vĐồng tin tức tài chính 365

Cần một 'binh pháp' chống giặc Covid bài bản

2021-08-11 15:34

Cần một 'binh pháp' chống giặc Covid bài bản

Hồ Quốc Tuấn (*)

(KTSG Online) - Một trong những ấn tượng của cá nhân người viết với việc chống dịch Covid-19 của nhiều địa phương hiện nay trên cả nước là dường như còn thiếu sự nhất quán và bài bản trong cách tổ chức chống dịch.

Từ câu chuyện bánh mì không phải là hàng hóa thiết yếu (mời xem bài "Ổ bánh mì, hộp bao cao su và sự lạc hậu của ‘hàng hóa thiết yếu"), câu chuyện dừng rồi mở lại chợ truyền thống ở TPHCM, cho đến chuyện giấy đi đường ở Hà Nội hay việc nhiều cán bộ trên địa bàn phản ứng thành phố Long Xuyên kiểm soát "vượt quyền" gần đây, tất cả đều có một điểm chung: sự lúng túng và thiếu đồng bộ, và dường như tất cả được triển khai trên nền tảng chống dịch theo kinh nghiệm chứ không phải là được hướng dẫn từ một bộ chỉ dẫn cách chống dịch khoa học và bài bản.

Điều này có thể làm cho công chúng liên tưởng đến đội quân chống dịch như chống giặc, nhưng tất cả đều tràn lên đánh giặc theo cách của mình, không có hiệu lệnh cụ thể, không có chiến lược rõ ràng mà toàn là ra các giải pháp chống dịch theo bản năng. Cách làm như vậy có thể hiểu được nếu chúng ta đang ở những ngày đầu chống dịch trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4. Tuy nhiên, khi mà Chỉ thị 16 đã được áp dụng trong một khoảng thời gian khá dài tại TPHCM trong đợt dịch này, thì các tỉnh thành khác xem ra vẫn không rút được nhiều kinh nghiệm.

Sự thiếu vắng của những phối hợp đồng bộ còn thể hiện ở chỗ những công văn gửi đi rồi gửi lại của Bộ Y tế với TPHCM về chuyện mua 5 triệu liều Moderna mới đây. Vì sao Bộ Y tế phải “chạy vòng vòng” hỏi xem TPHCM có mua không, nếu không mua thì để tỉnh thành khác mua? Vì sao không có một đầu mối duy nhất cứ có vaccine là mua rồi phân phối lại cho các tỉnh thành? Hàng ngàn tỉ đồng của Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 để làm gì? Và ngân sách đã được xác định dùng để mua vaccine thì sao?

Đọc thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, bản thân cá nhân tôi cảm nhận thấy một thông điệp khác là đang đặt toàn bộ hy vọng vào chuyện tiêm vaccine, cho rằng đó là “lối thoát khỏi Covid-19 duy nhất”. Thế nhưng “thoát” như thế nào thì không rõ?

Qua theo dõi các nghiên cứu khoa học được công bố gần đây, nhận thấy đang nổi lên các cuộc tranh luận rằng việc cố gắng đạt miễn dịch cộng đồng có thể là không thể với chủng Delta hiện tại nữa. Giáo sư Andrew Pollard, người đứng đầu Vaccine Group của trường Đại học Oxford, đã giải thích về vấn đề này với quốc hội và truyền thông Anh gần đây như sau: biến thể Delta vẫn sẽ có thể lây nhiễm cho những người đã được tiêm vaccine. Và điều đó có nghĩa là bất kỳ ai chưa được tiêm phòng tại một thời điểm nào đó sẽ có thể mắc virus … và chúng ta không có bất kỳ thứ gì có thể hoàn toàn ngăn chặn sự lây truyền từ những người đó cho người khác (dù là đã tiêm hay chưa tiêm vaccine) (1).

