Hãng AP đưa tin Trung Quốc ngày 10-8 đã triệu hồi đại sứ tại Litva và trục xuất đại sứ của quốc gia Baltic này tại Bắc Kinh vì quyết định của Litva khi cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius “dưới danh nghĩa Đài Loan”.
Động thái trên được đưa ra sau khi Đài Loan và Litva hồi tháng 7 đã nhất trí rằng văn phòng đại diện của Đài Loan ở thủ đô Vilnius - dự kiến mở cửa vào mùa thu năm nay - sẽ mang tên Đài Loan, thay vì Đài Bắc như trước đây, động thái Bắc Kinh nói vi phạm chính sách “Một Trung Quốc”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Litva. Ảnh: EPA
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10-8 nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi phía Litva ngay lập tức sửa chữa quyết định sai lầm, thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục tổn hại và không tiến sâu hơn vào con đường sai lầm".
Thông cáo đề cập "hậu quả tiềm tàng" đối với Litva nếu nước này cho phép văn phòng đại diện của Đài Loan tại nước này mở cửa, song không nêu chi tiết.
"Chúng tôi cũng cảnh báo chính quyền Đài Loan rằng 'Đài Loan độc lập' là ngõ cụt và bất kỳ nỗ lực nào nhằm vào các hoạt động ly khai trên trường quốc tế chắc chắn sẽ thất bại" – thông cáo nêu.
Theo AP, Bộ Ngoại giao Litva cùng ngày đã bày tỏ “lấy làm tiếc” về động thái của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Litva “sẵn sàng phát triển các mối quan hệ cùng có lợi với Đài Loan, giống như nhiều nước khác trên thế giới, trên cơ sở nguyên tắc ‘một Trung Quốc’”.
Người phát ngôn Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An đã hoan nghênh điều mà bà gọi là “ý chí kiên định của Litva để bảo vệ khái niệm về phẩm cách và tự do quốc gia”.
“Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực trên cơ sở các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do và nhân quyền” – bà Âu nói.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã lên án điều mà ông gọi là "sự ép buộc" của Trung Quốc và nói rằng tất cả các nước cần được tự do xác định cách xử lý mối quan hệ với Đài Loan mà không có sự can thiệp của Bắc Kinh.
"Chúng tôi thực sự đoàn kết với Litva và chúng tôi lên án các hành động trả đũa gần đây của Trung Quốc, bao gồm việc triệu hồi đại sứ của nước này tại Vilnius và đề nghị Litva triệu hồi đại sứ của mình tại Bắc Kinh" - ông Price cho biết.
“Mỗi quốc gia nên được xác định các đường nét của chính sách 'một Trung Quốc' của riêng mình mà không có sự ép buộc từ bên ngoài" – ông Price nhấn mạnh.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại trừ khả năng dùng vũ lực để thống nhất. Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan không có quyền được công nhận ngoại giao, mặc dù hòn đảo này duy trì quan hệ ngoại giao không chính thức với nhiều quốc gia thông qua các văn phòng thương mại hoạt động như đại sứ quán trên thực tế, gồm cả ở Mỹ và Nhật.
Sức ép của Trung Quốc đã làm giảm số lượng các đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Loan xuống còn 15 đồng minh.
Bên cạnh việc tăng cường sức ép ngoại giao, Trung Quốc cũng tăng cường đe dọa đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của nước này thông qua việc điều động máy bay chiến đấu và tàu chiến hiện diện xung quanh hòn đảo này.
Hồi tháng 2, trước sức ép từ Trung Quốc, Guyana đã hủy bỏ việc cho phép Đài Loan mở văn phòng thương mại và đầu tư tại quốc gia Nam Mỹ này.
Lần gần nhất Đài Loan thành lập văn phòng đại diện tại châu Âu là vào năm 2003 tại Bratislava, Slovakia.
Theo Cơ quan Ngoại giao Đài Loan, Đài Loan hiện điều hành 110 văn phòng đại diện tại 72 quốc gia.