Cứu sinh viên
Khánh Bình
(KTSG Online) - Vào cuối tháng 2-2021, nhiều người ở Pháp đã sửng sốt khi đọc được tin Chính phủ sẽ cấp miễn phí đồ vệ sinh cá nhân theo chu kỳ cho các sinh viên nữ khi rất nhiều trong số này không đủ điều kiện tài chính để trang trải. Nhiều sinh viên gặp khó khăn là do dịch Covid-19 kéo dài, các việc làm thêm không thể tiếp tục trong khi các khoản chi cho ăn, ở, học phí vẫn phải trả. Trước đó một tháng, hệ thống nhà ăn sinh viên của các trường đại học cũng áp dụng mức giá 1 euro cho một bữa ăn với tất cả các sinh viên.
Nhắc lại chuyện này để thấy rằng, với tình hình giãn cách xã hội toàn bộ ở một số tỉnh thành của Việt Nam hiện đang có sinh viên sinh sống, học tập thì cuộc sống của sinh viên không khó để đoán được là hết sức khó khăn.
Nhưng khó, khổ ở đâu và đến mức độ nào?
Một tờ báo online có lượng độc giả lớn có đăng một bài viết, trong đó kể lại chuyện một sinh viên vì đói mà phải đi trộm đồ ăn, nhưng câu chuyện còn gây xúc động hơn khi đề cập đến việc em còn lấy thêm đồ ăn để đem về cho bạn, cũng đang đói như mình.
Một số trường đại học, ban ngành, tổ chức đã kịp thời nhìn thấy vấn đề và đã có một số hỗ trợ khẩn cấp cho các trường hợp đặc biệt khó khăn. Nhưng nếu thống kê lại tổng con số các trường hợp được nhận hỗ trợ được công bố thì quá ít ỏi so với lượng sinh viên hiện có.
Có thể lấy trường hợp TPHCM, trung tâm đại học lớn của cả nước, với tổng số sinh viên ước chừng khoảng 500.000 người. Trong số này, nếu dựa trên trung bình số học sinh phổ thông trung học thi tốt nghiệp gần đây là khoảng 90.000 học sinh một năm thì ước tính có khoảng một phần ba sinh viên ở thành phố là sinh viên ngoại tỉnh và phải sống xa gia đình.
Nếu lạc quan tính rằng chỉ có 50% trong số sinh viên này gặp khó khăn thì con số cũng đã là hơn 50.000 người, và như vậy mới thấy còn rất nhiều hoàn cảnh sinh viên cần được giúp đỡ giai đoạn này.
Khó khăn nhất là những sinh viên không ở trong ký túc xá từ trước đến giờ, hoặc gần đây chuyển từ ký túc xá ra trọ ở bên ngoài. Hầu hết các sinh viên đi làm thêm đều không có hợp đồng lao động chính thức nên khi bị mất việc thì lập tức không còn nguồn thu nhập. Không những thế, rất hiếm sinh viên nào có được quỹ dự phòng khẩn cấp nên khó khăn ập đến ngay khi không đi làm thêm được.
Nhưng dường như không có nhiều người để ý rằng sinh viên ở trọ xa nhà đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Trên các mạng xã hội, đã có nhiều kêu gọi giúp đỡ của các nhóm, hội đoàn cho người dân nói chung, nhưng cho riêng sinh viên thì rất ít. Cách đây vài ngày, người viết vô tình biết đến chương trình kêu gọi giúp đỡ “cùng sinh viên vượt qua mùa dịch” của Quỹ học bổng Đồng Hành(*). Đây là quỹ học bổng được thành lập từ năm 2001 bởi một số sinh viên Việt Nam ở Pháp lúc đó, nhằm giúp đỡ một phần học phí cho sinh viên ở Việt Nam có hoàn cảnh thật sự khó khăn.
Dự kiến ban đầu của quỹ là giúp đỡ khẩn cấp 100 sinh viên, nhưng chỉ sau vài ngày, số lượng hồ sơ xin được hỗ trợ đã vượt con số 3.000. Phần lớn các trường hợp này đều gặp khó khăn về chi phí tiền nhà trọ và thực phẩm.
Đang lúc viết những dòng này thì quỹ học bổng đã nhận được thêm các ủng hộ mới, nâng mục tiêu hỗ trợ lên cho 500 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Công việc xét duyệt, xác minh hồ sơ chuyên nghiệp và nhanh chóng; nhóm tình nguyện có thể nói là hoạt động 24/24 ở đầu cầu các nước, từ việc sàng lọc hồ sơ, xác minh, đến kêu gọi gây quỹ, giải ngân. Cụ thể, ngày 4-8 quỹ thực hiện kêu gọi và thông báo chương trình thì khoản giải ngân đầu tiên đã được thực hiện vào ngày 7-8.
Dẫu biết rằng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn khác trong giai đoạn dịch này, nhưng sinh viên chính là một nguồn lao động quan trọng trong thời gian ngắn tới. Nếu vì lý do khó khăn mà họ không thể tiếp tục để hoàn thành chặng đường thì thật đáng tiếc, đó là chưa tính những lãng phí về mặt kinh tế và xã hội.
Thiết nghĩ, Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên các cấp tích cực hỗ trợ thêm cho các hoàn cảnh sinh viên đang thực sự khó khăn. Các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm các trường đại học để giải quyết hai vấn đề khó khăn nhất của các sinh viên hiện nay: tiền nhà trọ và thực phẩm hàng ngày.
---------
(*) Quỹ học bổng Đồng Hành đang kêu gọi trên mạng xã hội thông qua địa chỉ https://www.facebook.com/DongHanh và www.donghanh.net. Sau 12 tiếng thông báo, có 1.030 sinh viên xin được hỗ trợ. Đã có hơn 3.000 hồ sơ đến từ 72 trường đại học trong cả nước, một phần ba là đến từ TPHCM. Qua sơ lược, các hoàn cảnh rất cần hỗ trợ là 500-600 trường hợp. Chương trình dự kiến kết thúc vào ngày 15-8-2021.
Xem thêm: lmth.-neiv-hnis-uuc/362913/nv.semitnogiaseht.www