 trường hợp (đạt 90%), lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động 365.394 (đạt 100%) với kinh phí 576 tỉ đồng.
Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp, có 11.000 đơn vị với 2.300.000 công nhân, với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Các chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất có 102 đơn vị với tổng kinh phí 218 triệu đồng cho 22.300 công nhân.
Về chính sách cho vay để trả lương cho người lao động, có 44 doanh nghiệp vay để trả lương cho 9.600 công nhân với kinh phí 75 tỉ; hỗ trợ cho 6.000 hướng dẫn viên du lịch với kinh phí trên 23 tỉ; hỗ trợ cho đạo diễn, viễn viên 139/139 người với kinh phí trên 500 triệu đồng.
TTO - Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM có văn bản khẩn yêu cầu các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, thống kê số lao động tự do gặp khó khăn ngoài 6 nhóm lao động đã đề xuất. Tài xế công nghệ, giúp việc nhà, thợ hồ... sẽ được hỗ trợ.