Vietravel Airlines gửi văn bản cho Thủ tướng đề nghị được vay 1.000 tỉ đồng
Đào Loan
(KTSG Online) - Người đứng đầu Vietravel Airlines cho biết đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được cho vay 1.000 tỉ đồng với lãi suất thấp trong vòng 5 năm để có thể "sống sót" và hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Hành khách trên một chuyến bay của Vietravel Airlines. Ảnh: DNCC |
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cũng như các doanh nghiệp lữ hành và hàng không khác, Vietravel bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và cần được hỗ trợ để có khả năng "sống sót" và hoạt động trở lại sau khi Covid-19 được khống chế.
Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được cho vay 1.000 tỉ đồng với lãi suất thấp trong vòng 5 năm. "Chúng tôi mong có thể được vay với lãi suất 4% đến 5%/năm", ông nói với KTSG Online.
Theo ông, hoạt động của du lịch, hàng không hiện đình đốn do dịch Covid-19 nhưng khoản vay của hầu hết các doanh nghiệp tại ngân hàng đều ở mức từ 5,5 đến 9% năm.
Thêm vào đó, hầu hết các ngân hàng đều hạ bậc tín dụng và nhóm nợ qua hệ thống đánh giá tự động cũng như gây khó cho các khoản vay mới với những khách hàng xin được gia hạn, hoãn trả nợ làm doanh nghiệp rất khó khăn. Vì thế, doanh nghiệp khác rất cần được hỗ trợ.
"Tôi cho rằng chính phủ cần ban hành chính sách cho toàn bộ doanh nghiệp hàng không và có giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho các hãng", ông nói.
Kiến nghị về các giải pháp khác cho doanh nghiệp hàng không và du lịch đang bị ảnh hưởng nặng về vì đại dịch, doanh nhân này cho rằng, các giải pháp cần thiết vẫn là cho doanh nghiệp vay ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ người lao động, tăng khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 và dần mở cửa du lịch.
Theo đó, chính phủ và quốc hội cần có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 16% trong 3 năm.
Việc này sẽ doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau khi dịch được khống chế. Sau đó, nhà nước có thể tăng thuế trở lại bằng thời điểm trước dịch.
Doanh nghiệp cũng cần các gói vay ưu đãi. Vừa qua, chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số nghị định, thông tư, chỉ thị liên quan đến vấn đề này nhưng việc thực thi không đạt hiệu quả cao.
Trong đó, ngoài việc hạ bậc tín dụng như vừa kể trên, còn có tình trạng có nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất nhưng một vài nơi thực hiện. Chủ trương giảm tiền thuê đất cũng đã có nhưng vẫn chưa thực hiện được vì thiếu văn bản hướng dẫn thi hành.
"Doanh nghiệp du lịch, hàng không và các ngành nghề khác cần được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, không hạ bậc tín dụng để vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra và trở lại thương trường. Các chính sách cần có chế tài cụ thể để có hiệu quả thực tế", ông Kỳ nói.
Doanh nhân này cũng cho rằng, với các gói an sinh xã hội như gói 62.000 tỉ đồng, 26.000 tỉ đồng dành cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cần có sự tham gia của doanh nghiệp để tăng thêm hiệu quả khi triển khai.
"Những doanh nghiệp đang nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có thể nhận khoản hỗ trợ từ chính phủ để trao lại cho người lao động nhận. Cách này sẽ giúp việc trao hỗ trợ chính xác, hiệu quả mà người lao động lại không phải tốn thời gian đi lại và thực hiện các thủ tục", ông nói.
Để từng bước đón du khách trở lại, ông Kỳ cho rằng nên tập trung thực hiện chương trình đón khách quốc tế bằng "hộ chiếu vaccine" tại những nơi như Phú Quốc, Nam Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn, Huế, Vân Đồn, Hạ Long.
"Hộ chiếu vaccine" nên áp dụng cho những du khách đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 và có xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh.
"Để có thể đón khách trở lại và đảm bảo việc kinh doanh không bị gãy đổ, chúng tôi cũng cần vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho nhân viên. Chúng tôi có thể trả chi phí tiêm vaccine cho nhân viên", ông nói.
Doanh nghiệp du lịch quá mệt mỏi vì kiến nghị và chờ chính sách Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM đã dùng từ "tê liệt" khi đánh giá tác động của đợt bùng dịch lần này với hoạt động của doanh nghiệp du lịch tại TPHCM. Theo bà, để có thể hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần vốn và vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho người lao động. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin tích cực nào liên quan đến việc này. "Tỉ lệ lao động du lịch được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hiện rất thấp, không đủ để cho người lao động và doanh nghiệp an tâm vận hành trở lại. Vaccine bảo vệ thiếu, vốn cũng thiếu mà dịch thì vẫn kéo dài nên chúng tôi không dám đánh giá gì về khả năng, thời điểm phục hồi", bà nói. Theo đó, kể từ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm ngoái, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động như giãn nợ, giảm lãi suất, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ người lao động... Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các kiến nghị trên vẫn chỉ là kiến nghị. "Chúng tôi không kiến nghị gì thêm, chỉ cần các kiến nghị vừa qua được chấp thuận", bà Khánh trả lời câu hỏi về các chính sách cần có để du lịch có thể khởi động lại khi đợt dịch này được khống chế. Theo đó, nếu thực hiện, các chính sách để "cứu" du lịch cần thực tế và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, việc giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép doanh nghiệp lữ hành là không giúp gì nhiều cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này vì phí thẩm định không nhiều, chỉ vài triệu đồng. Chưa kể, do thị trường đình đốn trong thời gian dài nên có rất ít người thành lập doanh nghiệp lữ hành. |
Mời đọc thêm:
Doanh nghiệp du lịch 'cầu cứu', muốn áp dụng điều lệ 'bất khả kháng'