Các VĐV người khuyết tật VN gặp nhiều khó khăn trong hành trình chuẩn bị cho Paralympic 2020 - Ảnh: TẤN PHÚC
Trước đó tại Paralympic Brazil 2016, đoàn VN từng giành được 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công (49kg) là người đã mang về HCV cho thể thao người khuyết tật VN tại Paralympic 2016 với thành tích tổng cử 183kg, phá kỷ lục thế giới.
Hành trình gian nan
Paralympic Tokyo diễn ra từ ngày 24-8 đến 5-9 với 22 môn thể thao và 540 nội dung. Đoàn VN tham dự đại hội với 15 thành viên, trong đó có 7 VĐV và trưởng đoàn là ông Nguyễn Hồng Minh - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT.
7 VĐV gồm : Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (bơi), Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh).
Riêng VĐV Nguyễn Thành Trung (bơi) dù có tên trong danh sách nhưng phút cuối không thể đến Paralympic Tokyo. Lý do là Trung phải được xác định lại thương tật để đăng ký thi đấu nhưng trong suốt 2 năm qua anh không được ra nước ngoài thi đấu.
Vì thế Ủy ban Paralympic quốc tế không đánh giá được thương tật của anh, thế nên Trung lỡ hẹn với Tokyo 2020 dù được đánh giá có khả năng tranh chấp huy chương.
Mục tiêu của đoàn là phấn đấu có huy chương. Do quy định của ban tổ chức đại hội, đoàn thể thao người khuyết tật VN có 7 VĐV thì tổng số người đi trong đoàn tối đa chỉ là 15.
Do cần rất nhiều sự hỗ trợ về di chuyển, y tế, chăm sóc… nên với số lượng thành viên của đoàn ít như vậy nên các VĐV sẽ gặp không ít khó khăn trong tập luyện và thi đấu.
Hai năm không được thi đấu quốc tế
Dù các VĐV người khuyết tật VN đã cần mẫn tập luyện để chuẩn bị cho Para Games 2020 tại Philippines, thế nhưng vì dịch COVID-19 đại hội đã bị hủy.
Suốt từ đầu năm 2020 đến nay, họ cũng không thể di chuyển ra nước ngoài để tập huấn, thi đấu các giải quốc tế. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến phong độ hiện tại của các VĐV khuyết tật VN.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Minh nói: "Thời gian qua tổng cục cũng nỗ lực tìm cách đưa VĐV đi nước ngoài thi đấu nhưng vì dịch bệnh đường bay không có nên không đi được. Vì vậy, thành phần đoàn dự Paralympic 2020 chủ lực vẫn chính là các VĐV tham dự Paralympic 2016.
Tuy nhiên 5 năm qua, tuổi của VĐV cao lên, điều kiện thi đấu, tập huấn 2 năm qua do dịch bệnh nên không tốt.
VĐV Lê Văn Công gặp chấn thương vai đã hơn một năm qua. Suốt nhiều tháng nay Công được hỗ trợ để điều trị chấn thương và cố gắng tập hồi phục. Với thể thao người khuyết tật, điều quan trọng chính là nỗ lực vượt qua chính mình của VĐV.
Khó tạo được thành tích đột biến
Từ đầu năm 2021, các VĐV của đoàn thể thao người khuyết tật VN đã được tập huấn tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM và Đà Nẵng cho đến nay. Dù vậy vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều thời điểm các VĐV không thể tập luyện được.
Các VĐV bơi lội như Võ Thanh Tùng thậm chí có thời điểm không được xuống hồ bơi mà chỉ tập cạn trên bờ. Do quá trình tập luyện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chấn thương, nên dự báo thành tích của đoàn thể thao người khuyết tật VN tại Paralympic Tokyo 2020 khó tạo được đột biến.
Để chuẩn bị tham dự đại hội, tất cả VĐV và thành viên trong đoàn đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Và 3 ngày trước khi lên đường đoàn sẽ phải xét nghiệm COVID-19 theo quy định của ban tổ chức.
Chi phí tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo ước tính đã tăng từ 294 tỉ yên (2,67 tỉ USD) lên gần 1.644 tỉ yên (14,9 tỉ USD), sánh ngang kỳ Olympic London 2012 tốn kém nhất trong lịch sử.