Nghiên cứu ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, các loại vắc-xin Covid-19 đã được cấp phép sử dụng dù có phần giảm hiệu quả trước biến thể Delta, nhưng vẫn có khả năng ngăn bệnh trở nặng và tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ nhận định, tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể trước các biến thể mới và khuyến khích mọi người đi tiêm phòng.
Biến chủng Delta là phép thử về độ hiệu quả phòng bệnh của các loại vắc-xin Covid-19 đang được sử dụng trên thế giới. (Ảnh minh họa) |
Những loại vắc-xin đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới có Pfizer-BioNTech và Moderna, 2 loại vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mới mRNA (RNA thông tin). Vắc-xin AstraZeneca, Johnson & Johnson và Sputnik V được bào chế theo công nghệ vector. Hai loại vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac dùng công nghệ bất hoạt truyền thống.
Theo các nghiên cứu, mỗi người cần tiêm đủ liều vắc-xin mới có thể chống đỡ trước biến chủng mới, vì các kháng thể trung hòa không hoạt động hiệu quả sau liều đầu tiên và cơ thể cần một lượng kháng thể cao hơn với virus “phiên bản mới”. Thêm vào đó, 2 liều vắc-xin Covid-19 sẽ kích hoạt các kháng thể trung hòa lên mức cao hơn, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Pfizer và AstraZeneca
Theo một nghiên cứu trên gần 20.000 người được công bố trên Tạp chí Y học New England, vắc-xin Covid-19 Pfizer của Mỹ và AstraZeneca của Anh đều có hiệu quả cao đối với biến chủng Delta sau 2 mũi tiêm.
Vắc-xin Covid-19 Pfizer và AstraZeneca được đánh giá có hiệu quả cao phòng biến chủng Delta. (Ảnh: Reuters) |
Nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE) cho thấy, sau 2 liều, vắc-xin Pfizer có hiệu quả 88% đối với biến chủng Delta, so với 36% sau liều tiêm đầu tiên. Trong khi đó, hiệu quả của 2 liều vắc-xin AstraZeneca là 67%, so với 30% sau liều thứ nhất.
Moderna
Còn mới đây, Reuters đưa tin, nghiên cứu tại Mỹ, Israel và Canada cho thấy vắc-xin Covid-19 của Moderna của Mỹ có hơn nhỉnh hơn 1 chút so với với vắc-xin Covid-19 của hãng Pfizer trước biến chủng Delta. Cả vắc-xin Moderna và Pfizer được bào chế bằng công nghệ mRNA.
Hai nghiên cứu đăng trên trang medRxiv. Trong đó, một nghiên cứu phân tích số liệu của hơn 50.000 người được tiêm vắc-xin trên hệ thống Bệnh viện Mayo tại Mỹ.
Theo đó, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19 Moderna giảm từ mức 86% hồi đầu năm nay xuống còn 76% vào tháng 7/2021, thời điểm biến chủng Delta gây ra số ca mới mắc Covid-19 tăng nhanh ở Mỹ. Cùng thời điểm, hiệu quả của vắc-xin Pfizer/BioNTech giảm còn 42% so với mức 76% hồi đầu năm.
Tuy nhiên, cả hai nghiên cứu kết luận vắc-xin Moderna và Pfizer đạt hiệu quả cao trong việc ngăn người mắc virus corona phải nhập viện điều trị.
Ông Ugur Sahin, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin, mới đây cũng đã khẳng định vắc-xin Pfizer/BioNTech thế hệ đầu tiên có tác dụng chống lại biến chủng Delta và không cần phải cải tiến vào lúc này.
“Rất có thể trong 6-12 tháng tới, các biến chủng khác sẽ xuất hiện và đòi hỏi vắc-xin cần thay đổi để thích ứng, nhưng hiện tại thì chưa”, ông Sahin nói.
Ông Sahin nhấn mạnh thêm: “Hiện tại, mũi vắc-xin tăng cường là hoàn toàn đủ để chống lại biến chủng".
Theo Pfizer, mức kháng thể chống lại biến chủng Delta tăng gấp 5 lần ở những người trong độ tuổi 18 - 55 khi được tiêm nhắc lại. Còn với những người từ 65 - 85 tuổi, mức độ kháng thể sau khi tiêm liều vắc-xin thứ 3 tăng gấp 11 lần so với thời điểm sau mũi tiêm thứ 2.
Johnson & Johnson
Theo tờ Healthline, thông tin nghiên cứu liên quan tới khả năng chống biến chủng Delta của vắc-xin Johnson & Johnson của Mỹ được sản xuất tại Bỉ và Hà Lan hiện chưa được công bố. Nhưng Johnson & Johnson được cho đang nghiên cứu về việc tiêm thêm mũi 2 nhằm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể con người trước các biến chủng của virus corona như Delta. Hiện vắc-xin Covid-19 Johnson & Johnson chỉ tiêm 1 mũi duy nhất.
Sinopharm và Sinovac
Hai loại vắc-xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất là Sinopharm và Sinovac đều đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, cho tới nay, những thông tin về quá trình nghiên cứu, phát triển và hiệu quả phòng bệnh của 2 loại vắc-xin này vẫn chưa được hé lộ.
Vắc-xin Sinovac của Trung Quốc. |
Hồi cuối tháng Bảy, tờ Harakah Daily dẫn lời công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech, đơn vị phát triển vắc-xin Covid-19 CoronaVac, nhấn mạnh vắc-xin của hãng có khả năng ngăn chặn các biến chủng của virus corona như Delta sau 2 mũi tiêm.
Phát ngôn viên của Sinovac Biotech là ông Liu Peicheng cho hay, dù chưa thể công khai hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin CoronaVac, nhưng các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc-xin đã được chứng minh ở nhiều nước như Brazil, Indonesia, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi triển khai tiêm vắc-xin CoronaVac rộng rãi.
“Vắc-xin CoronaVac của Sinovac hiện duy trì khả năng chống lại biến chủng Delta. Sinovac cũng đang tiến hành nghiên cứu về khả năng tiêm tăng cường mũi thứ 3 nhằm bảo vệ tốt hơn cho con người trước các biến chủng như Gamma và Delta. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, chúng tôi sẽ cân nhắc đệ trình lên WHO về việc tăng cường tiêm mũi thứ 3”, ông Liu cho hay.
Điều đáng nói, hồi đầu tháng Sáu, Indonesia cho biết nước này có hàng trăm nhân viên y tế mắc Covid-19, dù họ đã được tiêm vắc-xin của Sinovac. Song hiện không rõ, các nhân viên y tế ở Indonesia có phải bị nhiễm biến chủng Delta hay không.
Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc là ông Zhong Nanshan tuyên bố nghiên cứu cho thấy các loại vắc-xin do Trung Quốc sản xuất hiện có hiệu quả giảm nguy cơ phát triệu chứng và gây bệnh nặng khi nhiễm biến chủng Delta.
Sputnik V
Reuters đưa tin, hồi cuối tháng Sáu, Viện Gamaleya của Nga cho hay vắc-xin Sputnik V đạt hiệu quả 90% chống lại biến chủng có khả năng lây lan nhanh như Delta.
Trước đó, các nhà nghiên cứu Nga cho biết, vắc-xin Covid-19 Sputnik V đạt hiệu quả gần 92% trong việc ngăn chặn chủng virus corona đầu tiên.
Minh Thu (tổng hợp)
Infonet