‘Chảy máu lao động' có thể gây khó cho sự phục hồi của doanh nghiệp
V.Dũng
(KTSG Online) - Dưới tác động của dịch bệnh, tốc độ phát triển kinh tế của các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đang bị chậm lại và vấn đề phục hồi sau dịch đang được các doanh nghiệp tính đến. Tuy nhiên tình trạng người lao động rời bỏ thành phố ngày một nhiều đang là yếu tố khiến họ khó trở lại đường đua nhanh chóng.
Tinh trạng mất đi nguồn lao động lành nghề trong giai đoạn này sẽ gây khó cho doanh nghiệp sau dịch. Ảnh minh họa: TTXVN |
Sẽ rất khó cho doanh nghiệp bảo toàn được lao động trong bối cảnh họ phải thu hẹp sản xuất, thậm chí là đóng cửa trong một thời gian dài. Hơn nửa năm 2021 đã trôi qua với tình trạng sản xuất cầm chừng và thu nhập không có nhiều đột biến thì người lao đông phổ thông đang rời thành phố ngày một nhiều. Tình trạng “chảy máu” lao động đang khiến cho nhiều doanh nghiệp khó chủ động cho những đơn hàng cuối năm hay những kế hoạch phục hồi. Để đáp ứng được các mục tiêu lâu dài nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm mọi cách để giữ chân lao động kể cả việc mất thêm chi phí.
Nhân lực của doanh nghiệp hao hụt nghiêm trọng
Thời gian vừa qua khi các địa phương hỗ trợ đưa người dân ở TPHCM về quê cũng đã kéo theo một nguồn lao động lớn của các nhà máy, doanh nghiệp dịch chuyển. Đây là hiệu ứng tâm lý và trong giai đoạn giãn cách xã hội nên doanh nghiệp không thể kiểm soát được tình hình. Có nhiều nhà máy lượng lao động thiếu hụt hơn một nửa chỉ trong một thời gian ngắn.
Là doanh nghiệp lớn trong ngành hàng tiêu dùng, Công ty cổ phần tập đoàn Masan - đơn vị có hơn 30 nhà máy tại các tỉnh thành trên cả nước cũng đang khá khó khăn do tỷ lệ nghỉ việc cao. Một trong những nguyên nhân là việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" có nhiều bất cập khiến một số lao động nữ không thể đáp ứng vì họ phải trông con tại gia đình.
"Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn về nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay", bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực VinCommerce, nói.
Các ngành có lượng lao động lớn như dệt may, da giày, gỗ, tình trạng thiếu hụt công nhân đang diễn ra phổ biến. Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra khá lâu và khi bùng phát dịch bệnh lại càng trầm trọng hơn. Ngành gỗ hiện có đơn hàng rất tốt, nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau nhưng tình thế này đang khiến họ gặp khó với các kế hoạch sản xuất.
"Gần 600 doanh nghiệp hội viên HAWA chủ yếu có nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây đang căng mình thực hiện đơn hàng xuất khẩu. Nhưng lao động ở lại làm việc nhiều lắm cũng chỉ đạt 60 - 70%", ông Phương nói.
Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Toàn ngành hiện chỉ vận hành 10-15% công suất. Trong khi đó, nhiều lao động từ các tỉnh phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai ồ ạt về quê tránh dịch, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động khi vận hành sản xuất trở lại, dự kiến lúc đó chỉ còn lại 60% lao động.
Ngành thủy sản với đặc thù cần lượng lao động lớn thì việc xáo trộn nguồn nhân lực là tất yếu trong bối cảnh này. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ". Tuy nhiên, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% vì nhiều người lao động tự kéo nhau về quê. Dự báo, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp không chỉ thiếu lao động phổ thông mà còn cả nhóm lành nghề.
Chịu thêm chi phí để “giữ chân” lao động
Với các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu cần thực hiện gấp hiện nay đều phải thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” để kịp tiến độ. Tuy nhiên việc sản xuất theo mô hình này cũng chứa đựng nhiều rủi ro và khi nảy sinh các ca nhiễm cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực. Và để ổn định tâm lý cũng như bảo toàn lực lượng lao động sẽ tốn thêm cho doanh nghiệp một khoản chi phí không nhỏ.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), trong thời gian thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" đã xuất hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 khiến nhà máy ngưng sản xuất. Ca nhiễm và hàng trăm người lao động được đưa đi cách ly, điều trị theo quy định. Sau thời gian cách ly tập trung, doanh nghiệp đón về được 20 nhân sự và bố trí cho họ ở những cơ sở lưu trú quanh nhà máy. Đồng thời công ty có lực lượng chuyên biệt để phục vụ, tiếp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu lẫn tinh thần cho họ.
“Đây là việc mà doanh nghiệp cần làm nhằm giữ chân lao động để khi nhà máy trở lại hoạt động sẽ vận hành nhanh chóng. Trong giai đoạn này dù tốn thêm chi phí để bảo toàn nguồn nhân lực thì doanh nghiệp cũng phải chấp nhận”, ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery, chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách giữ chân người lao động dù mất thêm chi phí. Ảnh minh họa: DNCC |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký VITAS, cho biết để giữ chân người lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ, tăng lương thì tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất giúp họ trở lại với doanh nghiệp. Nếu lực lượng nòng cốt của doanh nghiệp bị thiếu hụt thì việc duy trì đơn hàng với đối tác sẽ thất bại. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất là khó tránh khỏi.
Việc hồi phục cần hiểu không chỉ là trở về trạng thái trước dịch, mà còn phải có định hướng thay đổi phù hợp để không lỡ nhịp với thế giới. Tuy nhiên với lực lượng lao động sứt mẻ thì việc hoạt động bình thường trở lại đã rất khó rồi chứ chưa nói đến chuyện tăng tốc trong thời gian ngắn.
Nhiều doanh nghiệp nhận định, không giữ được người lao động đã đào tạo nhiều năm thì khi khống chế được dịch bệnh doanh nghiệp không có công nhân lành nghề để sản xuất. Để người lao động bám trụ ở thành phố thì phải đảm bảo thu nhập cơ bản, đóng bảo hiểm cho họ dù doanh nghiệp lao động cầm chừng hay tạm ngưng hoạt động. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp chấp nhận mất thêm chi phí để hoàn thành các mục tiêu lâu dài.
Bà Lê Thị Giàu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây, cho biết, để chăm lo, đồng thời giữ chân người lao động, công ty đã trả cao hơn mức lương cơ bản (trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng) đối với nhân viên, người lao động đang phải tạm nghỉ việc.
“Phải có nguồn thu nhập đủ mức sống tối thiểu thì người lao động mới yên tâm chờ đợi đi làm lại và gắn bó lâu dài với công ty. Hiện tại doanh nghiệp cũng gặp khó khăn tuy nhiên để doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn sau dịch thì cũng phái chấp nhận chi thêm để duy trì ổn định nhân lực”, bà Giàu cho hay.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, từ nay đến cuối năm, thành phố cần gần 150.000 vị trí việc làm. Các ngành kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin, y tế, dệt may - da giày, chế biến lương thực - thực phẩm… là những ngành, lĩnh vực ít bị tác động bởi dịch bệnh và khả năng phục hồi mạnh mẽ nên nhu cầu về nguồn lao động trong thời gian tới sẽ tăng.
Tại tọa đàm “Café doanh nhân HUBA” mới đây, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng khi thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ lấy lại đà tăng trưởng và phát triển bứt phá. Chính vì vậy, trong thời điểm này, việc bảo toàn nguồn nhân lực cũng là cách để “cứu” doanh nghiệp, bảo đảm sự ổn định của kinh tế thành phố. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ lực lượng lao động hết sức quan trọng. Mỗi doanh nghiệp cần ý thức trong việc giữ chân người lao động dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.
Ngày 10-8, Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho biết, qua kết quả khảo sát “Tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường sức lao động” vừa được triển khai cho thấy dự kiến nhiều doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong quí 3-2021. Khảo sát “Tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường sức lao động” được thực hiện ở 4.140 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, trong đó có 1.335 doanh nghiệp siêu nhỏ, 2.643 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 162 doanh nghiệp lớn. Qua khảo sát, 1.924 doanh nghiệp thực hiện giảm lao động, chiếm 46,47%, trong đó, có 1.794 doanh nghiệp ngoài nhà nước thông báo sẽ thực hiện cắt giảm lao động (chiếm 93,24%); 104 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 5,41%) và 26 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước (chiếm 1,35%) dự kiến cắt giảm lao động trong quí 3. Đại diện Falmi cho biết số doanh nghiệp dự kiến cắt giảm lao động ở ngành kinh tế tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 29,06%). Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 15,28%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 12,32%); xây dựng (chiếm 10,4%). Tình trạng cắt giảm lao động còn xảy ra đối với các hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (chiếm 9,72%); lĩnh vực vận tải kho bãi (chiếm 6,08%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (chiếm 5,87%); thông tin và truyền thông (chiếm 3,27%); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 2,18%). giáo dục và đào tạo (chiếm 2,08%). Theo TTXVN |
Xem thêm: lmth.peihgn-hnaod-auc-ioh-cuhp-us-ohc-ohk-yag-eht-oc-gnod-oal-uam-yahc/192913/nv.semitnogiaseht.www