Cảng Cát Lái đang nỗ lực giảm áp lực tồn bãi trong những tháng cuối năm - Ảnh: HẢI KIM
Ngày 10-8, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã họp trực tuyến với gần 1.500 khách hàng là doanh nghiệp logistics, hãng tàu, cảng trong và ngoài nước, thông tin về tình hình hoạt động cảng cũng như giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ tại cảng.
Sự tham gia đông đảo doanh nghiệp các lĩnh vực cho thấy câu chuyện ùn tắc của cảng Cát Lái đang tác động lớn đến hoạt động xuất nhập của nhiều doanh nghiệp, cũng như kế hoạch kinh doanh của họ trong những tháng cuối năm.
Các doanh nghiệp đặt câu hỏi nhiều về chính sách hỗ trợ di dời container sang các cảng ICD xung quanh, đặc biệt là thủ tục hải quan, chỉnh sửa vận đơn, áp dụng công nghệ trực tuyến...
Ông Trương Tấn Lộc, giám đốc marketing Tân Cảng Sài Gòn, cho biết trong thời gian qua, cảng Cát Lái gặp một số khó khăn do lượng container tồn bãi tăng cao, tuy nhiên tình hình hiện đã ổn định trở lại. Hiện tỉ lệ tồn bãi của cảng Cát Lái là 85%, đây là tỉ lệ hoàn hảo cho sản xuất cảng trong điều kiện dịch bệnh.
Cũng theo ông Lộc, biến động vừa qua là tất yếu do tác động dây chuyền từ các cảng ở nước ngoài. Hiện nay có 360 tàu đang trong tình trạng chờ cầu ở các cảng trên thế giới, và khoảng 110 cảng luôn cảnh báo sự cố tắc nghẽn.
Riêng ở các cảng của Tân Cảng Sài Gòn, từ ngày 15-7 đến 4-8, việc bỏ chuyến là khoảng 38 tàu, các tuyến dịch vụ tàu mẹ bị xáo trộn do việc kẹt cảng ở Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng không nhỏ đến các cảng ICD của Việt Nam.
"Tuy vậy, lượng tồn bãi hàng nhập đang có mức giảm rõ rệt, duy trì ở mức 80 - 85% dung lượng bãi, bảo đảm công suất, sức chứa cho phép, việc giao nhận hàng hóa và tốc độ giải phóng tàu đang tiến triển tốt, không còn khả năng hàng hóa tồn bãi tăng cao, bớt gây áp lực cho sản xuất và không còn nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của cảng", đại diện Tân Cảng Sài Gòn thông tin.
Công ty này tiếp tục kêu gọi các hãng tàu, khách hàng cùng chung tay chia sẻ, tiếp tục duy trì hợp tác để cùng cảng Cát Lái đảm bảo hoạt động thông suốt, góp phần làm cho chuỗi cung ứng được liên tục.
Một số giải pháp, quy định mới có thể sẽ gây hạn chế cho một số khách hàng nhất định. Tuy nhiên, tổng công ty cam kết "đồng hành và chia sẻ" thông qua miễn giảm nhiều loại phí, hỗ trợ thủ tục hải quan, linh động xử lý từng tình huống cụ thể của doanh nghiệp.
Theo Tân Cảng Sài Gòn, hiện tại dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ cũng chỉ còn khoảng tương đương 35% so với dung lượng của cảng Tân Cảng - Cát Lái. Vì vậy nguy cơ ùn ứ ở cảng Cát Lái cũng là nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng này, nên tập trung xử lý ở cảng sẽ giải quyết được bài toán cạnh tranh của cụm cảng phía Nam.
Thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho thấy, trong ngày 10-8, đã có khoảng 72 container tồn đọng trên 90 ngày được di chuyển về cảng Hiệp Phước. Đây là biện pháp giãn hàng mà Tân Cảng Sài Gòn thực hiện bước đầu để duy trì hoạt động của cảng Cát Lái.
Trước đó, Tân Cảng Sài Gòn cũng đã thông báo tạm ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng Cái Mép và cảng Tân Cảng Hiệp Phước về cảng đích Cát Lái để giao cho khách hàng, ngoại trừ các lô hàng mà khách hàng cam kết nhận hàng trong vòng hai ngày kể từ ngày container được dỡ lên bãi.
TTO - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút xử lý những vướng mắc để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa ở cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) trong thời gian qua.