Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, Chính phủ đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9. Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được Chính phủ thống nhất ban hành hôm nay, đặt mục tiêu TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.2021. Các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9.2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8. Chính phủ yêu cầu kể từ ngày bắt đầu giãn cách: trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch Covid-19 trước 15.9 |
Bộ Y tế chờ TP.HCM phản hồi về tiến độ thực hiện mua 5 triệu liều vắc xin Moderna. Theo đó, ngày 28.5, Bộ Y tế làm việc với Công ty Zuellig Pharma, dự kiến có thể cung cấp được 5 triệu liều vắc xin của Moderna cho Việt Nam. Bộ Y tế đã có văn bản ủng hộ chủ trương để TP.HCM mua vắc xin của Moderna; đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện thực hiện các thủ tục cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin nhanh nhất. Tuy nhiên, đến ngày 8.8, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin về tiến độ thực hiện mua vắc xin của TP.HCM. Do đó, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM khẳng định về việc mua vắc xin. Trong trường hợp, TP.HCM không mua thì đề nghị có văn bản trước ngày 15.8 để Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét cho đơn vị, địa phương khác mua, không để mất cơ hội mua 5 triệu liều vắc xin Moderna trong năm 2021.
Bộ Y tế đề nghị TP.HCM phản hồi việc mua 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Moderna |
TP.HCM dự kiến đến ngày 12.8 tiêm hết hơn 900.000 liều vắc xin còn lại. Sáng 10.8, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, sau 17 đợt tiếp nhận vắc xin Covid-19, đến nay thành phố đã được phân bổ hơn 4,1 triệu liều. Sau đợt tiếp nhận vắc xin Covid-19 ngày 9.8, toàn địa bàn còn hơn 900.000 liều vắc xin đang lưu trữ chưa thực hiện tiêm chủng. Với việc tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh như hiện tại, dự kiến ngày 12.8, số lượng vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố sẽ được tiêm hết. Hiện TP.HCM đã báo cáo Bộ Y tế cấp liên tục vắc xin Covid-19 trong tháng 8. Nếu đủ 5,5 triệu liều vắc xin Covid-19, TP.HCM sẽ đạt mức độ tiêm bao phủ 100% người trên 18 tuổi.
Thêm 494.400 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca về đến Hà Nội. Bộ Y tế cho biết, sáng nay, 10.8, có thêm 494.400 liều vắc xin Covid-19 AstraZenaca được tiếp nhận từ nguồn COVAX facility. Như vậy, tổng số vắc xin Covid-19 Việt Nam được hỗ trợ qua cơ chế COVAX hiện đã hơn 9,1 triệu liều (hơn 5 triệu liều vắc Moderna và hơn 4 triệu liều vắc xin AstraZeneca). Bộ Y tế đã cấp phép khẩn cấp cho 6 loại vắc xin Covid-19 cho phòng chống dịch gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Moderna, Pfizer/BioNTech, Sinopharm và Janssen. Trong đó, AstraZeneca là vắc xin Covid-19 đầu tiên được Việt Nam cấp phép sử dụng (tháng 2.2021), cũng là vắc xin đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam với 11,5 triệu liều từ các nguồn do Công ty VNVC nhập khẩu, COVAX hỗ trợ và một số nước trao tặng.
Các tỉnh thành có thể áp dụng Chỉ thị 15, 16 sớm hơn, cao hơn quy định. Nghị quyết số 86/NQ-CP vừa được Chính phủ thống nhất ban hành, giao chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (cấp tỉnh) chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định, tương ứng với các mức độ nguy cơ theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn. Trong đó cần đặc biệt lưu ý trong lãnh đạo, chỉ đạo: Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh.
|
Chỉ người lao động ở các nhà trọ, xóm nghèo, khu vực phong tỏa tại TP.HCM đang gặp khó khăn mới được hỗ trợ. Ngày 10.8, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, nhóm lao động bị hoãn việc và nghỉ việc không hưởng lương đã hỗ trợ đạt 92%; 5.800 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16; 15.000 thương nhân ở chợ truyền thống; hơn 365.000 lao động tự do… Gói hỗ trợ này không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú, nhưng chỉ người lao động ở các nhà trọ, xóm nghèo, khu vực phong tỏa đang gặp khó khăn mới được hỗ trợ. Về cách xác định đối tượng hỗ trợ, ông Tấn cho hay người lao động có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng, không có thu nhập hoặc giảm sâu thu nhập, được phường, xã, thị trấn xác nhận. TP.HCM ưu tiên những hộ nghèo, hộ cận nghèo có từ 3 nhân khẩu, hộ lao động có từ 3 người trở lên.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Kiên Giang hỗ trợ 5 tấn lương thực, thực phẩm cho người dân TP.HCM. Ngày 10.8, Sở NN-PTNT Kiên Giang phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang tổ chức 3 chuyến xe chở lương thực, thực phẩm đi TP.HCM để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trong các khu cách ly, vùng phong tỏa. Theo đó, ngành nông nghiệp đã vận động các nhà hảo tâm và lực lượng trong ngành ủng hộ được 2,5 tấn gạo, 1 tấn cá biển, 1,5 tấn dưa leo và 5.000 quả trứng để chia sẻ với người dân TP.HCM. 3 chuyến xe đã khởi hành đi TP.HCM vào sáng cùng ngày.