vĐồng tin tức tài chính 365

Phá án từ mác vỏ gối

2021-08-11 16:16

Ngày 5/9/1913, những túi bộ phận cơ thể được bó gọn gàng bắt đầu trôi dạt vào bờ sông Hudson ở New Jersey.

Trong nhiều ngày, các nhà chức trách đã ghép các mảnh thi thể, trừ phần đầu không bao giờ được tìm thấy, và xác định nạn nhân là phụ nữ dưới 30 tuổi, cao khoảng 1,62 m và nặng 54-59 kg. Nạn nhân mang thai thời gian ngắn trước khi bị sát hại.

Manh mối duy nhất cảnh sát có được là chiếc áo gối dùng để gói thi thể, thêu một chữ A cách điệu cầu kỳ, được phỏng đoán là tên viết tắt của nạn nhân hoặc ai đó liên quan.

Tipoff, nhãn hiệu của nhà sản xuất áo gối đã dẫn cảnh sát đến Robinson-Roders, một hãng chăn ga gối đệm ở New York. Từ đó, các thám tử tiếp tục đến cửa hàng trên đại lộ 8 ở Harlem. Dữ liệu ở đó cho thấy chiếc áo gối là một phần của chuyến giao hàng trị giá 12,68 USD vào ngày 25/8 cùng năm, đến số 68 đại lộ Bradhurst.

Nhân viên tòa nhà cho biết căn hộ đã được Hans Schmidt, người đàn ông đẹp trai nói giọng Đức thuê hai tuần trước đó, nhưng người đến ở lại là một "phụ nữ Đức đẹp như tượng tạc" tên là Anna. Cô này đột ngột biến mất cách đây không lâu.

Cảnh sát vào căn hộ và nhận thấy, tuy tường và sàn nhà được cọ rửa bằng những 6 hộp xà bông còn vứt lăn lóc trong góc phòng tắm, mùi tanh vẫn nồng lên rõ rệt. Những vết đen nghi là máu vung khắp sàn, tường.

Trong một chiếc thùng khác, cảnh sát tìm thấy chiếc quần dài của phụ nữ, một con dao bán thịt, một cái cưa tay và một đống thư được gửi cho Anna Aumüller từ nước Đức. Rương đựng những lá thư này cũng có một chiếc khăn tay thêu chữ "A" giống như áo gối.

Nhóm thám tử đã sử dụng các thư từ để kết nối chi tiết về cuộc sống của người phụ nữ tên Anna. Cô đến New York vào năm 1908, ở tuổi 16, và làm người hầu tại một số địa chỉ được tìm thấy trên các bức thư.

Trong công việc cuối cùng của cô tại Nhà thờ Công giáo St. Boniface kéo dài 8 tháng, cô bị linh mục John Braun sa thải ngày 13/8, vì "không hài lòng với cách sống". Các thanh tra cảnh sát quyết định tìm đến nhà thờ để gặp mục sư Hans Schmidt, người thuê căn hộ cho cô.

Hans gần như ngất xỉu khi thấy cảnh sát xuất hiện trước cửa phòng nhưng chỉ trong vòng vài phút đã thú nhận về việc kết hôn và giết Aumüller, tuyên bố động cơ: "Tôi yêu cô ấy. Tôi có tội và sẵn sàng trả giá".

Hans Schmidt và vợ, Anna Aumüller. Ảnh: Allthatinteresting

Hans Schmidt và vợ, Anna Aumüller. Ảnh: Allthatinteresting

Lời khai của Hans cho thấy, anh ta sinh ra ở thị trấn Aschaffenburg nước Đức vào năm 1881. Hai bên gia đình bố mẹ đều có tiền sử mắc bệnh tâm thần nhiều đời.

Thuở ấu thơ, Hans thường xuyên bị bố đánh đập và chứng kiến mẹ bị bạo hành. Anh ta thích thú với các nghi lễ Công giáo La Mã và thường đóng vai linh mục khi chơi với bạn bè. Hans Schmidt trở thành linh mục năm 25 tuổi.

Trong quá trình học ở trường dòng, anh ta bị bắt vào năm 1905 với cáo buộc giả mạo bằng tốt nghiệp sau khi thi trượt nhiều lần. Công tố viên quyết tâm tống anh ta vào tù nhưng cha của Hans đã thuê một luật sư dàn xếp việc giảm tội vì lý do "khiếm khuyết về tâm thần".

Từ chối tuân theo các luật lệ Công giáo, anh ta đã thay đổi các nghi lễ cầu nguyện của nhà thờ cho phù hợp với tính cách lập dị của mình, và tin vào "tình yêu tự do". Vì lối sống và phát ngôn dị thường này, anh ta bị bề trên thường xuyên khiển trách và cuối cùng bị điều chuyển đến Mỹ.

Năm 1908, Hans tới Nhà thờ St. Boniface ở phía đông của Midtown Manhattan và gặp cô giúp việc Anna Aumüller, nảy sinh tình cảm. Hans sau đó bị chuyển tới Tây Harlem để tin tức về vụ bê bối ái tình không bị lộ ra ngoài. Anna sớm phát hiện có thai và được Hans đưa tiền đến Áo để phá thai.

Nhưng cô quyết yêu cầu danh phận và một chiếc nhẫn cưới. Chiều lòng người yêu, ngày 26/2/1913, họ kết hôn trong một buổi lễ bí mật do chính Hans thực hiện. Tất nhiên, các linh mục Công giáo bị cấm kết hôn, chưa nói đến việc quan hệ tình dục.

Động cơ của Hans không thực sự được khai rõ. Anh ta trả lời tất cả câu hỏi của thám tử bằng câu: "Vì tôi yêu cô ấy". Cảnh sát đặt ra nghi ngờ, có phải Anna đe doạ sẽ công khai chuyện hai người nên anh ta tìm cách bịt miệng nhân tình. Tuy nhiên, Hans chỉ im lặng.

Trong lúc thú nhận tội giết vợ, Hans còn thú nhận in tiền giả mệnh giá 10 USD, tương đương 240 USD ngày nay. Cảnh sát tìm thấy chiếc máy in này ở một căn hộ khác cùng thành phố.

Cùng với tiền giả, Hans đang lên kế hoạch hợp tác với bạn làm nha sĩ ở Manhattan để thực hiện một loạt vụ giết người nhằm chiếm đoạt các khoản tiền bảo hiểm nhân thọ. Anh ta cũng khai từng đóng giả là bác sĩ y khoa dưới nhiều cái tên khác nhau để điều chế ma tuý theo cách thủ công để sử dụng.

Phiên tòa xét xử Hans bắt đầu vào ngày 7/12/1913 và kéo dài suốt 23 ngày. Anh ta liên tục giả điên, trong khi các luật sư của anh ta bao biện, gia phả của bị cáo có tới 60 người họ hàng gần xa có dấu hiệu bất ổn về tinh thần, và do đó anh ta không thể bị xử tử. "Anh ta đơn giản là bị điên", họ nói.

Bồi thẩm đoàn không bị thuyết phục bởi những điều này đã tuyên Hans phạm tội Giết người cấp độ một và phạt tử hình bằng ghế điện. Nghe xong án, Hans bình thản trả lời báo giới: "Tôi hài lòng với phán quyết. Tôi thà chết hôm nay còn hơn ngày mai".

Hình phạt tử hình được thực hiện ngày 18/2/1916. Cho đến nay, Hans Schmidt là linh mục duy nhất bị hành quyết ở Mỹ.

Hải Thư (Theo NYdailynews,Allthatinteresting, Murderpedia)

Xem thêm: lmth.1648334-iog-ov-cam-ut-na-ahp/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Phá án từ mác vỏ gối”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools