LTS: Việc xác định hậu quả thiệt hại trong vụ án hình sự vốn gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay, vì đây là cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự và cả dân sự của bị cáo.
LS-TS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gửi đến Pháp Luật TP.HCM đề xuất về việc xem xét, coi Quyết định giám đốc thẩm
số 14/2019/HS-GĐT của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là một án lệ về vấn đề này.
Theo báo cáo tại phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 5-8, trong sáu tháng đầu năm nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng.
Nhiều cách tính thời điểm tính thiệt hại, hậu quả vụ án
Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá ngành tòa án đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự. Nhiều kiến nghị của tòa không chỉ khắc phục sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn khắc phục sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô và thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trong một phiên xử phúc thẩm ở TAND Cấp cao
tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng việc giải quyết một số vụ án bị kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều, một trong số đó là do công tác giám định tư pháp còn có những bất cập, vướng mắc. Trong đó, vấn đề xác định thời điểm tính thiệt hại, hậu quả vụ án còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và ngay trong một số bản án hình sự của tòa án các cấp.
Có một thực trạng là nhiều kết luận giám định tư pháp, trong đó có kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở trung ương đưa ra hai kết quả định giá vào thời điểm xảy ra hành vi vi phạm và thời điểm khởi tố vụ án.
Điển hình là hiện tồn tại hai bản án có hiệu lực pháp luật đều của TAND Cấp cao tại Hà Nội, gồm: (1) Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HS-PT ngày 13-6-2019 xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại TP Đà Nẵng, TP.HCM; và (2) Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12-5-2020 xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ xảy ra tại TP Đà Nẵng.
Hai bản án có hiệu lực này có sự khác biệt về quan điểm xác định thời điểm và số liệu thiệt hại giữa Cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKSND Tối cao và của chính TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Tính thiệt hại tại thời điểm khởi tố hay lúc xảy ra sai phạm?
Trở lại vụ án Phan Văn Anh Vũ, sau khi TAND TP Hà Nội xét xử vụ án liên quan trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo Bộ Công an, viện trưởng VKSND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 06/QĐ-VKS (P3) ngày 14-2-2019, cho rằng thiệt hại trong vụ án này cần phải được tính tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.159 tỉ đồng mới phù hợp với thực tế.
Án sơ thẩm chỉ tính thiệt hại ngay tại thời điểm giao đất với số tiền 135.388.822.503 đồng là chưa đánh giá đúng bản chất của vụ án cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho Nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên, Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HS-PT ngày 13-6-2019 của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã không chấp nhận kháng nghị của VKS và xác định hậu quả thiệt hại của vụ án tại thời điểm xảy ra sai phạm.
Không đồng ý quan điểm xác định thời điểm tính thiệt hại là hậu quả vụ án của TAND Cấp cao tại Hà Nội, viện trưởng VKSND Tối cao có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 10/QĐ-VKSTC ngày 23-9-2018 kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm nói trên.
VKSND Tối cao đề nghị xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội (HVPT) của các bị cáo gây ra theo thời điểm khởi tố vụ án.
Sau đó, ngày 5-12-2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm, ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT kết luận về việc xác định thiệt hại trong vụ án:
“Khoa học pháp lý và pháp luật hình sự đều quy định việc xác định thiệt hại do HVPT gây ra được xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện HVPT. Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Tại Kết luận điều tra số 147/KLĐT-C01 ngày 28-12-2018, cơ quan điều tra Bộ Công an xác định hậu quả của vụ án là 135.388.822.503 đồng - là số tiền chênh lệch của bảy tài sản nhà nước được chỉ định bán và cho thuê quyền sử dụng đất không qua đấu giá theo quy định của pháp luật tại thời điểm các bị cáo thực hiện HVPT để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Thiệt hại được giám định tại các thời điểm khác nhau như khởi tố vụ án, xét xử vụ án, thi hành án để làm cơ sở xem xét trách nhiệm dân sự, trách nhiệm thi hành án, giải quyết mối quan hệ dân sự với người thứ ba...
Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án là bảy tài sản đã mua/thuê trái phép, đang bị kê biên là đầy đủ, đúng bản chất vụ án và giá trị của nó được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện HVPT là đúng pháp luật”.
Hai phạm vi thiệt hại Mới đây, trong vụ án liên quan đến Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Sagri), kết luận điều tra bổ sung ngày 17-5-2021 của cơ quan điều tra Bộ Công an còn đưa ra cách xác định hậu quả thiệt hại theo hai phạm vi: (1) Thiệt hại làm căn cứ xử lý hình sự, được xác định là thời điểm thực hiện HVPT đến khi tội phạm hoàn thành (thời điểm chuyển nhượng dự án đến khi Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT thực hiện xác nhận đăng ký biến động đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). (2) Thiệt hại để xem xét trách nhiệm về mặt dân sự, được xác định là thời điểm tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn (thời điểm khởi tố vụ án). |
Đề xuất phát triển thành án lệ
Theo tôi, Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT ngày 5-12-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có căn cứ cả về mặt khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử.
Theo khoản 1 Điều 85 BLTTHS 2015 thì những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự: Có HVPT xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của HVPT.
Mặt khác, Điều 2 Nghị định 26/2005 quy định một trong những nguyên tắc định giá tài sản là phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm. Điều 13 quy định một trong những căn cứ định giá tài sản phải dựa vào giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.
Sau này, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2018 thay thế Nghị định 26/2005 cũng điều chỉnh quy định về nguyên tắc định giá tài sản là phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá, chứ không có quy định nào bắt buộc việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào thời điểm khởi tố vụ án.
Từ thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế còn nhiều quan điểm và cách xác định thời điểm thiệt hại khác nhau, làm cơ sở cho việc áp dụng pháp luật thống nhất và để phán quyết của tòa được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tôi kiến nghị Hội đồng Tư vấn án lệ quốc gia lựa chọn và đề xuất đưa Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT ngày 5-12-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xây dựng thành án lệ.
Tóm tắt nội dung đề xuất án lệ Tên gọi của án lệ là: Về thời điểm xác định giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ án hình sự. Tình huống án lệ: HVPT của bị cáo gây ra thiệt hại về tài sản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, tòa án phải xác định giá trị tài sản bị thiệt hại tại thời điểm bị cáo thực hiện HVPT. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Điều 356 BLHS 2015. Từ khóa của án lệ: Xác định giá trị tài sản bị thiệt hại; thời điểm thực hiện HVPT. |