Điều trọng yếu của vaccine là giảm thiểu tử vong và trở nặng, dự kiến đã giúp nước Anh giảm đi ít nhất 60 ngàn ca tử vong. Thế nhưng nó không giúp nước Anh tránh được số ca bệnh khi mở cửa nền kinh tế trở lại từ 19-7. Từ đó đến nay, vẫn có từ 20-30 ngàn ca bệnh mỗi ngày (đỉnh điểm là hơn 50 ngàn ca), và vẫn có hơn 100 người tử vong vì Covid-19 mỗi ngày, mặc dù hơn 70% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

Nói cách khác, không có sự “thoát” khỏi Covid-19 hoàn toàn mà cần phải có một chiến lược mới để có thể mở cửa lại nền kinh tế và vận hành trong một trạng thái bình thường mới: sống chung với virus. Vậy câu hỏi là sống chung như thế nào?

Tùy mỗi nước sẽ có một “binh pháp” riêng của mình, ngoài chuyện tiêm vaccine thật nhanh. Chẳng hạn ở Anh, một bài học là áp dụng các công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telehealth) vào trong chăm sóc y tế, để đảm bảo các F0 hay người có bệnh khác vẫn được tiếp cận với tư vấn y tế kịp thời khi cách ly ở nhà. Đây được xem là một nhân tố quan trọng giảm thiểu nhiều ca tử vong ở các viện dưỡng lão và những khu vực có nhiều người có bệnh nền cầm chăm sóc. Bác sĩ có thể theo dõi, đưa ra chẩn đoán và đề xuất giải pháp điều trị từ xa, giảm bớt ca chờ và nhập viện không cần thiết, trong khi lập tức thông báo đội ngũ cấp cứu cho ca tiềm năng trở nặng ngay trước khi nó diễn ra đã giúp giảm thiểu nhiều trường hợp tử vong và cũng giảm tải cho bệnh viện tuyến đầu.

Ở Việt Nam chưa có điều kiện áp dụng các biện pháp công nghệ này nhưng lại có lợi thế là có các nhóm tình nguyện cộng đồng tại các quận, huyện đã được triển khai ở TPHCM. Đây là một mô hình Telehealth “kiểu Việt Nam” để đảm bảo người dân có thể tiếp cận chăm sóc y tế nhanh nhất trong bối cảnh giãn cách xã hội chặt chẽ, vừa giúp dân yên tâm, vừa giúp phát hiện và ngăn ngừa những rủi ro tử vong sớm nhất.

Đây chỉ là một trong rất nhiều bài học các nước mà cần được tổng hợp và chuyển thành giải pháp cụ thể ở Việt Nam. Còn nhiều nữa những kinh nghiệm như chuyển tiền cứu trợ cho dân như thế nào, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn trong thời kỳ dịch bệnh lan rộng ra sao, cách ly tại nhà thế nào, hướng dẫn các hoạt động giáo dục diễn ra theo chiều hướng nào...

Và quan trọng là nếu định sống chung với virus thì không thể để tái diễn tình trạng sống chung mỗi nơi mỗi cách như chống dịch hiện tại mà cần có những bộ chỉ dẫn về hành xử tốt nhất và thường xuyên cập nhật do một nhóm nghiên cứu chuyên biệt cố vấn cho chính phủ và ban hành hướng dẫn cho các tỉnh thành.

Những đề xuất và hướng dẫn trong đó phải được ủng hộ bởi các nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, do đó cần một nhóm chuyên môn có uy tín phụ trách soạn thảo “binh pháp” mới này, để thay cho chuyện chống dịch bằng kinh nghiệm như hiện nay.

Ở các nước đều có các nhóm cố vấn y tế, khoa học hành vi, tái thiết kinh tế riêng phụ trách các mảng này và cố vấn cho chính phủ. Ở Việt Nam, chúng ta không rõ có các nhóm đó không, và cũng không thấy những tài liệu cốt lõi đó được công bố. Chỉ thị 16 không thể thay thế cho những tài liệu cốt lõi đó được. Bởi, các chỉ thị chỉ là một văn bản hành chính, không thể thay thế cho một hướng dẫn phòng và chống dịch cụ thể và dựa trên chứng cứ khoa học.

-----------------

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

(1) https://www.theguardian.com/world/2021/aug/10/delta-variant-renders-herd-immunity-from-covid-mythical

 

Xem thêm: lmth.nab-iab-divoc-caig-gnohc-pahp-hnib-tom-nac/643913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cần một 'binh pháp' chống giặc Covid bài bản”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools