Diễn tiến âm thầm
Theo GLOBOCAN 2020, căn bệnh ung thư buồng trứng đứng hàng thứ 19 trên thế giới,Việt Nam có khoảng 1.404 trường hợp mới mắc và 923 ca tử vong mỗi năm.
Điều đáng lo ngại là giới nữ thường khó nhận biết bệnh ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu do bệnh diễn tiến âm thầm với triệu chứng không rõ ràng. Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán là ở giai đoạn cuối (giai đoạn III hoặc IV) và chỉ có tỷ lệ sống sót sau 5 năm khoảng 30%, trong lúc lựa chọn điều trị còn rất hạn chế.
Các đại biểu và diễn giả tham gia trực tuyến Hội thảo ung thư buồng trứng
Các dấu hiệu: Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón, thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang, ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ, tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân, chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục đều có thể là triệu chứng ban đầu do căn bệnh ung thư buồng trứng gây ra nhưng dễ nhầm lẫn với các nhóm bệnh thông thường khác.
Hiện căn bệnh ung thư buồng trứng hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nhưng các nghiên cứu chỉ ra các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít; Kinh nguyệt không đều; Phụ nữ dùng thuốc kích thích rụng trứng; Dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh - Người bị ung thư vú; Yếu tố di truyền: Những phụ nữ có mẹ hoặc chị em gái đã mắc ung thư buồn trứng, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 đến 4 lần 1 .
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ tại hội thảo khoa học trực tuyến "Tiêu chuẩn mới trong điều trị trúng đích ung thư buồng trứng": "Phụ nữ nên chủ động tư vấn với bác sĩ khi gặp những triệu chứng nghi ngờ. Việc kịp thời phát hiện bệnh và điều trị sớm càng trở nên quan trọng hơn trong thời kỳ đại dịch để giúp bệnh nhân tránh khỏi những rủi ro lớn hơn khi nhiễm COVID-19."
Đột phá mới trong điều trị ung thư buồng trứng
Đối với những bệnh nhân không may mắc bệnh, các phát kiến mới trong việc điều trị được kỳ vọng sẽ mang đến những kết quả khả quan. Hội thảo khoa học trực tuyến "Tiêu chuẩn mới trong điều trị trúng đích ung thư buồng trứng" được phối hợp tổ chức bởi Viện Nghiên cứu phòng chống Ung thư và Công ty AstraZeneca Việt Nam vừa mang đến tin vui trên hành trình điều trị của bệnh nhân ung thư buồng trứng tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS.BS Lê Văn Quảng - giám đốc Bệnh viện K - cho biết: "Ung thư buồng trứng thường phát hiện muộn và hay tái phát nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân có thể phải điều trị nhiều lần do đó ảnh hưởng đến kết quả điều trị cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc điều trị trúng đích với cơ chế tác động lên khả năng chỉnh sửa DNA bị tổn thương của tế bào có thể xem là một tiến bộ trong lĩnh vực ung thư, bởi tính hiệu quả và bệnh nhân dễ dàng chấp nhận hơn".
Liệu pháp mới là loại thuốc nhắm trúng đích có cơ chế tác động lên khả năng chỉnh sửa đoạn gien (DNA) bị tổn thương của tế bào. Ông Nitin Kapoor, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi, khẳng định: "Để hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, AstraZeneca không chỉ đẩy mạnh nỗ lực cung cấp vắc xin mà còn đảm bảo bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính được tiếp tục điều trị và chăm sóc trong gian đoạn đại dịch. Giải pháp điều trị ung thư buồng trứng mới của chúng tôi, với khả năng mang lại những cải thiện ý nghĩa cho bệnh nhân trong suốt hành trình điều trị là minh chứng cho nỗ lực nhất quán này".
Giải pháp mới được hội nghị đề cập cũng là thuốc được phê duyệt trong điều trị duy trì ung thư buồng trứng tiến triển bởi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) và nay sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân cũng như mang đến nhiều triển vọng hơn trên hành trình điều trị ung thư buồng trứng tại Việt Nam.
Xem thêm: mth.55291756101801202-man-teiv-iat-gnurt-gnoub-uht-gnu-irt-ueid-gnort-iom-ahp-tod/nv.ertiout